Làm gì để phòng chống bạo lực giới tại trường dạy nghề?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bạo lực, quấy rối tình dục với phụ nữ và em gái, đặc biệt ở trường học và nơi làm việc không phải là vấn đề mới, nhưng chưa bao giờ bị coi là vấn đề cũ, thậm chí còn có xu hướng gia tăng với nhiều hình thức phức tạp.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam, dù chưa có khảo sát chính thức nào liên quan tới vấn đề này, đây cũng là chủ đề nhận được nhiều mối quan tâm, bởi đặc thù các trường nghề vừa là nơi học tập, vừa thực hành nghề nghiệp nên các sinh viên ở đây sớm tiếp xúc với môi trường lao động. Điều này có thể gia tăng sự phức tạp của các rủi ro về bạo lực, quấy rối đối với sinh viên ở môi trường này.

Mới đây, trong khuôn khổ hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới từ 15/11 - 15/12, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) đã phối hợp cùng các bên liên quan tổ chức chương trình truyền thông – talkshow “Thế hệ mới – Lên tiếng vì sự an toàn và bình đẳng” tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang cho gần 300 sinh viên.

Chia sẻ về việc có nên im lặng khi là nạn nhân hoặc chứng kiến các hành vi quấy rối không, sinh viên Nguyễn Ngô Bá Phước – sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang cho biết: “Em hiểu các bạn là nạn nhân thường sẽ có cảm giác lo sợ, hoảng loạn và đôi khi là cả lo lắng, không biết liệu nói ra có ai giúp mình không, có ảnh hưởng gì đến tương lai không. Tuy nhiên, khi chúng ta im lặng là đang gián tiếp dung túng và tạo điều kiện cho thủ phạm có cơ hội tiếp tục thực hiện những hành vi quấy rối, thậm chí mức độ còn nghiêm trọng hơn”.

Để thay đổi tận căn của vấn nạn quấy rối, bên cạnh việc ứng phó thì còn cần các biện pháp phòng ngừa. Sinh viên Mai Hồng Nhung – sinh viên trường bày tỏ ý kiến: “Chúng em rất mong muốn nhà trường sẽ tổ chức thêm những khoá học về kĩ năng mềm cho học sinh, sinh viên hoặc tạo điều kiện cho chúng em tham gia thêm nhiều hoạt động truyền thông, học hỏi như thế này”.

Về phía Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang, nhà trường bày tỏ cam kết nỗ lực lắng nghe, tiếp nhận các trường hợp sinh viên không may trở thành nạn nhân của quấy rối thông qua các kênh tiếp nhận khác nhau để kịp thời hỗ trợ. ThS Phan Mai Phương Duyên – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhà trường thành lập Phòng Công tác sinh viên với cán bộ chuyên trách để tiếp nhận những vấn đề, khúc mắc mà các em gặp phải, bao gồm cả quấy rối. Trong trường hợp các sinh viên không may trở thành nạn nhân, các em có thể tìm đến phòng để trình báo hoặc báo với giáo viên chủ nhiệm. Nhà trường sẽ hỗ trợ các em trong việc đảm bảo an toàn, nếu xử việc nghiêm trọng sẽ trình báo với cơ quan chức năng để bảo vệ các em”.

Đọc thêm