[links()] Chính sách về giá đất, thu hồi đất, đền bù bồi thường giải phóng mặt bằng là những nội dung tại buổi làm việc giữa Đoàn công tác Ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết Trung ương VII khóa XI và lãnh đạo TP.Hà Nội về việc triển khai thực hiện các chính sách pháp luật liên quan đến đất đai sáng qua (22/6).
|
Ảnh minh họa |
Cơ chế tự thỏa thuận đang bị “ngầm” hóa
Một trong những nguyên nhân khiến các dự án của Hà Nội “treo” từ năm này qua tháng khác là do không thực hiện được công tác giải phóng mặt bằng khi nhà đầu tư không thỏa thuận được với người dân. Từ tháng 7/2004 đến tháng 6/2011, Hà Nội chỉ có 9/33 trường hợp nhà đầu tư tự thỏa thuận thành công để có đất theo văn bản thỏa thuận của UBND TP. Nhưng đó chủ yếu là những dự án nhỏ lẻ quy mô nhỏ, còn lại đều đang vướng mắc và xin điều chỉnh theo hướng Nhà nước thu hồi đất.
Thực tế, trên một miếng đất quy hoạch thành công trình công cộng nhưng giá doanh nghiệp tự thỏa thuận luôn cao hơn giá nhà nước khi thu hồi, dễ phát sinh khiếu kiện. Bên cạnh đó, nhiều người dân “ra giá” bồi thường và các chính sách rất cao so với quy định với nhà đầu tư mà không căn cứ vào loại đất, mục đích sử dụng.
Vì thế, đa số nhà đầu tư phải chấp nhận những “thỏa thuận ngầm” dưới hình thức hỗ trợ thêm ngoài chính sách cho dân, nhất là đối với các trường hợp “chây ỳ”. Song lại dẫn đến tình trạng “vênh” tiền đền bù giữa những người bị thu đồi đất cho cùng 1 dự án và tình trạng người giao mặt bằng trước kiện đòi lại đất, đòi thêm tiền đền bù… “góp phần” làm gia tăng bức xúc cho công tác GPMB.
Điều đó cho thấy, điều chỉnh cơ chế thỏa thuận trong lĩnh vực thu hồi, giải phóng mặt bằng ở Hà Nội là cần thiết, để tránh trường hợp “thỏa thuận ngầm”, cần xác định rõ nguồn vốn đền bù cho dân trước khi thu hồi, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân một cách công bằng.
Theo Giám đốc Sở Tài chính TP Hà Nội Nguyễn Thị Hà Ninh, nên bỏ hình thức nhà đầu tư tự thỏa thuận vì nếu thế người dân ở những vùng sâu vùng xa như như Ba Vì, Mê Linh thiệt thòi. Với trình độ nhận thức của người dân, thực hiện cơ chế Nhà nước thu hồi theo mức giá, qui định chung sẽ giúp cho chính quyền không phải đối đầu với dân, còn cơ chế thỏa thuận trong giải phóng mặt bằng chỉ dễ gây ra tiêu cực, khiếu kiện.
Tuy nhiên, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái nhận thấy, nếu để Nhà nước phải “ôm” tất cả các vụ GPMB thì “không xuể”. Cho đến khi nào, “giá đất do Nhà nước ban hành sát hơn với giá thị trường thì cơ chế thỏa thuận với dân mới có thể thực hiện được” như nhận định của ông Nguyễn Mạnh Hiển – Thứ trưởng Bộ TN&MT.
Tăng “tuổi thọ” bảng giá đất
Bảng giá đất còn thấp hơn rất xa so với giá thị trường, được thay đổi hàng năm dẫn đến tình trạng người dân thường cố kéo dài thời gian thu hồi đất để chờ công bố bảng giá mới khiến công tác GPMB vì thế cũng bị trì hoãn. Theo TP.Hà Nội, bảng giá đất nên giữ ổn định từ 3 đến 5 năm, mức giá đất tối đa của khung giá đất phải tăng cho phù hợp với giá thực tế trên thị trường… để thuận lợi cho công tác bồi thường GPMB.
Tăng “tuổi thọ” cho bảng giá đất cũng phù hợp với thực tế các dự án có qui mô khác nhau thì thời gian GPMB khác nhau, cũng bị ảnh hưởng với giá đất. Bà Ninh lại cho rằng, để UBND các địa phương điều chỉnh bảng giá đất tùy theo biến động của thị trường sẽ tránh được sự bất cập của giá đất Nhà nước và giá thị trường. Thêm vào đó, giá đất Nhà nước và thị trường “càng sát nhau càng hạn chế tình trạng “ôm” đất, lấy đất của dân tràn lan dựa vào mức giá đền bù thấp do Nhà nước ban hành như hiện nay” – ông Soái nhận định.
Qua thực tiễn thực hiện chính sách pháp luật về đất đai, nhất là trong công tác đền bù GPMB ở Hà Nội cho thấy, hạn chế khiếu kiện đất đai không cách gì khác là phải có chính sách phù hợp với thực tiễn, bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước và nhân dân, không dùng “quyền lực công” để khai thác giá trị đất đai vì nhóm lợi ích…
Hương Giang