Làm gì khi trẻ nhỏ bị sặc thức ăn?

(PLVN) - Khi bị sặc sữa, bột, cháo trẻ nhỏ rất dễ bị nghẹt thở thậm chí nguy hiểm tính mạng vì một số bộ phận trong cơ thể chưa phát triển hoàn thiện. Do đó chúng ta cần biết cách xử lý khi trẻ bị sặc sữa, bột cháo.
Sặc ở trẻ em là một tai nạn khá phổ biến, đặc biệt ở trẻ dưới 1 tuổi

Sặc ở trẻ cần phải cấp cứu tối khẩn cấp bởi vì nếu bị suy hô hấp nặng, trẻ sẽ nhanh chóng tử vong hoặc nếu qua khỏi cũng để lại rất nhiều di chứng nặng nề về thần kinh do não bộ bị tổn thương bởi một tình trạng thiếu ôxy quá lâu.

Dấu hiệu cơ bản để các mẹ có thể nhanh chóng nhận ra con mình đang bị hóc – sặc là khi trẻ đang bú, đang ăn, thậm chí đang chơi đùa đột ngột bé ho dữ dội, da tái xanh, sặc sụa, tím tái, chân tay cứng đờ, không thể khóc, ú ớ, cơ thể co giật, hơi thở đứt quãng, nôn ra sữa hoặc bọt, máu, dung dịch màu đen…

Khi trẻ có những dấu hiệu trên, trước hết cần làm thông thoáng đường thở bằng cách móc bỏ thức ăn và dị vật trong miệng, hút sạch mũi, đờm dãi sau đó nhanh chóng làm một thủ thuật để tống dị vật trong đường hô hấp ra bằng cách đặt trẻ nằm sấp trên cánh tay bạn, đầu chúc xuống thấp hơn ngực, lòng bàn tay đỡ lấy cằm trẻ (nếu trẻ nặng quá thì đặt tay đỡ trẻ lên đùi người cấp cứu), dùng cườm tay kia vỗ mạnh vào lưng trẻ (giữa 2 xương bả vai) 4-5 lần lên tiếp, tốt nhất là vỗ nhanh khi trẻ thở ra để phối hợp đẩy dị vật ra. Cũng có thể đặt trẻ nằm ngửa, đầu thấp sau đó dùng tay còn lại để ấn ngực (vùng xương ức, giữa hai núm vú).

Khi dị vật đã bật ra, trẻ sẽ hồng hào trở lại, khóc to và khi đó, người cấp cứu nên kiểm tra lấy bỏ dị vật đã được tống ra miệng. 

Đọc thêm