Làm giả vắc xin phòng dịch Covid-19: Có thể bị phạt từ 7 năm đến 15 năm tù

(PLVN) - Trong lúc dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp thì một phụ nữ mới học hết lớp 9 ở tỉnh Bình Định đã làm giả nhiều loại vắc xin, trong đó có vắc xin ngừa dịch bệnh Covid-19 để tiêm cho nhiều người, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe. Hành vi này bị xử lý như thế nào?
Tang vật cơ quan công an thu giữ.

Như PLVN đã thông tin, chiều 15/3, Công an TP Quy Nhơn (Bình Định) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đồng thời thực hiện lệnh bắt khẩn cấp và khám xét nhà ở đối với bà Tiêu Thị Tuyết Sương (46 tuổi; ngụ xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tại nhà bà Sương, lực lượng chức năng đã thu giữ nhiều vỏ ống thuốc được bà Sương bơm nước cất, kháng sinh để làm giả các loại vắc xin tiêm phòng ngừa các bệnh cho trẻ, ngừa ung thư, ngừa đột quỵ và ngừa... bệnh Covid-19.

Tính đến thời điểm bị bắt giữ, đối tượng này đã lừa tiêm các loại vắc xin giả cho khoảng 30 người ở TP Quy Nhơn và huyện Tuy Phước. Được biết, hiện Công an TP Quy Nhơn đang tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ vụ việc. 

Theo Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Công ty Luật TNHH TG, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội cho biết, những việc làm nêu trên của T.T.T.S là những hành vi, thủ đoạn gian dối nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác, có dấu hiệu của “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (“Bộ luật hình sự”).

“Bên cạnh đó, trong vụ án này, T.T.T.S đã có hành vi lợi dụng dịch bệnh Covid-19, để loan tin mình có vắc xin ngừa bệnh này, lừa tiêm vắc xin giả, chiếm đoạt tiền của nhiều người. Do đó, T.T.T.S sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với tình tiết định khung tăng nặng là “lợi dụng thiên tai, dịch bệnh” theo quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 174 Bộ luật hình sự, với khung hình phạt là phạt tù từ 07 năm đến 15 năm” – Luật sư Nguyễn Đức Hùng nhấn mạnh. 

Luật sư Nguyễn Đức Hùng (phải): Làm giả vắc xin phòng dịch covid có thể bị phạt từ 7 năm đến 15 năm tù 

Cũng theo luật sư Hùng, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sụng là: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản (Khoản 5 Điều 174 Bộ luật hình sự).

Mặt khác, tại Khoản 13 Điều 2 Luật Dược năm 2016 có quy định: “Vắc xin là thuốc chứa kháng nguyên tạo cho cơ thể khả năng đáp ứng miễn dịch được dùng với Mục đích phòng bệnh, chữa bệnh”

Do đó, với việc tạo ra vắc xin giả, trong đó có vắc xin giả phòng dịch bệnh Covid-19 thì hành vi của T.T.T.S còn có dấu hiệu của “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” theo quy định tại Điều 194 Bộ luật hình sự, với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là: “Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội” theo quy định tại Điểm l Khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự. 

Luật sư Nguyễn Đức Hùng cho rằng, vụ án vẫn đang trong giai đoạn điều tra, mọi kết luận chính thức về vụ việc còn phụ thuộc vào kết quả điều tra, truy tố và xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, có thể nói đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng, không chỉ gây thiệt hại về tài chính cho những người bị hại mà nguy hiểm hơn là có thể ảnh hưởng, gây nguy hại rất lớn đến sức khỏe của cộng đồng, đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay.

Do đó, các cơ quan tiến hành tố tụng cần nhanh chóng giải quyết vụ án, xử lý thật nghiêm minh đối với các hành vi trái pháp luật này, để răn đe, phòng ngừa các hành vi vi phạm tương tự, bảo vệ an toàn sức khỏe cộng đồng, cũng như đảm bảo tình hình an ninh, trật tự xã hội trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay. 

Đọc thêm