Luật gia Dương Giao Phượng - Hội Luật gia Việt Nam trả lời: Theo quy định khoản 1 Điều 45 Luật Cạnh tranh 2018, cấm các hành vi xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh dưới các hình thức sau đây: tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó; tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.
Đồng thời, theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019 (BLLĐ) trong nội dung của hợp đồng lao động cũng có nêu rõ: khi NLĐ làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với NLĐ về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp vi phạm.
Căn cứ theo khoản 2 Điều 125 BLLĐ quy định đối với việc áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải như sau: NLĐ có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động.
Như vậy, NLĐ sẽ bị áp dụng mức xử lý cao nhất là “sa thải” khi tiết lộ bí mật kinh doanh.
Ngoài ra, NLĐ còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 16 Nghị định 75/2019/NĐ-CP đối với hành vi xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh. Đối với tổ chức, mức phạt từ 200 đến 300 triệu đồng đối với một trong các hành vi tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó; tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.
Mức phạt đối với cá nhân có cùng hành vi vi phạm hành chính về cạnh tranh tiền tối đa bằng một phần hai mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức./.