Làm mới câu chuyện di sản từ các phố 'Hàng'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Vừa qua, để tìm giải pháp nâng tầm cho sản phẩm thủ công, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam và quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã tổ chức Tọa đàm “Nghề thủ công truyền thống Hà Nội - Sáng tạo để phát triển”. Nhiều vấn đề đã được bàn thảo như: nâng cao vai trò của thiết kế và sáng tạo phát triển công nghiệp văn hóa dựa trên vốn di sản; tìm kết nối quảng bá trong quá trình sáng tạo sản phẩm...
Bán tò he trên phố Hà Nội xưa. (Ảnh Tư liệu)
Bán tò he trên phố Hà Nội xưa. (Ảnh Tư liệu)

Phố nghề Thăng Long xưa và nay

Khu phố cổ Hà Nội hay còn gọi là khu “36 phố phường” nằm trên 10 phường của quận Hoàn Kiếm, là quần thể kiến trúc độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc. Từ thuở được chọn là kinh đô đất nước hơn một ngàn năm trước, nơi đây đã mang trong mình những đặc trưng nổi bật, hiếm nơi nào có được. Một trong số đó chính là tính chất “làng nghề - phố nghề”, đặc trưng đem lại sự phồn vinh cho Kinh kỳ - Kẻ Chợ năm xưa, nguồn lực văn hóa dồi dào cho Hà Nội hôm nay.

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, Hoàn Kiếm là phần “thị” của kinh thành Thăng Long, nơi hội tụ nhân tài bách nghệ, mà đến giờ dấu ấn đó vẫn còn đậm nét trên từng con đường, tuyến phố, trở thành một phần quan trọng, không thể tách rời trong sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận nói riêng. “Nghề thủ công truyền thống trên địa bàn đang cần sự kết nối và tiếp sức để mỗi sản phẩm luôn chứa đựng những thông điệp sáng tạo từ nền tảng di sản, nơi lưu giữ ký ức và là sứ giả cho hoạt động giao lưu văn hóa”, ông Phạm Tuấn Long nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Trần Quốc Hoàn, ngành nghề thủ công truyền thống thời gian qua đứng trước rất nhiều thách thức, như: Sự cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp, các sản phẩm nhập khẩu; thiếu nguồn nhân lực kế thừa; nguồn nguyên liệu thiếu và giá thành cao, thị trường tiêu thụ hạn chế… Phố nghề, nghề trên phố cổ, các sản phẩm kinh doanh, du lịch của quận cũng không đứng ngoài các vấn đề này.

Cùng với đó, Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Hoàn Kiếm Đoàn Quang Cường nêu: “Bên cạnh những giá trị nghề truyền thống, các tuyến phố chuyên doanh chứa đựng nhiều tiềm năng để trở thành một nhân tố quan trọng về bảo tồn và phát huy giá trị khu “36 phố phường”. Tuy nhiên, những ảnh hưởng từ quá trình đô thị hóa đã làm biến đổi không gian, cảnh quan, kiến trúc và thu hẹp hoạt động trên nhiều tuyến phố, thể hiện rõ nhất qua số cửa hàng kinh doanh kim hoàn ở phố Hàng Bạc đã giảm từ 90 xuống còn 40 cửa hàng; cửa hàng làm nghề thuốc truyền thống trên phố Lãn Ông giảm từ 85 xuống 35 cửa hàng, và cửa hàng kinh doanh tơ lụa trên phố Hàng Gai giảm từ 91 cửa hàng xuống còn 40 cửa hàng”.

Từ thực tế bảo tồn, phát huy nghề làm tranh dân gian Hàng Trống, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Hàng Trống Đặng Minh Tuấn cho biết: “Do những khó khăn từ việc nguồn lực kế cận còn mỏng, chính sách hỗ trợ và nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động này còn thiếu tập trung… Trong khi các hoạt động khôi phục, phát huy giá trị dòng tranh mới dừng lại ở tính chất quảng bá, chưa thực sự có hoạt động mang tính bền vững”…

Khách tham quan Triển lãm tranh dân gian Hàng Trống. (Ảnh BTC)

Khách tham quan Triển lãm tranh dân gian Hàng Trống. (Ảnh BTC)

Mỗi sản phẩm mỹ nghệ là câu chuyện văn hóa dân tộc

Về sự hợp tác giữa nghệ nhân và doanh nghiệp, anh Nguyễn Việt Nam, Giám đốc Sáng tạo Thương hiệu “Tired City” (sản xuất các mặt hàng liên quan đến văn hóa dân gian) cho rằng, đó là cách làm mới câu chuyện của nghệ nhân nghề truyền thống.

Theo anh Nam, cần đặt khách hàng làm trung tâm trong việc phát triển và gìn giữ sản phẩm thủ công truyền thống. Từ đó quan tâm tới nhu cầu của khách hàng khi tiếp cận một sản phẩm văn hóa, cần đặt những câu hỏi như: Sản phẩm dùng làm gì, dành tặng ai, có phù hợp không? Mang ra nước ngoài như thế nào, cách sử dụng, bảo quản ra sao? Và đặc biệt là câu chuyện phía sau sản phẩm phải chứa đựng giá trị, niềm tự hào về văn hóa dân tộc.

Anh Nam cho rằng, chúng ta cần nghiên cứu, xây dựng kho tư liệu để dễ dàng truyền thông, phối hợp xây dựng sản phẩm, từ đó có thể kể câu chuyện rộng hơn về sản phẩm thủ công. Ngoài sản phẩm vật lý như con giống bột, chiếc quạt, đồ sơn mài thì câu chuyện xoay quanh chúng cũng được coi là kết tinh của nghề truyền thống.

Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Tiến sỹ Lê Thị Minh Lý nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng cơ sở dữ liệu di sản một cách khoa học, với phương thức quản lý thống nhất, có thể tiếp cận dễ dàng, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng sáng tạo thể nghiệm, thực hành những sáng tạo mới, mang lại những giá trị mới cho di sản. Khi tích hợp câu chuyện di sản vào sản phẩm thủ công truyền thống, chúng ta có thể tạo ra giá trị lớn hơn cho văn hóa dân tộc. Từ những món quà lưu niệm cho bạn bè quốc tế, đồ thủ công và câu chuyện về quá trình tạo ra nó sẽ trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Do đó, việc sáng tạo từ di sản, tạo sự hòa quyện giữa tinh hoa truyền thống với hơi thở nghệ thuật đương đại đang được các nghệ sỹ, nghệ nhân lựa chọn. Họa sĩ Nam Chi chia sẻ, anh đã tìm tòi, sáng tạo ra những mẫu tranh mới dựa trên các họa tiết, màu sắc của tranh Hàng Trống. “Đơn cử, khi sáng tạo tông màu tranh, chúng tôi vẫn sử dụng tông màu truyền thống. Như bức Kỳ lân trúng cử dù là mẫu mới nhưng vẫn là chất của tranh Hàng Trống, được thực hiện sau điền dã tại các đình chùa, nghiên cứu, khai thác các yếu tố văn hóa bản địa... Bên cạnh đó, để làm mới tranh dân gian, chúng tôi đề cao yếu tố nghệ thuật, lịch sử, khai thác các hoa văn họa tiết, trang phục, phong cách mặc thời Lê, Mạc… Như bức tranh Mẫu Thượng ngàn, vừa là khôi phục song cũng là bảo tồn giá trị di sản”.

Anh Đinh Công Tài, đại diện Công ty Hanoia cho biết, Hanoia đã sử dụng rất nhiều yếu tố văn hóa Việt để làm nền móng cho các thiết kế đương đại của mình. Nếu như trong bộ sưu tập Song xưa ra mắt năm 2019, cảm hứng văn hóa (di sản) đến từ những song cửa xưa cũ của Hà Nội, cổ điển và lịch lãm, thì sau đó sản phẩm thiết kế sử dụng kỹ thuật khảm đồng trên nền sơn mài khiến những chiếc hộp, khay gợi nhắc về một giá trị thẩm mỹ rất Hà Nội. Năm 2020, nhóm thiết kế của công ty lại cho ra đời sản phẩm hiệu ứng sơn mài có hình ảnh của sông Hồng. “Với xu hướng trẻ hóa các sản phẩm nhưng không rời xa những giá trị di sản cốt lõi, năm 2023, chúng tôi giới thiệu các sản phẩm lọ hoa lấy cảm hứng từ nền văn hóa Đông Sơn lâu đời nhưng sử dụng cách trang trí và màu sắc nhẹ nhàng bay bổng khiến cho sản phẩm trở nên phù hợp hơn với đối tượng khách tiêu dùng mới”, anh Đinh Công Tài chia sẻ.

Sản phẩm của Hanoia trên phố. (Ảnh: Hanoia)

Sản phẩm của Hanoia trên phố. (Ảnh: Hanoia)

Đồng quan điểm, nhà thiết kế Trần Thanh Tùng, Hội quán Di sản cũng cho rằng, các sản phẩm thủ công cần thỏa mãn các yếu tố kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật. “Nếu muốn tiến xa, chúng ta cần thay đổi, sáng tạo cái mới trên cái cũ, lấy bản sắc Việt, tinh thần Việt làm nền tảng”.

Giám đốc thương hiệu Tired City Nguyễn Việt Nam cũng chia sẻ bí quyết giúp 7 cửa hàng giới thiệu sản phẩm nghề thủ công tại phố cổ Hà Nội tồn tại: “Chúng tôi có 10.000 sản phẩm, 1.000 tác phẩm cộng tác, 350.000 khách hàng mỗi năm và 100.000 thành viên cộng đồng sáng tạo. Để tạo ra chuỗi giá trị cần sự giúp sức của nhiều thành phần, trong đó có marketing, thiết kế, sản xuất… mỗi khâu cung cấp một giá trị để mang lại cho khách hàng sản phẩm đẹp nhất. Đó cũng là những sản phẩm mang tinh hoa truyền thống Việt, trong đó có những đặc trưng văn hóa Tràng An - Hà Nội”.

Đề xuất giải pháp nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đại diện Thương hiệu “Hanoia” Đinh Công Tài gợi ý xây dựng phố cổ Hà Nội trở thành “làng nghệ thuật truyền thống”, liên kết chuỗi các làng nghề, hộ kinh doanh..., tạo nên một không gian văn hóa và nghệ thuật làng nghề trải dài các mô hình trải nghiệm, từ “gallery” nghệ thuật, không gian cà phê, mua sắm đến thử nghiệm sáng tạo dựa trên những chất liệu truyền thống…

Còn theo nhà thiết kế Nguyễn Khánh Huyền, thuộc Dự án Họa sắc Việt, giải pháp khai thác tiềm năng ứng dụng nghệ thuật truyền thống lên thiết kế hiện đại chính là kết nối với các nhà thiết kế trẻ, có tư duy thẩm mỹ, phong cách đương đại, nhằm tạo nên những tác phẩm hòa quyện tinh hoa truyền thống với hơi thở nghệ thuật đương đại.

Chốt lại những việc cần làm ngay, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Lê Thị Minh Lý nhấn mạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu di sản một cách khoa học, với phương thức quản lý thống nhất, tiếp cận dễ dàng, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng sáng tạo thể nghiệm, thực hành những sáng tạo mới, mang lại những giá trị mới cho di sản. Tạo nguồn quỹ phục vụ bảo tồn, lưu giữ tri thức dân gian nghề truyền thống, cũng như hỗ trợ khơi nguồn thiết kế sáng tạo từ giá trị di sản. Đồng thời chú trọng giáo dục di sản, trang bị kiến thức, sự hiểu biết cho cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ để nuôi dưỡng tình yêu, niềm tự hào dành cho di sản. Xây dựng các sản phẩm lưu niệm, sản phẩm du lịch chất lượng, phù hợp với đời sống hiện đại…

Trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016, thủ công mỹ nghệ được xác định là một trong số 12 ngành công nghiệp trọng tâm để phát triển công nghiệp văn hóa. Tại Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, mặc dù có 12 ngành liên quan đến công nghiệp văn hóa, nhưng trước mắt thành phố tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào 6 lĩnh vực để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó có thủ công mỹ nghệ.

Đọc thêm