'Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm' tại Dự án nâng cấp Km18-Km80 Quốc lộ 4B

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chủ đầu tư, các đơn vị thi công và chính quyền địa phương tại Dự án nâng cấp Km18-Km80 Quốc lộ 4B (tỉnh Lạng Sơn) đang nỗ lực thực hiện dự án theo tinh thần “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, “bàn làm không bàn lùi” mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.

Huy động 54 mũi thi công tại công trường

Dự án nâng cấp đoạn Km18-Km80, Quốc lộ 4B, tỉnh Lạng Sơn có tổng chiều dài hơn 63 km, đi qua hai huyện là Lộc Bình (hơn 22km), Đình Lập (hơn 41 km), tổng mức đầu tư gần 2.300 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Dự án do Sở Giao thông vận tải (GTVT) Lạng Sơn làm chủ đầu tư, gồm hai gói thầu xây lắp. Gói 07 được khởi công từ ngày 22/2/2024, còn gói 08 được khởi công ngày 30/5/2024.

Theo kế hoạch, dự án hoàn thành trước ngày 31/12/2024.

Dự án do Sở Giao thông vận tải tỉnh Lạng Sơn làm chủ đầu tư.

Dự án do Sở Giao thông vận tải tỉnh Lạng Sơn làm chủ đầu tư.

Theo đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án nâng cấp đoạn Km18-Km80 Quốc lộ 4B (Sở GTVT Lạng Sơn), dự án thi công hai phần chính gồm phần đường và phần cầu. Cụ thể, phần đường thi công có tổng khối lượng đào 2.960.545m3; tổng khối lượng đắp 1.973.070m3; cống các loại 330 cái; hầm chui dân sinh 1 cái; gia cố mái ta luy trồng cỏ 212.293m2. Với phần cầu, sẽ xây 5 cầu làm mới, tổng cộng dài hơn 382m và 9 cầu mở rộng, tổng chiều dài hơn 313m.

Ngoài ra, dự án còn phải thực hiện một khối lượng lớn công việc về giải phóng mặt bằng (GPMB) và hạ tầng kỹ thuật. Cụ thể, tổng diện tích thực hiện dự án là gần 202ha, trong đó diện tích phải thu hồi, bồi thường, hỗ trợ GPMB trên tuyến chính khoảng 80,87ha với 1.802 hộ dân. Dự án xây một khu tái định cư thuộc huyện Đình Lập với diện tích khoảng 2,47ha. Dự án cũng cần di dời một đường điện 110kV, một đường điện 35KV và một số đường điện 0,4KV và đường cáp quang.

“Khối lượng công việc là rất lớn, chúng tôi đang nỗ lực phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ dự án theo kế hoạch đề ra”, đại diện chủ đầu tư cho biết.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Ban Quản lý Dự án nâng cấp đoạn Km18-Km80 Quốc lộ 4B cho biết, ngay sau khi các gói thầu được khởi công, chủ đầu tư đã yêu cầu các liên danh nhà thầu huy động máy móc, nhân lực, tài chính để triển khai thi công tại hiện trường. Tính đến thời điểm đầu tháng 10/2024, các nhà thầu đã huy động 54 mũi thi công, trong đó có 11 mũi thi công cầu và 43 mũi thi công đường và cấu kiện lắp sẵn. Số máy móc, thiết bị được huy động đến công trường gồm 28 lu rung, 51 máy đào, 18 máy ủi, 50 ô tô vận chuyển, 1 giàn khoan cọc khoan nhồi, 3 cẩu phục vụ và một loại máy khác. Nhân sự cũng được huy động đầy đủ để thực hiện dự án với 8 chỉ huy trưởng, 46 kỹ sư hiện trường, 296 lái máy và công nhân.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý Dự án nâng cấp đoạn Km18-Km80 Quốc lộ 4B, để đảm bảo tiến độ, dự án được triển khai cả ngày lẫn đêm theo tinh thần “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, thi công "3 ca 4 kíp", “làm việc xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ” như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo trong việc thực hiện các dự án giao thông.

Dự án thường xuyên được thi công trong đêm để bám sát tiến độ.

Dự án thường xuyên được thi công trong đêm để bám sát tiến độ.

Lãnh đạo chủ đầu tư thường xuyên đến hiện trường, không kể ngày hay đêm để đôn đốc, giám sát, động viên nhà thầu thực hiện thi công. Trong quá trình thi công, khi phát sinh những vướng mắc, đại diện chủ đầu tư lập tức làm việc với nhà thầu và các đơn vị liên quan để bàn cách khắc phục, xử lí kịp thời các sự cố.

Nhờ những nỗ lực của chủ đầu tư và các đơn vị thi công mà đến hết tháng 9/2024, dự án đã đạt được khối lượng thi công tích cực. Cụ thể, khối lượng đào nền đường (đất các loại) đạt 334.926/2.960.545m3, đạt 11,31%; Đắp nền K95 được 164.566/1.973.070m3, đạt 8,34%; cầu Háng Cáu 2 thi công đạt khoảng 93%; cầu Bản Tấu đạt khoảng 73%; cầu Nà Lằn đạt khoảng 55%. Luỹ kế sản lượng đến đầu tháng 10/2024 đạt khoảng khoảng 140,69/1609,55 tỷ đồng, đạt 8,74% giá trị các gói thầu xây lắp.

Nỗ lực gỡ vướng những khó khăn

Theo chủ đầu tư, thời gian qua, đơn vị này đã phối hợp với hai huyện Lộc Bình và Đình Lập để đẩy nhanh tiến độ GPMB. “Chúng tôi thường xuyên làm việc với các địa phương và cơ quan liên quan của tỉnh, huyện để tháo gỡ các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Thậm chí trong những ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật chúng tôi vẫn làm việc”, lãnh đạo chủ đầu tư cho biết.

Lãnh đạo Ban Quản lý Dự án nâng cấp đoạn Km18-Km80 Quốc lộ 4B họp tại hiện trường dự án để giải quyết vướng mắc về GPMB.

Lãnh đạo Ban Quản lý Dự án nâng cấp đoạn Km18-Km80 Quốc lộ 4B họp tại hiện trường dự án để giải quyết vướng mắc về GPMB.

Nhờ những nỗ lực này mà công tác GPMB của dự án thời gian qua đạt được những kết quả rất tích cực. Đến cuối tháng 9/2024, các địa phương đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để triển khai thi công được 57,5ha/80,87ha (đạt 71,1%).

Tuy nhiên, cản trở lớn nhất hiện nay đối với toàn dự án là công tác di dời hạ tầng kỹ thuật như đường điện, nước, cáp quang. Cụ thể, cả phần cầu và phần đường vẫn đang vướng hạ tầng kỹ thuật, chưa di chuyển hết cáp quang, cột điện, đường nước sinh hoạt. “Mặt bằng nhận được không liên tục, vướng nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, có nhiều đoạn còn nhỏ lẻ, tình trạng “xôi đỗ” nên không thể triển khai thi công đồng thời toàn bộ đoạn tuyến”, đại diện chủ đầu tư đánh giá.

Một số khó khăn khác của dự án cũng được chủ đầu tư chỉ ra. Cụ thể, theo chủ đầu tư, trong quá trình thi công, nhà thầu đã được giao các vị trí đổ đất, tuy nhiên đường vào các bãi này không thuộc diện được bồi thường GPMB, hiện nay nhà thầu vẫn chưa thực hiện phương án thuê, mượn tạm đất của dân để có đường vào bãi thải.

Dọc theo hai bên tuyến đường còn vướng mắc đan xen diện tích đất của các hộ dân (khai phá, sử dụng từ lâu…) nhưng không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do đó không đủ điều kiện bồi thường, nên khi thi công người dân cản trở và đề nghị xem xét bồi thường.

Máy móc, thiết bị tại hiện trường dự án.

Máy móc, thiết bị tại hiện trường dự án.

Ngoài ra, Luật Đất đai mới có hiệu lực từ 01/08/2024 nhưng các văn bản, cơ chế chính sách của tỉnh lạng Sơn đã hết hiệu lực dẫn tới khó khăn trong việc tính toán lập phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân cũng như phương án tạm tính không đủ điều kiện để phê duyệt chi trả tạm ứng cho các hộ dân.

Từ những khó khăn trên, chủ đầu tư đã có những kiến nghị, đề xuất với lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh Lạng Sơn để có những điều hành, chỉ đạo kịp thời, tạo điều kiện để chủ đầu tư cùng các đơn vị thi công sớm đưa dự án về đích đúng tiến độ.

Dự án trọng điểm tỉnh Lạng Sơn

Đoạn từ đầu tuyến đến nút giao ĐT236 được đầu tư lên quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường hơn 24m, tốc độ thiết kế 80km/h. Đoạn từ nút giao với ĐT236 đến nút giao QL4B hiện hữu có quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 12m, tốc độ 80km/h. Đoạn qua thị trấn Na Dương, thị trấn Đình Lập giữ nguyên theo quy mô hiện trạng, chỉ thảm tăng cường mặt đường để đảm bảo êm thuận và thoát nước mặt đường. Các đoạn còn lại, có quy mô 2 làn xe tốc độ thiết kế 60km/h.

Dự án nâng cấp đoạn Km18-Km80, Quốc lộ 4B là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Lạng Sơn. Tuyến đường khi hoàn thành không chỉ để Lạng Sơn kết nối với Quảng Ninh, Hải Phòng mà còn là tuyến đường để khu vực cửa khẩu, khu vực miền núi phía Bắc kết nối với cảng biển, khu vực kinh tế biển.

Đọc thêm