Làm sao để 3 tháng cuối năm 'tiêu' hết 19 ngàn tỷ đầu tư công cho giao thông vận tải?

(PLVN) - Năm 2019, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) được giao 26.163 tỷ đồng vốn đầu tư công, nhưng đến hết tháng 9/2019 mới giải ngân được khoảng 7.778 tỷ đồng. Từ nay đến cuối năm, Bộ GTVT cần giải ngân khoảng 19.000 tỷ đồng. Tại sao lại xảy ra nghịch lý có tiền mà không thể “tiêu”?
Ngổn ngang Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
Ngổn ngang Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

9 tháng chỉ giải ngân được 29,7%

Mỗi năm, Bộ GTVT được giao hàng chục ngàn tỷ để đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, sân bay. Thế nhưng trong ba năm liên tiếp Bộ này đều giải ngân vốn rất chậm. Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn hạn chế, được bố trí vốn để đầu tư là điều đáng mừng, nhưng nhiều dự án (DA) ở Bộ này lại không được triển khai theo đúng kế hoạch, dẫn đến không thể giải ngân, làm giảm hiệu quả đầu tư các DA.

Ông Nguyễn Duy Lâm, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Đầu tư (KHĐT), Bộ GTVT cho biết, đến hết tháng 9/2019, ngành GTVT giải ngân vốn đầu tư công được khoảng 7.778 tỷ, tương đương 29,7% kế hoạch được giao (26.163 tỷ đồng, trong đó kéo dài kế hoạch 2016, 2017, 2018 chuyển sang năm 2019 là 1.146 tỷ đồng).

Mới đây trong cuộc họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành rất quan trọng, quyết định đến việc giải ngân vốn đầu tư công.

Thủ tướng phê bình lãnh đạo UBND Đồng Nai, Bộ GTVT vì DA GPMB sân bay Long Thành đã được cấp vốn 23.000 tỷ từ năm ngoái, đã chuyển về tài khoản tỉnh Đồng Nai trên 11.000 tỷ nhưng đến nay vẫn chưa được giải ngân. Thủ tướng cho rằng “nếu Đồng Nai làm quyết liệt thì đã xong từ lâu”.  

So với dự kiến giải ngân xây dựng từ đầu năm, kết quả giải ngân này đạt thấp hơn khoảng 5.129 tỷ đồng. Theo lãnh đạo Vụ KHĐT, riêng tháng 9/2019 giải ngân được 921/2.724 tỷ đồng, chậm 1.803 tỷ đồng so với dự kiến giải ngân tháng và chưa bù được số 3.435 tỷ đồng chậm giải ngân đến hết tháng 8/2019.

Ông Lâm cho biết, nguyên nhân chính khiến kết quả giải ngân tháng 9 chưa bù được phần chậm giải ngân các tháng trước là do việc bổ sung kế hoạch chậm. Đến cuối tháng 7/2019 mới bổ sung 5.164 tỷ đồng. Trong khi đó việc hoàn thiện thủ tục trong các DA để giải ngân gặp nhiều khó khăn.

Tại các DA như Cảng Lạch Huyện; kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long; đường sắt Cát Linh – Hà Đông; mở rộng các cầu trên QL1A đoạn qua tỉnh Tiền Giang… đều đang chậm trễ trong khâu thanh quyết toán do vướng mắc thủ tục, không đúng kế hoạch đầu năm.

Một số DA thì vướng mắc giải phóng mặt bằng (GPMB) như QL12B đoạn Tam Điệp - Nho Quan, DA mở rộng tuyến tránh QL1 đoạn qua TP Tân An (tỉnh Long An), DA đầu tư xây dựng công trình tuyến tránh QL1A đoạn qua Đèo Con... “Một số DA khác do gặp điều kiện thời tiết bất lợi, gặp vướng mắc trong quá trình triển khai DA cũng là những nguyên nhân khiến kết quả giải ngân không đạt như mong muốn”, ông Lâm nói.

Cách nào để sớm giải ngân?

Theo tìm hiểu, một đơn vị có tiếng làm tốt như Ban Quản lý dự án (BQLDA) Thăng Long (PMU Thăng Long) nhưng kết quả giải ngân cũng rất ì ạch. Năm 2019 PMU Thăng Long được giao 3.904 tỷ; trong đó có 3 DA nguồn vốn ODA là đầu tư cải tạo đường Mai Dịch - Nam Thăng Long, nâng cấp QL127 và cầu Trung Hà.

Các DA này đều giải ngân chậm do vướng mắc GPMB, thi công chậm, ảnh hưởng thời tiết. Riêng DA cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long mới giải ngân được gần 40% kế hoạch năm cả hai gói thầu.

Để đạt kế hoạch giải ngân trong năm, trong hai tháng tới, theo ông Nguyễn Xuân Lâm, PGĐ PMU Thăng Long, đơn vị sẽ đôn đốc nhà thầu khẩn trương triển khai thi công, cung cấp thêm nhân lực để đẩy nhanh tiến độ.

Liên quan đến việc Bộ phải “tiêu” gần 19.000 tỷ đồng trong những tháng cuối năm mới đạt kế hoạch, ông Lâm cho biết, để đạt được kết quả này, các chủ đầu tư và các PMU cần giải quyết được các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ thi công các DA. Ngoài ra cần có kế hoạch bám sát tiến độ giải ngân theo quý, tháng đã xây dựng.

Tại cuộc họp mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, để đạt được mục tiêu giải ngân từ nay đến cuối năm, các đơn vị chức năng, nhất là Vụ KHĐT, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cần đẩy nhanh tiến độ xử lý các công việc liên quan DA, công trình giao thông; thúc các BQLDA, các chủ đầu tư đổi mới công tác phối hợp, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân. 

Ông Phạm Hồng Sơn, Tổng Giám đốc PMU 2 (Bộ GTVT) cho biết, năm 2019, PMU 2 được giao 1.100 tỷ, đến nay đã giải ngân được hơn 700 tỷ, tức đạt gần 70%. Hiện đơn vị còn vướng GPMB cao tốc Bắc - Nam đoạn QL45 – Nghi Sơn hơn 200 tỷ. Tuy nhiên, thủ tục đã sắp xong, chỉ chờ người dân nhận tiền.
Theo ông Sơn, dự kiến đến cuối tháng 11/2019, PMU 2 sẽ giải ngân hết phần GPMB. “Ban 2 năm nay giải ngân tốt, từ đầu năm tôi đã hứa với Bộ trưởng và làm được. Sang năm có thể PMU 2 sẽ vất vả hơn vì sắp khởi công 4-5 DA nên chắc sẽ được giao nhiều vốn hơn năm nay”, ông Sơn nói.

Đọc thêm