Trước đó, tại phiên Khai mạc kỳ họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017.
Nội dung đánh giá chung trong Báo cáo khẳng định: Mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế, nhưng tình hình kinh tế-xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; sản xuất kinh doanh tiếp tục phát triển; tái cơ cấu nền kinh tế đạt một số kết quả; đầu tư khu vực tư nhân chuyển biến mạnh mẽ; niềm tin của xã hội và thị trường tăng lên.
Văn hóa, xã hội có tiến bộ; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được chú trọng. Cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh có tiến bộ. Phòng chống tham nhũng, lãng phí được chỉ đạo quyết liệt. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, giữ vững thế chủ động chiến lược và chủ quyền quốc gia. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả.
ĐB Ma Thị Thúy phát biểu trong phiên họp sáng nay |
Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 báo cáo đưa ra những mục tiêu tổng quát là: Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ rệt trong thực hiện 3 đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng. Nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế; Bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân; Phát triển văn hóa, thực hiện dân chủ và tiến bộ, công bằng xã hội; Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Giữ thế chủ động chiến lược, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh quốc gia, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Về giải pháp, Chính phủ xác định rõ 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, cụ thể là:Ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Tập trung tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; Tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; Phát triển văn hóa, xã hội, chăm lo đời sống cho người dân; Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, tăng cường quản lý tài nguyên; Xây dựng nền hành chính hiệu lực hiệu quả, kỷ luật kỷ cương; Giữ vững độc lập, chủ quyền, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. (8) Nâng cao hiệu quả đối ngoại và hội nhập quốc tế; Đẩy mạnh thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.
Cũng trong ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Báo cáo Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.
Theo báo cáo, mục tiêu tổng quát của Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế nhằm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tập trung nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực phát triển, qua đó thay đổi cơ cấu và trình độ của nền kinh tế, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng suất cao hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn, có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn và bảo đảm tăng trưởng xanh, sạch, bền vững.
Trong buổi sáng hôm nay(2/11), các ĐB đã thảo luận rất sôi nổi về hai nội dung này.
Vấn đề được các ĐB quan tâm nhiều nhất là làm sao để giảm áp lực nợ công, tăng thu ngân sách, xóa khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng gia tăng giữa các vùng miền - đặc biệt là với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. "Làm sao để đồng bào chúng ta không phải tủi phận trước hai từ "cứu trợ" khi mỗi lần gặp thiên tai" - ĐB Cao Thị Xuân - Thanh Hóa nói.
Các ĐB cũng đặc biệt lưu ý Chính phủ trong việc tái cơ cấu cần quan tâm đến phát triển nông nghiệp, đến lao động phổ thông có thể bị thay thế bởi công nghệ cao, đến giáo dục, đến nghề giáo viên...