Hôm nay, 21/4, Ban quản lý Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha – Kẻ Bàng tổ chức Hội thảo Giải pháp hạn chế tác động của du lịch đối với môi trường hang động tại VQG này.
Hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình; hai Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình và Ninh Bình; các chuyên gia nghiên cứu địa chất địa mạo, môi trường, hệ sinh thái động thực vật trong hang động hàng đầu của Việt Nam; TS. Howard Limbert – Trưởng đoàn Thám hiểm hang động (Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh); đại diện các đơn vị, doanh nghiệp khai thác du lịch hang động tại Quảng Bình…
Nhiều tham luận đã được trình bày sau một thời gian dài nghiên cứu. Nội dung tập trung đến vấn đề tác động của hoạt động du lịch đối với môi trường, cảnh quan trong các hệ thống hang động tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng;
Sự xáo trộn môi trường Karst (hiểu ngắn gọn là hiện tượng phong hóa đặc trưng của những miền núi đá vôi bị nước chảy xói mòn) VQG Phong Nha – Kẻ Bàng và đề xuất giải pháp quản lý tài nguyên Karst; đa dạng sinh học hang động tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng; hệ thực vật đèn trong hang động tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng và phương án xử lý; sự biến đối môi trường và thành tạo trong hang động…
Hoạt động du lịch trong động Thiên Đường có biểu hiện ảnh hưởng xấu đến môi trường, cảnh quan hang động. |
Phần thảo luận được các đại biểu tham gia rất sôi nổi, tập trung vào việc đánh giá tốc độ phát triển của du lịch và tác động của các hoạt động du lịch gây ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái, môi trường, địa chất địa mạo trong lòng các hang động ở nơi 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới – VQG Phong Nha – Kẻ Bàng.
Một số hang động như Thiên Đường, Phong Nha, Tiên Sơn, sự ảnh hưởng của các hoạt động du lịch như tiếng ồn du khách, ánh đèn sáng, cầu thang gỗ… đã làm thay đổi hoạt động cấu tạo địa mạo tự nhiên và cảnh quan hang động theo chiều hướng xấu đi.
Phát triển du lịch trong động Phong Nha cũng gây những ảnh hưởng xấu đến hệ thống thạch nhũ, môi trường tự nhiên trong hang động. |
Nhiều đại biểu có cùng quan điểm lo ngại với viễn cảnh rằng, nguồn thu sẽ tăng vọt nhanh chóng nhờ đẩy mạnh du lịch nhưng đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ phải bỏ ra những số tiền lớn hơn nhiều lần nguồn thu ấy để phục hồi cho tự nhiên hang động. Việc cân bằng hài hòa giữa phát triển du lịch hang động và bảo tồn di sản vẫn đang là bài toán khó.