Lần đầu tiên có Lễ hội Sen Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Lễ hội được tổ chức trong 5 ngày, từ 12/7/2024 đến 16/7/2024 tại Không gian Văn hóa sáng tạo Tây Hồ, quận Tây Hồ, TP Hà Nội. Trong khuôn khổ Lễ hội, sẽ diễn ra lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia - nghề ướp trà sen Tây Hồ.
Thông qua Lễ hội, người vùng sen Tây Hồ muốn giới thiệu những giá trị độc đáo của nghề ướp trà sen cũng như những nét đặc trưng riêng có của văn hoá sen trong đời sống người Việt. (Ảnh minh họa - Nguồn: PLVN)
Thông qua Lễ hội, người vùng sen Tây Hồ muốn giới thiệu những giá trị độc đáo của nghề ướp trà sen cũng như những nét đặc trưng riêng có của văn hoá sen trong đời sống người Việt. (Ảnh minh họa - Nguồn: PLVN)

Vinh danh văn hóa sen

Ngày 19/6, bà Bùi Thị Lan Phương - Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết: “Lễ hội Sen Hà Nội và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2024” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND quận Tây Hồ và Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị thành phố tổ chức. Tại Lễ hội sẽ tiến hành tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi, người gìn giữ, phát triển nghề trồng sen gắn với phát triển du lịch nông nghiệp trải nghiệm và quảng bá sản phẩm địa phương; trao thưởng cho các đơn vị có sản phẩm sen tiêu biểu…

Với mục đích quảng bá, tôn vinh những nét đẹp, giá trị văn hoá của Thăng Long Hà Nội nói chung, của vùng đất Tây Hồ, của sen - loài hoa tượng trưng cho khí phách, bản sắc tâm hồn Việt nói riêng, thông qua Lễ hội, người vùng sen Tây Hồ muốn giới thiệu những giá trị độc đáo của nghề ướp trà sen cũng như những nét đặc trưng riêng có của văn hoá sen trong đời sống người Việt. Đồng thời đây là hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tăng cường liên kết, sản xuất và tiêu thụ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm các sản phẩm sen Hà Nội với các tỉnh, thành trên cả nước.

“Đây cũng là dịp để quảng bá và kích cầu du lịch, khơi dậy tiềm năng phát triển các sản phẩm OCOP của các địa phương; thu hút du khách đến tham quan Hà Nội, Tây Hồ, góp phần phát triển kinh tế, du lịch địa phương. Đây là lần đầu tiên Hà Nội tổ chức Lễ hội Sen”, bà Lan Phương cho biết.

Các hoạt động chính của Lễ hội gồm: lễ khai mạc và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2024 diễn ra từ 20h00 - 21h30 ngày 12/7/2024 với sự tham gia của trên 5.000 đại biểu và du khách. Chương trình sẽ trao giải Cuộc thi ảnh “Người đẹp, áo dài và sen”, đặc biệt là chương trình nghệ thuật bán thực cảnh “Chuyện của sen”... Ban Tổ chức Lễ hội khuyến khích đại biểu, người dân tham dự Lễ hội mặc áo dài có họa tiết hoa sen để chụp ảnh tại các điểm “check in” trong khu vực nhằm quảng bá, lan toả hình ảnh Sen Tây Hồ - Hà Nội. Du khách có thể đăng ảnh trên các trang mạng xã hội (facebook, zalo, tiktok...) kèm hastag #lehoiSenHaNoi2024, #SenTayHo… hoặc gửi ảnh trên trang Facebook chính thức của Lễ hội: Lễ hội Sen Hà Nội.

Đồng thời, sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc với 100 gian hàng; khu trải nghiệm về sản phẩm sen: hoa sen, tơ sen, chè sen, xôi sen, giò sen, các món ăn từ sen, sản phẩm trang trí từ sen, thủ công mỹ nghệ về sen; trưng bày đại diện một số giống sen thuộc các vùng trong cả nước và một số giống sen quý của Việt Nam và Hà Nội...

Khôi phục vùng trồng sen Bách Diệp Tây Hồ

Hoa sen trồng ở Hồ Tây từ lâu đã nổi tiếng bởi cả màu sắc lẫn hương thơm. Sen Hồ Tây hay còn gọi là sen Bách Diệp, là loại sen đặc biệt, có tới 100 cánh. Tuy nhiên từ năm 2018, do sự thay đổi của thời tiết, chất lượng nước… khiến diện tích trồng sen để làm nguyên liệu cho nghề ướp chè sen bị thu hẹp. Bởi vậy, đề án “Khôi phục, phát triển trồng cây sen tại một số hồ nhỏ khu vực Hồ Tây” nhằm gìn giữ, cung cấp nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất chè sen; hướng đến giữ vững và phát triển thương hiệu “Chè sen Quảng An” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký bản quyền.

Để khôi phục và phát triển nghề trồng sen, quận Tây Hồ đã phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả và Trung tâm Khuyến nông TP Hà Nội thực hiện dự án Xây dựng mô hình mẫu sản xuất sen gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị tại Tây Hồ - Hà Nội. Theo đó, 3 đơn vị sẽ phối hợp trồng sen chất lượng cao trên diện tích là 7,5ha tại hồ Đầu Đồng, Thủy Sứ trên (phường Quảng An) và các hồ Ao Sen 1, Ao Sen 2 (phường Nhật Tân). Các sản phẩm từ sen là hoa để ướp chè, hoa để trang trí và hạt để làm thực phẩm gắn với phát triển du lịch.

Tại buổi gặp gỡ báo chí, ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, tại sự kiện Lễ hội Sen Hà Nội sẽ đưa 30 giống sen mới nhất giới thiệu với du khách trong nước và quốc tế. Đồng thời sẽ phối hợp với Đại sứ quán Nhật để sen Tây Hồ sẽ có ngay cả trong mùa đông. Tới đây, Tây Hồ sẽ làm sống lại các đầm sen đã từng nức tiếng xưa nay.

Người Hà Nội yêu sen, sen cũng thích nghi với thổ nhưỡng nhiều vùng đồng đất Hà Nội và sinh trưởng tốt, không phụ lòng người. Nhưng để những đầm sen thật sự trở thành một điểm đến hấp dẫn của du lịch Thủ đô, cũng như tạo cơ hội cho người dân địa phương có thể làm giàu ngay tại quê hương, theo các chuyên gia, Hà Nội cần hình thành mô hình làng nghề sen như nhiều làng nghề truyền thống khác, kết hợp giữa sản xuất và du lịch để đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị trên một đơn vị canh tác. Có làng nghề sen cũng thêm một nét độc đáo trong bộ sản phẩm OCOP, trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Đích hướng đến là ứng dụng khoa học công nghệ để xây dựng làng nghề sen gắn giữa sản xuất với du lịch, tổ chức xúc tiến thương mại các sản phẩm từ sen…

Với Lễ hội Sen được tổ chức quy mô, bài bản chắc chắn sẽ làm tốt việc quảng bá hình ảnh cây sen Hà Nội ra với bạn bè cả nước và du khách quốc tế. Nâng tầm cây sen Hà Nội trong đời sống hôm nay cũng là mong mỏi của những nghệ nhân cả đời đau đáu với cây sen, với các sản phẩm độc đáo từ sen...

Ngày 19/6, Quận ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN quận Tây Hồ tổ chức cuộc gặp mặt đại biểu các cơ quan báo chí, truyền hình nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Ngày 19/6, Quận ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN quận Tây Hồ tổ chức cuộc gặp mặt đại biểu các cơ quan báo chí, truyền hình nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Trong lĩnh vực văn hóa, 6 tháng đầu năm 2024, công tác phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn quận Tây Hồ đã đạt được một số kết quả nổi bật như tổ chức thành công “Lễ hội Ánh sáng nghệ thuật Hà Nội - Rực rỡ Thăng Long” vào đêm Giao thừa Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; tổ chức Lễ công bố Quyết định ghi danh Nghề làm xôi Phú Thượng vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; phối hợp với Sở Du lịch tổ chức Chương trình “Du lịch Hà Nội chào 2024 - Get on HaNoi 2024” và Công bố quyết định công nhận khu du lịch Nhật Tân...

Theo Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến, trong thời gian tới đây, một trong những trọng tâm của quận là công tác quản lý Hồ Tây. Quận sẽ tập trung xây dựng đề án “Quy hoạch, quản lý, bảo tồn, khai thác phát huy giá trị của Hồ Tây và vùng phụ cận” trình cấp có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở để thực hiện hiệu quả công tác quản lý Hồ Tây; duy trì công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, đẩy nhanh các dự án cải tạo môi trường xung quanh Hồ Tây; nâng cấp hệ thống chiếu sáng xung quanh hồ...