Lan tỏa lối sống xanh từ những món đồ cũ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chắc hẳn mỗi người chúng ta đều có những món đồ cũ còn tốt nhưng không dùng đến và ta thường chọn cách vứt chúng đi hay bỏ xó. Thế nhưng đối với nhiều người, món đồ cũ đó có thể là cả một “gia tài”. Xuất phát từ suy nghĩ “cũ người, mới ta”, nhiều người đã dành tặng những món đồ không dùng đến cho những người thực sự cần đến chúng.
Lan tỏa lối sống xanh từ những món đồ cũ

Câu chuyện “cũ người, mới ta”

“Chào mọi người. Mình có chiếc bàn làm việc gỗ ép 1m2x1m vẫn còn tốt, vững chãi, do không có nhu cầu sử dụng nên muốn tặng lại cho bạn nào cần. Bạn nào có nhu cầu nhắn tin mình nhé. Nhà mình ở Tân Ấp”. Thông tin được chị H.Trang (29 tuổi, Hà Nội) đăng tải trên nhóm Freecycle Vietnam – nơi cho tặng và nhận đồ miễn phí.

Ngay khi đăng tải, vài thành viên trong nhóm đã nhắn tin hỏi xin và chiếc bàn đã đến tay người cần. Vậy là chiếc bàn tưởng chừng như vô dụng với người chủ cũ đã trở thành món đồ hữu ích cho người chủ hiện tại.

Có lẽ nhiều người sẽ cảm thấy lạ lẫm trước bài đăng trên nhưng đây chỉ là một trong số vô vàn bài đăng được đăng tải trên nhóm Freecycle Vietnam mà mọi người có thể dễ dàng tìm kiếm. Xuất phát từ suy nghĩ với những món đồ không dùng đến như quần áo, đồ dùng… nhiều người đã dành tặng cho những người thực sự cần đến chúng và từ đó Freecycle Vietnam và loạt cộng đồng Freecycle xuất hiện.

Freecycle Vietnam là một cộng đồng trên mạng xã hội Facebook, là nơi cho tặng và tìm kiếm những món đồ cũ mới mà không mất bất cứ một khoản phí nào. Những món đồ được cho, tặng phần lớn đã qua sử dụng hoặc chủ nhân không có nhu cầu dùng đến.

Thành lập từ năm 2013 đến nay cộng đồng Freecycle Vietnam do anh Phạm Hồng Kiên, Thạc sĩ nghiên cứu phát triển, Trường Đại học Melbourne (Úc) và bạn bè sáng lập đã có hơn 50.000 thành viên. Sau gần 10 năm, cộng đồng của anh Kiên đã lớn mạnh và trải dài khắp Việt Nam, những nhóm nhỏ được thành lập ở nhiều tỉnh, thành như: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đà Lạt, Quảng Ninh,…

Nói về ý nghĩa của Freecycle Vietnam, anh Kiên từng chia sẻ: “Với tinh thần cho tặng một cách vô tư, không vụ lợi là niềm vui sâu xa, nhóm Freecycle không đơn thuần chỉ là nơi thải bỏ đồ cũ, mà là nơi cho tặng, bao gồm rất nhiều đồ mới có giá trị cao. Hoạt động cho tặng miễn phí góp phần tạo nên những hành động đẹp giúp xây dựng niềm tin giữa người và người trong cộng đồng, xây dựng nên nguồn vốn xã hội”.

Cách hoạt động của nhóm rất đơn giản. Đó là khi bạn có món đồ còn tốt không cần sử dụng, bạn có thể chụp ảnh món đồ mình muốn tặng đăng lên nhóm cùng thông tin cá nhân và địa chỉ để dành cho người có nhu cầu. Hay ai muốn tìm kiếm món đồ cũ nào đó cũng có thể đăng lên, nếu người nào có món đồ đó mà không dùng đến có thể bình luận ngay phía dưới.

Anh D.Thành (35 tuổi, Hà Nội), một thành viên lâu năm trong cộng đồng cho biết, vì gia đình anh có hai bé đều đã lớn và không có ý định sinh thêm bé nữa nên nhà dư ra một số vật dụng của trẻ nhỏ như nôi, xe đẩy, quần áo,… Tất cả đều đã qua sử dụng nhưng đều còn tốt, nếu bỏ đi thì phí. Nên để vật dụng trở nên hữu ích, anh và vợ lau chùi, giặt giũ sạch sẽ rồi đăng lên nhóm với hy vọng món đồ sớm về tay người cần.

Cộng đồng Freecycle Vietnam trên Facebook

Cộng đồng Freecycle Vietnam trên Facebook

“Tôi vẫn nhớ như in cái lần có hai bạn trẻ nhắn tin xin nhận xe đẩy của em bé, tôi đồng ý ngay và gửi thông tin để hai bạn qua lấy. Đến hôm lấy, hai bạn còn chở cả cháu nhỏ đi cùng vì nhà không có ai trông. Hỏi ra mới biết hai bạn đều lên thành phố lập nghiệp, hoàn cảnh cũng khó khăn lại còn nuôi thêm con mọn, thiếu thốn đủ đường, vậy nên khi nhận được xe đẩy hai bạn vui lắm. Tôi và vợ cũng vui lây”.

Quả thật niềm vui khi cho đi rất đặc biệt. Đó là niềm vui khi ta cho đi mà chẳng mong nhận lại điều gì. Là niềm vui khi ta sẻ chia yêu thương với những người xa lạ. Là niềm vui khi ta nhận ra ta vừa làm một việc tốt. Là niềm vui khi thấy những món đồ tốt được đến tay của những người cần. Hay đơn giản là ta vui khi thấy người khác cũng vui. Chỉ với một việc đơn giản là cho đi những gì ta không còn sử dụng, ấy vậy mà hình thành trong ta niềm vui nho nhỏ nhưng ấm áp tình người.

“Tuyên ngôn xanh” trong lối sống

Bên cạnh việc sẻ chia yêu thương và mang lại niềm vui tới cả người cho và nhận, những món đồ cũ còn mang sứ mệnh giúp lan toả lối sống xanh đến với nhiều người hơn. Bởi thay vì lãng phí những món đồ cũ không còn sử dụng, việc cho tặng cũng là một cách tiết kiệm và bảo vệ môi trường. Có thể nói, vừa tiết kiệm chi phí mua sắm, vừa tránh lãng phí tài nguyên rác là một trong những mục tiêu hoạt động của cộng đồng Freecycle Vietnam.

Những năm gần đây, khi sống xanh trở thành xu hướng, ngày càng nhiều người quan tâm và đồng hành trong hành trình giữ màu xanh cho môi trường sống. Sống xanh được hiểu là lối sống lành mạnh, sống bền vững, giảm thiểu sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Lối sống này hướng đến đáp ứng nhu cầu hiện tại nhưng không làm suy kiệt tài nguyên cho các thế hệ tiếp theo.

Việc tái sử dụng đồ cũ bên cạnh việc tiết kiệm tiền bạc so với mua đồ mới thì thói quen trên còn được nhiều người thích sống xanh ưa chuộng. Hay việc cho đi những món đồ không còn sử dụng bên cạnh việc tránh lãng phí thì còn giúp giảm lượng rác thải một cách đáng kể.

Suy nghĩ là vậy nhưng để thực hiện được không phải ai cũng có thể, bởi để món đồ cũ đến được đúng tay người cần là điều không dễ dàng. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu trên, Freecycle Vietnam đã làm cầu nối, kết nối những người có cùng suy nghĩ, cùng nhu cầu đến với nhau. Tạo nên một cộng đồng, nơi mà những người có lối sống xanh có thể cùng chia sẻ và lan toả một lối sống tốt đẹp đến cộng đồng.

Vốn là một cô gái thích đọc và yêu sách, P.Anh (23 tuổi, Hưng Yên) sở hữu cho mình một tủ sách đồ sộ. Mỗi cuốn sách đều được cô giữ gìn rất cẩn thận, bởi với cô mỗi cuốn sách là một câu chuyện, là một bài học nên cô rất trân quý. Qua thời gian dài sưu tập, tủ sách của cô ngày một đầy và hết chỗ, những cuốn sách cũ đành phải nhường chỗ cho những cuốn mới. Do đó, P.Anh tồn lại một số lượng sách không còn sử dụng nhưng vẫn còn rất mới. Cô không biết phải xử lý số sách đấy như nào, bảo vứt đi thì không nỡ.

Tình cờ biết đến cộng đồng Freecycle Vietnam, nhìn thấy tấm lòng của mọi người và ý nghĩa cao đẹp mà cộng đồng mang lại. P.Anh quyết định sẽ tặng sách của mình cho người cần đến nó. “Nghĩ là làm, tôi đăng ngay lên nhóm những cuốn sách tôi muốn tặng. Ngay sau đó, có rất nhiều bạn đã xin nhận, hầu hết đều là những người có chung sở thích, đều trân quý những cuốn sách giống như tôi. Chính vì vậy nên tôi không tiếc chút nào vì tôi biết chúng đã đến được tay người cần và sẽ được bảo quản tốt như tôi đã làm”.

P.Anh cũng cho biết thêm, việc làm này còn giúp cô bảo vệ môi trường, bởi cô biết để có 1 tấn bột giấy cần phải sử dụng 17 cây xanh. Vì vậy, việc tiết kiệm hay tái chế giấy là bảo vệ cây, bảo vệ rừng. Mỗi một người sử dụng sách cũ là có thêm 1 cây xanh không bị chặt để làm sách. Khi nhu cầu sử dụng giấy và các sản phẩm đến từ bột giấy ngày càng ít đi thì số cây rừng ngày một ngã xuống sẽ giảm đi.

Hơn nữa, khi những cuốn sách được truyền từ người này qua người khác, nó còn giúp cho việc chia sẻ kiến thức diễn ra mạnh mẽ hơn, tiết kiệm hơn và văn hóa đọc được duy trì tới nhiều người hơn. Dù biết là hành động của mình vô cùng bé nhỏ nhưng việc có thể tái sử dụng những cuốn sách đó giúp cô không lãng phí cả giá trị vật chất lẫn tinh thần của cuốn sách.

Không chỉ có sách mà những đồ vật cũ khác như quần áo, đồ điện tử, đồ gia dụng,… đều sẽ còn mãi giá trị cả về vật chất và tinh thần khi chúng ta biết cách tái sử dụng chúng. Việc tránh lãng phí bất kể nguồn tài nguyên nào cũng nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm tác hại của khí thải nhà kính. “Tuyên ngôn xanh” ngay trong lối sống là một sự cam kết của cá nhân với trách nhiệm bảo vệ môi trường chung của trái đất. Vì vậy, giá trị mà cộng đồng Freecycle Vietnam mang lại không chỉ dừng lại ở sẻ chia yêu thương mà còn giúp lan toả lối sống xanh đến tất cả mọi người.