Lắng nghe và gỡ “gánh nặng” trên vai con trẻ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  “Điều em muốn nói” là diễn đàn lần đầu tiên tổ chức tại Hà Nội có sự tham gia của khoảng 1.000 học sinh THCS, các chuyên gia, diễn giả, nhà quản lý giáo dục. Trở lại trường sau thời gian bị ảnh hưởng vì dịch COVID-19, không ít học sinh khủng hoảng tâm lý trước áp lực các kỳ thi cuối năm và chuyển cấp.
Học sinh THCS Giảng Võ, Hà Nội trong buổi chia sẻ “Điều em muốn nói”.
Học sinh THCS Giảng Võ, Hà Nội trong buổi chia sẻ “Điều em muốn nói”.

Động viên để các em “chịu nói”

Nhiều học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 Hà Nội năm nay chia sẻ, khi tự so sánh với bạn bè, các em đã tạo ra áp lực cho chính mình. Đã có lúc, nhiều em không muốn giao tiếp với những người xung quanh.

N.L.P, học sinh lớp 9, Trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, em tự nhận thấy mình không lọt vào tốp đầu của lớp nên từng rất buồn, thậm chí căng thẳng. Em cũng muốn thi trường THPT chuyên, đặt nguyện vọng 1 vào một trường có chất lượng tốt, rồi dằn vặt: “Nếu mình thi trượt, bố mẹ sẽ buồn lắm. Các em cũng sẽ nhìn vào mình để làm gương. Em muốn mình phải trở thành niềm tự hào của bố mẹ. Chỉ vậy thôi em cũng thấy rất áp lực”, P nói.

Bà Vũ Kim Nga - nhân viên tư vấn Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 - Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH thông tin, trong và sau đại dịch COVID-19, nội dung trẻ gọi đến chia sẻ có nhiều vấn đề mới, trong đó gia tăng tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, trầm cảm, thậm chí nhiều em bị bố mẹ bạo hành tinh thần. Tình trạng này gia tăng ở học sinh bậc THCS - THPT.

Cũng theo P, bố mẹ em cũng từng có quan điểm “áp lực tạo ra kim cương” nên bắt con nỗ lực học. Giai đoạn nước rút chuẩn bị cho kỳ thi, có hôm em học đến 11 giờ đêm, sáng dậy 5 giờ học tiếp nhưng hôm nào nhiều bài phải học đến 1 -2 giờ sáng. Sau đó, bố mẹ thấy con học nhiều quá lại thương và động viên.

“Tuy nhiên ở độ tuổi này, em cảm thấy có khoảng cách thế hệ với bố mẹ nên sẽ không tâm sự, chia sẻ tất cả mọi thứ. Có những chuyện, em biết nếu có nói ra, bố mẹ cũng sẽ không đồng ý nên em không nói, thay vào đó sẽ chia sẻ với bạn bè”, P nói. Em cũng mong muốn, trong giai đoạn học tập căng thẳng này, thầy cô, bố mẹ không nên tạo áp lực mà hãy tin tưởng, động viên để con “vượt vũ môn”.

Hoàng Văn Anh, học sinh lớp 9 một trường THCS ở quận Thanh Xuân nói: “Trong đợt dịch COVID-19, em từng thu mình trong phòng, không muốn giao tiếp với bố mẹ, bạn bè. Năm học cuối cấp em cảm thấy khó khăn bộn bề vì phải đứng trước nhiều lựa chọn. Bố mẹ em luôn động viên, nếu thi trượt trường THPT chuyên hay trường công không sao cả, gia đình sẽ lựa chọn trường ngoài công lập.

Tuy nhiên, em có mơ ước của riêng mình, từ lâu em muốn phải thi đỗ vào Trường THPT chuyên Ngoại ngữ nên tự đặt áp lực cho chính mình. Khi hay tin có bạn học sinh gặp khó khăn lựa chọn việc kết thúc cuộc đời em đã rất buồn. Bởi vì mình vẫn còn trẻ, nếu vấp ngã, thất bại cần có nghị lực, thời gian để đứng dậy thay vì tìm hướng đi tiêu cực. Với cách làm như vậy sẽ chuyển nỗi đau từ người này sang người khác mà thôi”.

Vai trò của giáo viên chủ nhiệm rất quan trọng trong việc giúp các em vượt qua tâm lý căng thẳng. Em Đ.X.T kể câu chuyện của mình: “Em là người khá mẫn cảm với những lời nói, dễ bị tổn thương, lạc lõng. Trong một lần bị cô giáo trách mắng vì không ghi chép bài đầy đủ, em cảm thấy cô hiểu sai mình và những lời nói của cô như những mảnh thủy tinh đâm thẳng vào tim em. Em cảm thấy tổn thương và căng thẳng vì những câu nói đó.

Thứ hai, về chuyện miệt thị ngoại hình, em chính là nạn nhân của chuyện đó. Em thấy mình sống cho mình chứ không phải cho người khác và cô giáo đã giúp em biến những điều tiêu cực trở nên tích cực hơn. Có thời điểm, em chỉ nằm trên giường khóc và từng nghĩ muốn biến khỏi thế giới này. Nhưng khi gặp được cô, cô đã dạy em cách yêu bản thân mình bởi mọi người là một cá thể riêng, có điểm mạnh, điểm yếu. Mỗi lần nói chuyện với cô giúp em thấy nhẹ nhõm lòng mình”.

Cô giáo Nguyễn Phương Thanh, giáo viên chủ nhiệm lớp 9A6, Trường THCS Giảng Võ chia sẻ: “Học sinh đang chịu áp lực từ nhiều phía, trong đó có sự kỳ vọng của phụ huynh, sức ép của kỳ thi. Có phụ huynh hiểu, không gây áp lực nhưng cũng có người bắt con thi trường quá sức và cô giáo phải tư vấn, giải thích để họ hiểu năng lực của con đang ở đâu để chọn trường vừa sức.

Hay khi có phụ huynh nói với con đừng thức khuya, đừng cố quá nhưng chính các con cũng có những mục tiêu, sự so sánh với bạn bè nên tự tạo áp lực cho chính mình. Điều đáng quan tâm là có một số em không chịu nói ra khó khăn, vướng mắc, áp lực của mình để giáo viên, phụ huynh chia sẻ. Khi các em “chịu nói”, cô giáo trao đổi với phụ huynh để cùng có giải pháp hỗ trợ con thì chính phụ huynh cũng rất bất ngờ vì ở nhà con cố tỏ ra bình thường”…

Áp lực từ nhiều phía

Có mặt tại diễn đàn, nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ với các bạn nhỏ: “Áp lực trong lứa tuổi học trò còn đến từ bạn bè. Muốn cởi bỏ áp lực này, các học sinh cần hiểu bạn mình. Bên cạnh đó, học sinh cần chuẩn bị sẵn sàng tâm lý trước mỗi kỳ thi về việc thi đỗ và thi không đỗ để tránh bị “sốc”. Nếu thi đại học không đỗ, chỉ có một cánh cửa khép nhưng còn muôn vàn cánh cửa khác mở ra, có điều chúng ta có bình tĩnh để nhìn thấy những cơ hội mới đó không”...

TS. Nguyễn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục TP Hà Nội đưa ra một góc nhìn khác: “Tôi cho rằng áp lực tâm lý sau dịch COVID-19 chỉ là nhất thời, quan trọng là tuổi học đường lúc nào cũng đều gặp áp lực. Áp lực lớn nhất chính là từ gia đình, cha mẹ nào cũng mong con giỏi giang nhưng các em đừng oán thán bố mẹ bởi đó là một mong ước rất chính đáng. Chỉ có điều, mong muốn đó vô hình trung đã tạo áp lực cho các con vì bố mẹ hiện nay không hiểu hết con mình. Bất kỳ mong muốn nào cũng phải xuất phát từ năng lực thực tế của các cháu.

Áp lực thứ hai là từ phía nhà trường. Trường nào cũng đều có quy chuẩn của mình và đòi hỏi học sinh phải đem về những đỉnh cao cho trường mình, đó cũng là điều rất bình thường. Các em phải tự mình điều chỉnh mình để phù hợp với yêu cầu của nhà trường. Tiếp theo là áp lực từ cuộc sống. Các em hiện nay được tiếp cận với quá nhiều luồng thông tin trong một ngày, nhiều thú vui như trò chơi công nghệ mà đôi khi những cái xấu lôi kéo dễ hơn những cái tốt. Mình thắng được mình là điều không dễ.

Áp lực từ chính các em. Ngày xưa vượt khó vươn lên để thành công nhưng hiện tại xã hội đời sống đã rất cao và sẽ có một bộ phận phải vượt sướng để thành công, mà điều đó sẽ khó hơn vượt khó rất nhiều vì sướng quá sẽ không còn động lực để phấn đấu. Thắng được chính mình sẽ càng khó hơn. Tôi nghĩ rằng các em phải bình tĩnh, nhìn nhận vấn đề đầy đủ xem mình đang bị áp lực từ phía nào và tìm hướng giải quyết”…

Hãy đối xử với vết thương trong lòng như vết thương ngoài da

“Những vết thương ngoài da có thể rất nhanh lành lặn nhưng có những vết thương lòng khiến các bạn cảm thấy tổn thương, trầm cảm. Hãy đối xử với những vết thương lòng như những vết thương ngoài da vậy, tức là cần phải chữa nhanh. Các bạn có thể nói cha mẹ không lắng nghe, nhưng hãy tìm nhiều cách thức hơn để cha mẹ thấu hiểu mình như chọn thời gian cha mẹ không bận rộn, viết email... Hoặc tìm đến người thân, người bạn, thầy cô mà các bạn có thể tin tưởng. Họ có thể mang đến cho bạn những phản hồi tích cực. Nếu có tư tưởng tiêu cực tự làm hại bản thân mình, nên nhớ đó chỉ là những cảm xúc nhất thời thôi, hãy cố gắng kiểm soát để vượt qua sự tiêu cực đó” - PGS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục - Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội.

Đọc thêm