Làng Yên Thái trong ca dao xưa

(PLO) - Câu ca dao về Hà Nội xưa từng đi vào tâm tưởng của nhiều thế hệ: “Mịt mù khói tỏa ngàn sương/Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ” cứ ngỡ không còn những vết tích trong cuộc sống hiện đại này… Nhưng không, giữa con phố Thụy Khê (ngõ 530) tên làng Yên Thái vẫn còn được in đậm trên chiếc cổng làng còn nguyên những dấu tích của một ngôi làng cổ xưa bên bờ hồ Tây. 

Cổng chính làng Yên Thái (cổng Giếng).
Cổng chính làng Yên Thái (cổng Giếng).
Yên Thái thế tựa rồng bay…
Cụ Lý Khắc Kính (84 tuổi, người gốc làng Yên Thái) tự hào cho biết, làng Yên Thái là một vùng đất mang đậm dấu ấn của văn hóa Thăng Long. Cổng làng Yên Thái là nơi nổi tiếng đất kinh kỳ với tiếng chày giã dó xưa kia.
Trên cổng làng còn ghi dòng chữ “Mỹ tục khả phong” có nghĩa là phong tục tốt đẹp, đủ để thấy dân Yên Thái được trọng vọng như thế nào. 
Làng Yên Thái có 3 thôn, thôn Đoài, còn gọi là An Thái Đoài, có cổng Giếng; thôn Thọ có cổng Hầu, cổng Xanh; thôn Đông có cổng Đông. Những cổng này đều thông với đường quan lộ và mang những nét riêng biệt nhưng tụ hội trong một vùng, làm nên một địa danh đi vào ca dao, tục ngữ cổ xưa của Việt Nam ta.
Trong số những cổng ra vào làng thì cổng Giếng ở thôn Đoài là to nhất, bề thế nhất. 
Cổng có kết cấu như một gian nhà lớn, hai cánh cổng lim có trụ quay đặt trên lưng hai con sấu đá. Với khẩu độ rộng, xây tường hồi bít đốc, bước lên xuống qua 3 bậc (tam cấp), mở ra có thể nhìn thấy toà phương đình hai tầng tám mái xây cạnh giếng.
Toà phương đình này, dân gian gọi là Cầu Vuông, dùng làm nơi treo tấm hoành phi “Mỹ tục khả phong” do triều Nguyễn ban cho làng Yên Thái vì có nghề giấy tinh xảo. 
Cầu Vuông cũng là nơi truyền hiệu lệnh của hàng huyện về làng xã. Bên Cầu Vuông là giếng làng. Giếng Yên Thái có tên chữ Hán là Long Tỉnh, là một giếng đá, nước trong nổi tiếng.
Con đường làng, giếng nước đầu làng đã đi vào ca dao: “Giếng Yên Thái vừa trong vừa mát/ Đường Yên Thái gạch lát dễ đi”. 
Cụ Kính cũng cho biết, làng Yên Thái có địa thế rất đẹp, nằm trên đồi Kim Quy, thế đạp sơn (núi Tam Thai), làng lượn theo thế rồng bay. Đầu rồng ngay ở đầu làng, hai mắt là 2 giếng khơi, một mắt chính là giếng nước ngay trước cổng làng, một mắt ở thôn Tiên Thượng (làng Tân).
Chính giếng nước ngay chiếc cổng làng này khiến cho cổng làng Yên Thái còn có một tên khác là cổng Giếng. 
Ngay ở cổng làng còn có đôi câu thơ mà các cụ rất tinh ý khi viết, được tạm dịch: “Cổng làng cao rộng cho ngựa xe qua lại bình an/ Con cháu giỏi giang sẽ giúp đời mở rộng vận thái”. Đây chính là những dòng miêu tả chiếc cổng chính vào làng Yên Thái.
Người làng này tự hào vì từ xa xưa, họ đã có chiếc cổng thênh thang để mấy hàng ngựa xe có thể đi lại. Người làng này cũng chỉ thích gọi tên cổng làng là cổng Giếng vì hình ảnh giếng nước đã đi sâu vào tiềm thức dân gian qua câu ca dao: “Kìa giếng Yên Thái như kia/ Giếng sâu chín trượng nước thì trong xanh”.
Giếng nước ngay trước cổng làng là một giếng to, gọi là Long Tỉnh, nghĩa là Giếng Rồng. 
Cụ Lý Khắc Kính.
Cụ Lý Khắc Kính. 
“Công, Hầu, Khanh, Tướng” thành tên cổng làng?
Ông Nguyễn Quang Luân (71 tuổi ở địa chỉ 29/530, đồng thời là Trưởng Tiểu ban Quản lý di tích An Thái) cho biết: Trước đây làng có tên chung là Yên Thái, có mấy cổng đi lại, cổng chính của làng là cổng Giếng, còn lại là cổng Hầu, cổng Canh đều là cổng phụ vào những xóm khác của làng.
Ngày xưa người làng Yên Thái làm giấy tốt nhất, loại dành để tiến cử triều đình hoặc giấy trắng tinh. Với những loại giấy này, nước để seo giấy phải là nước ở giếng làng. Bởi nước giếng làng rất trong và ngọt, giếng cứ vơi lại đầy, nước chưa bao giờ cạn. Còn các làng khác, họ làm các loại giấy bình thường thì gánh nước ao về seo giấy. 
Thôn Thọ có hai cổng ra vào, đó là cổng Hầu và cổng Canh. Có tên cổng Hầu bởi ngay ở cổng vào thôn có nhiều bậc quan lại trí sĩ. Những vị quan hay chữ một thời, nay về nghỉ lập dinh tại đây, thường tự hào về tài học, do đó ở cổng Hầu có đôi câu đối: “Tô Thủy tuần hoàn văn phái viễn/ Lý thành tả trĩ bút phong cao” (dịch nghĩa là Dòng Tô Lịch đưa văn phái toả xa/ Thành nhà Lý sánh cao cùng sức bút). 
Cụ Kính cũng cho biết, cách cổng Hầu không xa là nhà một vị quan có tiếng của triều đình, người đầu tiên của làng đỗ đạt. Chính vì thế mà làng trọng vọng, xây nhà lầu gác tía cho quan, cử người canh gác. Người dân có việc đến nhờ vả chầu chực đợi giờ vào hầu quan rậm rịch đêm ngày. 
Tài liệu của Ban di tích cho thấy, dưới thời xa xưa, nước ta giặc giã liên miên, dân cư nheo nhóc đói nghèo, trộm cướp nổi dậy khắp nơi, nhất là vào những kỳ mất mùa, giáp hạt. Chức năng đầu tiên của mỗi chiếc cổng làng chính là ngăn chặn sự xâm nhập của giặc cướp, đó là sự ra đời của tên gọi cổng Canh, bây giờ gọi chệch ra là cổng Xanh. 
Cổng Canh được xây dựng cao ráo. Đây là cổng canh gác của làng, mà sách của Vũ Duy Huân đã mô tả: “Cổng này ngày mở ra, đêm khép lại để ngăn ngừa cướp bóc. Đêm trong cổng có điếm canh lập loè ánh sáng bùi nhùi. Có giá đựng giáo, mã tấu, sừng trâu đen bóng làm tù và. Đêm đêm, đám tuần phiên đến đây nhận việc, cắt cử nhau bảo vệ làng”.
Tuy nhiên, cụ Kính lại cho rằng, tên từ thời xa xưa của cổng Canh là cổng Khanh, để đối lại với cổng Hầu, ý là những người được phong tước cao nhất triều đình, bao gồm Công, Hầu, Khanh, Tướng. Cụ Kính khẳng định, các cụ ngày xưa rất uyên thâm, hiểu biết, họ đặt tên cổng đều có những ý nghĩa nhất định, không chỉ đơn thuần là cổng có nhiệm vụ canh gác mà đặt thành Canh.
Hơn nữa, ngày xưa, cổng nào cũng có nhiệm vụ canh gác. Nhìn cụ già đã ngoài 80, lật từng trang tư liệu, có những trang viết bằng tay để chứng minh luận điểm của mình mới thấy chắc hẳn cụ đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu về làng mình. 
Bây giờ tài liệu về làng Yên Thái, về tên gọi của các cổng làng không còn nữa. Nhắc về làng Yên Thái, người ta chỉ nhớ rằng đây là ngôi làng đã được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Cụ Kính vừa chuyện trò với chúng tôi vừa kể từng chi tiết về ngày đón Bác Hồ, về vinh dự của người làng Yên Thái. Nhưng ẩn sau sự tự hào ấy hình như là cả một nỗi mênh mang bởi con cháu đời sau không còn ai hứng thú với việc sưu tầm tài liệu về gốc tích của làng mình nữa.
Cụ Kính soạn ra từng sấp ảnh rồi lo lắng khi cụ mất đi rồi, những hình ảnh tư liệu cổ xưa về làng, về cổng làng sẽ do ai gìn giữ?/.

Đọc thêm