Lãnh đạo APEC kêu gọi đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố

(PLO) - Các nhà lãnh đạo của các nước châu Á - Thái Bình Dương ngày 19/11 đã kêu gọi tăng cường hợp tác toàn cầu trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chụp ảnh lưu niệm với một số lãnh đạo APEC tại Hội nghị cấp cao vừa diễn ra. (Ảnh: Reuters)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chụp ảnh lưu niệm với một số lãnh đạo APEC tại Hội nghị cấp cao vừa diễn ra. (Ảnh: Reuters)
Đoàn kết trước kẻ thù chung
Theo AFP, làn sóng các cuộc tấn công do nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tiến hành nhằm vào các công dân Pháp, Nga, Lebanon đã thành chủ đề chính trong ngày cuối cùng của Hội nghị cấp cao của các nhà lãnh đạo các nước APEC vừa diễn ra tại Philippines. 
“Chúng tôi mạnh mẽ lên án tất cả các hành động, phương thức và âm mưu của chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức và biểu hiện. Chúng tôi nhấn mạnh sự cấp thiết của việc tăng cường hợp tác và đoàn kết quốc tế trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố” – tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế APEC được đưa ra sau Hội nghị nêu rõ. 
Trước đó, cùng ngày, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã lên án vụ IS sát hại con tin người Trung Quốc. “Chủ nghĩa khủng bố là kẻ thù chung của nhân loại” – hãng tin Tân Hoa xã dẫn lời ông Tập tuyên bố. Thủ tướng Na Uy Erna Solberg tại một cuộc họp báo gọi IS là một nhóm man rợ, đồng thời tuyên bố sẽ thực hiện chính sách không trả tiền chuộc theo yêu cầu của những kẻ khủng bố. 
Các tuyên bố của các nhà lãnh đạo thế giới được đưa ra sau khi IS cùng ngày công bố hình ảnh cho thấy chúng đã giết chết con tin người Trung Quốc – được xác định là ông Fan Jinghui, 50 tuổi; và công dân người Na Uy – được nhận dạng là ông Ole Johan Grimsgaard-Ofstad, 48 tuổi. Theo giới chức Na Uy, IS trước đó đã gửi hình ảnh của ông Grimsgaard-Ofstad tới nhà chức trách và gia đình nạn nhân để đòi tiền chuộc. 
Ngoài ra, IS cũng công bố bức hình một quả bom được giấu trong một lon nước có gas mà chúng tuyên bố là quả bom đã khiến chiếc máy bay của Nga nổ tung trên không trung và rơi xuống bán đảo Sinai của Ai Cập hồi tháng trước. 
Nguy cơ tấn công mới
Trong một diễn biến có liên quan, Giám đốc tổ chức cảnh sát EU Europol Rob Wainwright ngày 19/11 nói rằng các hoạt động của IS chính là mối đe dọa khủng bố nghiêm trọng nhất mà châu Âu phải đối mặt trong 10 năm trở lại đây. Ông Wainwright cũng cảnh báo rằng, châu Âu nhiều khả năng sẽ còn phải đối mặt với các cuộc tấn công mới của nhóm này.
"Người đứng đầu Cơ quan Cảnh sát Hình sự quốc tế Interpol Juergen Stock cho hay, cơ quan này mới chỉ nhận dạng được 5.800 trong tổng số gần 25.000 chiến binh người nước ngoài được cho là đã gia nhập các nhóm cực đoan đang hoạt động ở những khu vực có xung đột như Syria và Iraq".
Cùng chung nhận định, phát biểu tại một cuộc tranh luận giữa các nhà làm luật Pháp về việc gia hạn tình trạng khẩn cấp đang được áp dụng, Thủ tướng Pháp Manuel Valls hôm qua cũng cảnh báo về nguy cơ những kẻ khủng bố sử dụng vũ khí sinh học hoặc hóa học để tấn công nước Pháp. “Chúng ta không thể loại trừ được bất cứ điều gì” – ông nói thêm. 
Trong bối cảnh cuộc điều tra về các vụ tấn công chết người tại Paris cuối tuần trước đang được mở rộng ra khắp châu Âu, ông Valls cũng kêu gọi EU nhanh chóng cho phép chia sẻ thông tin hành khách trên các chuyến bay. “Hơn bao giờ hết, đã đến lúc châu Âu phải thông qua quy định để đảm bảo việc truy xuất các hoạt động của các cá nhân, trong đó có các hoạt động diễn ra trong khối. Đó là điều kiện để đảm bảo an ninh chung” – ông Valls tuyên bố. 
Cùng ngày, cảnh sát Pháp đã được cho phép mang theo vũ khí kể cả khi họ không làm nhiệm vụ. Việc sử dụng súng khi không trong ca làm việc sẽ được chấp thuận trong trường hợp xảy ra tấn công khủng bố và viên cảnh sát phải đeo lên tay tấm băng cảnh sát để tránh nhầm lẫn với các đối tượng khác./.

Đọc thêm