"Tiềm năng trong lĩnh vực nông nghiệp cùng với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú như: Diện tích đất nông nghiệp lớn, đất đai màu mỡ, tài nguyên khoáng sản còn nhiều… là điểm mạnh, là “đòn bẩy” để phát triển kinh tế của Tỉnh” - ông Nguyễn Tấn Hưng,Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước, nói.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng
Theo ông Hưng, Bình Phước đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của các thành phần kinh tế, đồng thời tạo điều kiện phát triển cả về số lượng và quy mô sản xuất, kinh doanh. Theo đó, kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện, được xem là một trong những “bộ mặt” khang trang của tỉnh. Công tác thu hút đầu tư được tỉnh chú trọng với nhiều chính sách ưu đãi các nhà đầu tư, đặc biệt là tiếp tục đầu tư vào kết cấu hạ tầng.
Ngoài ra, công tác đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, thu hút cán bộ có năng lực đến làm việc trên địa bàn cũng được tỉnh quan tâm. Chưa hết, Bình Phước cũng đặc biệt chú trọng đến công tác phối hợp, hợp tác phát triển kinh tế vùng bằng việc ký kết các chương trình hợp tác kinh tế - xã hội với các tỉnh bạn trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai...) tạo động lực và điều kiện thuận lợi trong phát triển toàn diện của tỉnh.Tuy là địa phương có xuất phát điểm thấp, song những năm qua, Bình Phước đã có những bước tiến vượt bậc về kinh tế - xã hội, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường (kinh tế luôn ở mức tăng trưởng khá: Năm 2010 (GDP, theo giá so sánh năm 1994) thực hiện 6.081 tỷ đồng, tăng 13%, trong đó nông lâm thủy sản chiếm 47,1%; công nghiệp - xây dựng chiếm 24,1%; thương mại - dịch vụ chiếm 28,8%); GDP bình quân đầu người 1.028 USD...).
Nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư
- Là địa phương phong phú tài nguyên, vậy Bình Phước đã có những chính sách ưu đãi nào để thu hút các nhà đầu tư vào dự án có tầm cỡ, thưa ông?
- Bình Phước luôn chú trọng thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào các dự án lớn, các dự án phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh (dự án trong các lĩnh vực nông nghiệp chế biến tiêu, điều, cao su); các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng như các dự án BOT, BT, các dự án ít gây ô nhiễm đến môi trường, các dự án trong lĩnh vực xã hội hóa...
“Thực tiễn hoạt động và kết quả đạt được của các cơ quan tư pháp đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt hoặc vượt chỉ tiêu, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng được giữ vững, ổn định. Đây là một trong các điều kiện thuận lợi tạo đà để giúp tỉnh có được nhiều thành tựu trong những năm tiếp theo”-Bí thư Nguyễn Tấn Hưng khẳng định với PLVN.
- Để phát triển kinh tế - xã hội, việc đẩy mạnh cải cách hệ thống hành chính thể chế là rất cần thiết, vậy xin ông cho biết công tác này được tỉnh thực hiện ra sao và đã đúc kết được những kinh nghiệm gì?
- Công tác cải cách hành chính đã được tỉnh triển khai toàn diện trên cả 5 nội dung là cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hành chính Nhà nước.
Song, có thể nói, từ khi thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” theo quy định của Thủ tướng Chính phủ đến nay đã có bước chuyển căn bản trong quan hệ về thủ tục giải quyết công việc giữa cơ quan hành chính Nhà nước với các tổ chức và công dân, được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo người dân vì đã giảm phiền hà và đỡ tốn kém so với trước đây; các loại hồ sơ, thủ tục, thời gian giải quyết, phí, lệ phí được niêm yết công khai minh bạch giúp người dân dễ dàng hơn trong việc lập hồ sơ.
Song song với việc triển khai thực hiện rà soát hệ thống thủ tục hành chính theo từng lĩnh vực theo Đề án 30, UBND tỉnh cũng đã có quy định về việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức, thiết lập địa chỉ trang web để tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị về thủ tục hành chính và thành lập Tổ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, trong đó có những vướng mắc về thủ tục hành chính.
Cải cách hệ thống hành chính thể chế là lĩnh vực có nhiều khó khăn, phức tạp, có khi đụng chạm đến lợi ích cục bộ của một số cơ quan và một bộ phận cán bộ công chức có quyền hành, do đó phải có sự chỉ đạo đồng bộ của cả hệ thống chính trị.
Cấp ủy, chính quyền có quyết tâm mới đạt được hiệu quả mong muốn, đặc biệt là nhận thức và quyết tâm cao trong chỉ đạo điều hành của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Phải có lực lượng cán bộ công chức giỏi, có kinh nghiệm, hiểu biết pháp luật, có tâm huyết và sự nhiệt tình, hiểu rõ mục tiêu cải cách hành chính của Chính phủ, để giúp lãnh đạo đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung cải cách hành chính, đồng thời phải thấu hiểu được tâm tư nguyện vọng của tổ chức và công dân khi đến quan hệ với cơ quan hành chính nhà nước; kết hợp chặt chẽ cải cách hành chính với cải cách tư pháp tạo môi trường, điều kiện để cải cách về kinh tế ngày càng đạt hiệu quả cao hơn...
Tạo mọi điều kiện cho cơ quan tư pháp
- Ông vừa nói, cần kết hợp chặt chẽ giữa cải cách hành chính với cải cách tư pháp, vậy ông đánh giá như thế nào về vai trò của cơ quan Tư pháp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?
- Theo tôi, các cơ quan Tư pháp cấp tỉnh, cấp huyện và công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Cụ thể, đã phối hợp với một số cơ quan liên quan trong việc tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành các văn bản, chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào Bình Phước nhằm khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực lao động... một cách khoa học, hợp lý, tiết kiệm.
Để ngành Tư pháp phát triển xứng tầm trong tương lai, thời gian qua, tỉnh đã có những chủ trương, định hướng và chỉ đạo trong việc đầu tư cho cơ quan Tư pháp từ tỉnh xuống tới xã về cơ sở vật chất, tổ chức biên chế, quy hoạch đào tạo...
Hiện biên chế cho cơ quan Tư pháp đã được bổ sung và quan tâm hơn trước, một số cán bộ, công chức được quy hoạch vào chức vụ, chức danh quản lý. Tỉnh đã và đang quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan Tư pháp nói riêng và các cơ quan trên địa bàn tỉnh nói chung.
Cụ thể, Tỉnh ủy đã yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành liên quan, phối hợp với Ban thường vụ các huyện, thị ủy trong việc chỉ đạo củng cố, kiện toàn tư pháp cấp xã. Còn theo Đề án Tỉnh thì từ năm 2010 đến cuối năm 2018, tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều có 2-3 cán bộ tư pháp - hộ tịch; Đến cuối năm 2020, 100% công chức tư pháp - hộ tịch có trình độ trung cấp Luật trở lên (trong đó có 50% công chức tư pháp - hộ tịch có trình độ Đại học).
Nhằm phát huy hơn nữa vai trò, vị trí của cơ quan Tư pháp, trong thời gian tới, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo và tạo điều kiện về mọi mặt đối với cơ quan tư pháp, để cơ quan tư pháp thực sự là “cánh cổng” của UBND cùng cấp nhằm phát triển kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng trên địa bàn tỉnh.
Xem trọng công tác kiểm tra, giám sát
- Về công tác xây dựng Đảng, triển khai, học tập các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, nhiệm vụ của địa phương đã được tỉnh triển khai thực hiện ra sao, thưa ông?
- Xác định công tác triển khai, học tập các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, nhiệm vụ của địa phương (gọi tắt là triển khai, học tập Nghị quyết) đóng vai trò rất quan trọng, quyết định sự thành công của việc đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Vì vậy, Tỉnh ủy Bình Phước luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác triển khai, học tập nghị quyết nghiêm túc, bài bản và có những bước đổi mới, góp phần quan trọng vào việc tổ chức thực hiện hiệu quả các Nghị quyết.
Theo đó, khi Trung ương hoặc tỉnh có Nghị quyết, Tỉnh ủy kịp thời xây dựng kế hoạch chỉ đạo triển khai nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện trong toàn Đảng bộ, bám sát hướng dẫn của Trung ương và tình hình thực tế của địa phương.
Hầu hết các đơn vị đều phân công đồng chí Bí thư, các đồng chí trong cấp ủy hoặc lãnh đạo chủ chốt trực tiếp triển khai, truyền đạt Nghị quyết theo tinh thần Thông báo Kết luận 169-TB/TW, ngày 2/8/2008 của Bộ Chính trị (khóa X). Do đó, có sự liên hệ chặt chẽ giữa nội dung Nghị quyết với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị và có điều kiện đi vào những vấn đề cơ bản mà cấp ủy quan tâm, góp phần nâng cao ý thức của cán bộ, đảng viên, trách nhiệm của cấp ủy, trước hết là đồng chí Bí thư trong triển khai, học tập Nghị quyết.
Cũng cần khẳng định rằng, cấp ủy các cấp trong tỉnh Bình Phước rất coi trọng công tác kiểm tra, giám sát bởi vì kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng. Có thể nói, lãnh đạo mà không có kiểm tra, giám sát thì coi như không có lãnh đạo vì như Bác Hồ đã nói: “Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”.
- Trân trọng cảm ơn ông!