Thông tin tại buổi làm việc, ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư tỉnh ủy tỉnh Bình Định cho biết: Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt thì định hướng đến năm 2030, Bình Định sẽ trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ của Việt Nam; là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía Nam của Vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển cũng như trọng điểm của du lịch quốc gia và quốc tế.
Ngoài ra, kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và xanh hơn dựa trên các trụ cột tăng trưởng bao gồm công nghiệp; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ du lịch; cảng biển - logistics và đô thị hóa. Do đó, Bình Định cũng sẽ trở thành trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của Việt Nam.
|
Quang cảnh buổi làm việc |
"Tỉnh sẽ tiếp tục tập trung ưu tiên đầu tư cho giai đoạn phát triển mới, vận dụng sáng tạo những tiến bộ khoa học kỹ thuật và thành tựu trong xây dựng, phát triển của các địa phương trong nước và thế giới để có những bước đột phá nhằm xây dựng tỉnh Bình Định ngày càng phồn vinh, giàu đẹp" - ông Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh.
Được biết, toàn tỉnh Bình Định có 91 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký trên 1,19 tỷ USD của các doanh nghiệp đầu tư đến từ 22 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, có 4 dự án đầu tư từ các doanh nghiệp CHLB Đức, với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 60,5 triệu USD đang hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách địa phương, chủ yếu thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nổi bật là dự án Nhà máy sản xuất nhũ và màng mỏng công nghệ cao của Tập đoàn KURZ, vốn đầu tư 45,39 triệu USD, đã đi vào hoạt động giai đoạn 1 (tháng 9/2023).
Mặc dù vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng năm 2024 của các doanh nghiệp tỉnh Bình Định sang Đức ước đạt gần 48 triệu USD (tăng gần 47% so với cùng kỳ năm 2023), trong khi tổng kim ngạch nhập khẩu 9 tháng năm 2024 từ Đức ước đạt hơn 4 triệu USD (giảm hơn 70% so với cùng kỳ năm 2023).
Qua đây, ông Hồ Quốc Dũng cũng mong muốn Đại sứ CHLB Đức Helga Margarete Barth quan tâm hỗ trợ, giúp tỉnh Bình Định thiết lập quan hệ hợp tác cấp địa phương với các địa phương của Đức, cũng như thúc đẩy các hoạt động hợp tác đầu tư, phát triển thương mại và du lịch, nhất là đối với các lĩnh vực mà Đức có tiềm năng, thế mạnh (năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế tạo, logistics…).
|
Bí thư tỉnh ủy tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng (đứng giữa) và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn (ngoài cùng bên phải) tặng quà lưu niệm cho bà Helga Margarete Barth. |
Ngoài ra, tỉnh Bình Định cũng đang tích cực xúc tiến các thủ tục liên quan để Tập đoàn PNE sớm triển khai Dự án điện gió ngoài khơi, với công suất dự kiến là 2.000MW, vốn đầu tư 4,6 tỷ USD. Do đó, tỉnh Bình Định hi vọng Đại sứ CHLB Đức quan tâm, thúc đẩy để Dự án điện gió ngoài khơi của Tập đoàn PNE được triển khai thuận lợi và thành công.
Chia sẻ tại buổi làm việc, bà Helga Margarete Barth - Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam cho biết, tỉnh Bình Định là địa phương đầu tiên bà đến thăm sau khi đảm nhận chức vụ mới tại Việt Nam. Với nhiều tiềm năng, lợi thế, Bình Định đang là điểm đến đầu tư an toàn, hiệu quả dành cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư đến từ Đức.
Theo đó, Đại sứ Helga Margarete Barth cũng cam kết sẽ làm cầu nối, giới thiệu các nhà đầu tư Đức đến tìm kiếm cơ hội và đầu tư tại tỉnh.
|
Bà Helga Margarete Barth - Đại sứ Cộng hoà Liên bang (CHLB) Đức tại Việt Nam |
Được biết, trong buổi chiều cùng ngày, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định cũng đã tham dự Lễ khai trương văn phòng tập đoàn PNE tại TP Quy Nhơn, Tập đoàn tiên phong trong lĩnh vực điện gió tại Đức, hoạt động trên quy mô toàn cầu và là một trong những nhà phát triển trang trại điện gió ngoài khơi và trên bờ có nhiều kinh nghiệm.
Từ năm 2019, Tập đoàn PNE đã đăng ký nghiên cứu, khảo sát đầu tư dự án điện gió ngoài khơi tại tỉnh Bình Định (dự án nhà máy điện gió ngoài khơi Hòn Trâu) với quy mô công suất 2.000 MW, được chia thành 3 giai đoạn với tổng mức đầu tư khoảng 4,6 tỷ USD (mỗi giai đoạn dự án đầu tư khoảng hơn 1,5 tỷ USD).
Dự kiến, sau khi hoàn thành đưa vào vận hành phát điện, mỗi năm dự án sẽ cung cấp khoảng 7,1 tỷ kWh điện cho hệ thống lưới điện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phục vụ phát triển kinh tế địa phương và khu vực, đóng góp nguồn thu ngân sách hàng năm cho tỉnh ước tính khoảng 1.600 tỷ đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh Bình Định và hiện thực hóa chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030 đã được phê duyệt.
|
Các đại biểu cắt băng khai trương Văn phòng tập đoàn PNE tại TP Quy Nhơn (Bình Định) |
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết, đây là dự án có quy mô lớn và mang lại nhiều lợi ích cho cả Bình Định và Tập đoàn PNE. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn mong muốn bà Helga Margarete Barth - Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam tiếp tục đồng hành với tỉnh trong việc đẩy nhanh tiến độ của Dự án điện gió ngoài khơi và khẳng định quyết tâm “theo tới cùng” đối với Dự án này của lãnh đạo tỉnh.
Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cũng mong muốn Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam) tiếp tục quan tâm phối hợp thực hiện các nội dung theo Bản ghi nhớ hợp tác mà hai bên đã ký kết; nhất là việc hỗ trợ, tạo điều kiện để tỉnh Bình Định cung cấp, giới thiệu, quảng bá các thông tin tiềm năng, thế mạnh, KKT, KCN, chính sách thu hút đầu tư, danh mục dự án mời gọi đầu tư... đến các nhà đầu tư CHLB Đức; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh Bình Định được tiếp cận hoặc được giới thiệu, quảng bá các mặt hàng có thế mạnh vào thị trường CHLB Đức và ngược lại. Đối với Dự án điện gió ngoài khơi của Tập đoàn PNE, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành với tỉnh Bình Định và Tập đoàn PNE để dự án được khởi động trong thời gian sớm nhất.