"Lao động ngoại" bốc vác, rửa chén "đội lốt" trình độ cao

 Tính đến thời điểm hiện tại, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM đã cấp  gần 22 ngàn lượt giấy phép cho lao động nước ngoài đến từ 73 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên con số đó chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”... 

Tính đến thời điểm hiện tại, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM đã cấp  gần 22 ngàn lượt giấy phép cho lao động nước ngoài đến từ 73 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, con số đó chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”... 
Hiện đang có 7.000 lao động người châu Phi làm việc tại TP.HCM.
Hiện đang có 7.000 lao động người châu Phi làm việc tại TP.HCM.

Phổ thông “đội lốt” trình độ cao

Số lao động người nước ngoài đến làm việc TP.HCM ngày càng gia tăng, năm sau luôn cao hơn năm trước, nhất là lao động của Trung Quốc và một số nước châu Phi. Nếu như năm 2005 chỉ có chưa đầy 3.000 lao động mang quốc tịch các nước châu Phi đến làm việc tại TP.HCM thì đến năm 2007 đã tăng lên hơn 4.000 người và đến nay khoảng 7.000 người. Lao động nước ngoài đến thành phố làm đủ thứ nghề, từ giáo dục, in, giày da, may mặc đến thợ hồ, bốc vác, rửa chén bát...

Trong số 22 ngàn lao động người nước ngoài được cấp phép tại TP.HCM thì có tới 67,4% là có trình độ từ đại học trở lên, số còn lại đều có trên 5 năm kinh nghiệm. Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Dân - Trưởng phòng Lao động tiền lương, tiền công thuộc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, lao động người nước ngoài có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, có kinh nghiệm đến Việt Nam làm việc là điều đáng mừng.

Tuy nhiên, theo bà Dân, trong một số trường hợp có thể xuất hiện lao động phổ thông “đội lốt” lao động có chất lượng để vào Việt Nam. Đơn cử, đã xuất hiện việc người nước ngoài hay doanh nghiệp sử dụng lao động người nước ngoài nhờ các doanh nghiệp quen biết, thậm chí doanh nghiệp không tồn tại ở nước ngoài chứng nhận kinh nghiệm của lao động người nước ngoài để hợp thức hóa bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động.

Theo quy định của pháp luật thì lao động người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam phải có trình độ đại học trở lên, hoặc người có kỹ thuật cao, nhiều kinh nghiệm (ít nhất 5 năm). Mặc dù vậy, lao động phổ thông từ các nước châu Phi vào TP.HCM đang có xu hướng gia tăng mà cơ quan chức năng chưa có biện pháp quản lý chặt chẽ và hiệu quả.

Tính chất và mức độ vi phạm gia tăng

Một cuộc khảo sát mới đây của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tại 17 doanh nghiệp có sử dụng lao động người nước ngoài trên địa bàn một số quận, huyện như Tân Phú, Gò Vấp, Bình Tân… cho thấy, đa phần người lao động đến từ Châu Phi là lao động phổ thông, trực tiếp bốc xếp, đóng hàng kiêm tiếp thị… Thậm chí là lao động thời vụ. Nhiều trường hợp có dấu hiệu lợi dụng việc cấp giấy phép lao động để được cư trú tại Việt Nam lập “doanh nghiệp ma”…

Trao đổi với Pháp Luật Việt Nam, ông Nguyễn Văn Hiệp- Phó chánh Thanh tra sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết: “Tính chất và mức độ vi phạm về sử dụng lao động nước ngoài trên địa bàn có xu hướng gia tăng. Trong 6 tháng đầu năm 2011, Thanh tra đã tiến hành kiểm tra 40 doanh nghiệp có sử dụng lao động nước ngoài thì có tới hàng chục lao động chưa được hoặc không thuộc diện được cấp giấy phép lao động. Đặc biệt có những doanh nghiệp dù đã bị xử phạt, nhưng vẫn tái phạm…”.

Theo nhận định của nhiều người, con số người lao động nước ngoài làm việc “chui” trên địa bàn thành phố lớn hơn rất nhiều con số được cấp phép. Trong khi đó do lực lượng mỏng nên Thanh tra sở LĐ-TB&XH vẫn không thể kiểm tra được thường xuyên và bao quát. Bên cạnh đó, còn có tình trạng những nơi có sử dụng lao động nước ngoài không chịu hợp tác, dấu diếm hoặc khai báo sai với cơ quan chức năng…

Sau khi Nghị định 46/2011/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, UBND TP. Hồ Chí Minh đã tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý người nước ngoài nhập cảnh trái phép, cư trú không đăng ký khai báo, đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức doanh nghiệp, cơ sở… sử dụng lao động nước ngoài không phép. Tuy nhiên về lâu dài, theo bà Nguyễn Thị Dân, cần phải có cơ chế, chính sách để doanh nghiệp nâng cao ý thức tuyển dụng lao động Việt Nam, mặt khác lao động Việt Nam  nâng cao chấp lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường .                                                                                                        

Ngọc Quý

Đọc thêm