Lao động người Việt kể những ngày trốn chạy ở Lybia

Hoảng loạn, hoang mang và sợ hãi đó là tâm trạng chung của những lao động người Việt khi kể về những tháng ngày họ sống chui lủi, trốn chạy khỏi các trại tị nạn ở Libya.

Hoảng loạn, hoang mang và sợ hãi đó là tâm trạng chung của những lao động người Việt khi kể về những tháng ngày họ sống chui lủi, trốn chạy khỏi các trại tị nạn ở Libya.

“Gần một tuần nay, nhóm lao động người Việt của chúng tôi phải sống trong một khu lán trại nhỏ trước khi được di tản tới khu vực gần sân bay Tripoli để làm thủ tục xuất cảnh về nước. Cảnh ăn uống, sinh hoạt rất kham khổ. Ở đây, nước uống còn quý hơn cả vàng. Mọi người phải dành dụm, tiết kiệm uống từng giọt để chống đỡ qua ngày” anh Võ Văn Quyền, lao động người Việt quê ở Nam Đàn, Nghệ An chia sẻ.

Những người lao động đầu tiên may mắn được lên máy bay di chuyển khỏi Libya.

Theo lời của anh Quyền, hiện ở sân bay Tripoli có hàng nghìn người tập trung. Phòng chờ, nhà khách lẫn hành lang, đại sảnh của sân bay đã đông nghịt người. Dòng người đổ về sân bay mỗi người một đông trong khi đó các nhân viên đang làm việc ở sân bay lại quá ít để có thể giải quyết hết thủ tục cho tất cả mọi người.

Anh Quyền đi xuất khẩu lao động sang Libya từ cuối tháng 1. Vừa "chân ướt chân ráo" sang nước bạn đã phải chen chân giành giật kéo ba lô đồ đạc về nước. Trên người ngoài chiếc điện thoại cục gạch và mấy bộ quần áo lao động thì không có gì giá trị. Số tiền mà gia đình anh vay nợ hàng xóm, bạn bè và ngân hàng để lo cho anh sang đi xuất khẩu lao động đến nay cũng hết sạch trơn trong khi đó anh vẫn chưa nhận được một đồng lương nào từ phía công ty lao động.

Anh Đỗ Văn Dương, quê ở Chưprong, huyện Gia Lai vẫn chưa hết bàng hoàng trước sự việc vừa diễn ra nhớ lại: Lúc đoàn chúng tôi được chở trên xe đi về nơi tập kết ở sân bay, qua tivi, bản tin đài địa phương chúng tôi thấy hình ảnh bạo loạn ở Libya thật đáng sợ. Dòng người chen lấn, xô đẩy, tranh giành, cướp bóc, dẫm đạp rất hỗn loạn. Lực lượng cảnh sát ở Libya dường như bất lực trước cuộc biểu tình bạo loạn của người dân nơi đây.

“Tại sân bay Tripoli, cách nơi xảy ra bạo loạn khoảng 50km có rất nhiều du khách và người lao động người Việt Nam, Mĩ, Anh, Pháp cũng đang nằm vật vờ ở các góc sân bay chờ đợi. Rác thải bao quanh sân bay đã bắt đấu bốc mùi khó chịu” anh Dương nói.

Theo lời kể của nhiều lao động người Việt vừa từ Libya về nước thì, tại sân bay Tripoli - nơi trung chuyển để bay sang Malta có nhiều người đã bị đánh đập, chửi bới do gây rối an ninh trật tự. Nhiều cặp vợ chồng người nước ngoài là du khách tới Libya cũng rơi vào trạng thái hoảng loạn, sợ hãi. Nhiều phụ nữ đã ôm mặt rưng rưng khóc vì lo sợ.

Những cuộc điện thoại, những dòng tin nhắn qua email là phương tiện duy nhất để liên lạc với những người thân ở quê nhà tuy nhiên đến nay cũng đã mất dần tín hiệu vì nhiều lí do khác nhau. Giao thông đi lại dường như chỉ diễn ra một chiều là tập trung hướng về các sân bay, biên giới để nhằm tháo chạy thoát khỏi Libya.

“Em mới sang Libya làm việc khoảng 1 tháng. Đến thời điểm này em vẫn chưa nhận được bất cứ một đồng lương nào từ chủ lao động. Họ cũng đã bỏ mặc người lao động và tìm cách tháo chạy về các vùng miền khác”, Dương bộc bạch.

Anh Nguyễn Thế Hiệp, quê ở Hải Dương cho biết, thu nhập của anh hiện khoảng 8-10 triệu/tháng. Sau 3 hôm di tản và ngồi chờ ở sân bay 2 ngày đến nay anh mới về đến Việt Nam. “Dòng người chen lấn, xô đẩy nhau rất hỗn loạn ở Libya. Đây giống như một trại tị nạn. Rất đáng sợ. Tình hình chính trị rất bất ổn, công an lại rất mỏng trong khi người biểu tình, bạo loạn rất nhiều”, anh Hiệp cho biết.

Nhớ lại những tháng ngày sống trong bạo loạn ở Libya, ông Đặng Toan, 50 tuổi, quê ở Hà Tĩnh cho biết: “Tôi làm việc ngoài công trường cả ngày mặc dù trụ sở công trình cách nơi bạo loạn khoảng 15-20 km nhưng cũng rất bất ổn. Công ty là chủ đầu tư đã phải thuê cảnh sát đến bảo vệ công trình nơi chúng tôi đang làm việc để đề phòng tình huống khẩn cấp xảy ra. Tuy nhiên không được bao lâu thì lực lượng cảnh sát cũng được rút đi vì họ phải tăng cường cho các vùng nóng khác. Từ đó, người lao động phải tìm cách tự lo cho mình”.

Rất nhiều lao động làm việc ở Libya khi được hỏi đều cho biết, bạo loạn ở Libya rất đáng sợ. Nhiều công trình lao động có người Việt đang làm đã bị cướp bóc, phá hoại. Người lao động bị đẩy vào các trại tị nạn gần đó sống trong cảnh chen chúc, vật vờ. Không ít lao động người nước ngoài đã phải tìm cách bỏ trại, trốn chạy ra ngoài để thoát thân trốn ở các nhà thờ, dưới các cống rãnh và ẩn nấp ở những chỗ hôi thối, bẩn thỉu để không bị cướp bóc.

Trên các con phố ở Libya lực lượng cảnh sát được trang bị vũ khí nóng, xe tăng, xe bọc thép được dàn hàng ngang, hàng dọc nhằm ngăn chặn làn sóng người biểu tình quá khích song mọi nỗ lực đều tỏ ra vô vọng. “Người Libya sẽ đánh, giết mình nếu mình tỏ thái độ và có hành vi chống cự lại, phản đối lại họ. Cách tốt nhất là nên bình chân như vại và không nên tham gia vào bất cứ hoạt động hò hét, la ó, phản đối nào trong dòng người biểu tình trên đường phố”, một lao động đưa ra lời khuyên.

Theo VTCnews

Đọc thêm