Luật gia Bùi Đức Độ trả lời: Theo Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của HĐTPTANDTC hướng dẫn áp dụng một số Quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng: “Nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm, người bị thiệt hại có thu nhập thực tế, nhưng do sức khỏe bị xâm phạm họ phải đi điều trị và do đó khoản thu nhập thực tế của họ bị mất hoặc bị giảm sút, thì họ được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút đó”.
Việc xác định thu nhập thực tế của người bị thiệt hại như sau: (1) Nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm, người bị thiệt hại có thu nhập ổn định từ tiền lương trong biên chế, tiền công từ hợp đồng lao động thì căn cứ vào mức lương, tiền công của tháng liền kề trước khi người đó bị xâm phạm sức khỏe nhân với thời gian điều trị để xác định khoản thu nhập thực tế của người bị thiệt hại; (2) Nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm, người bị thiệt hại có làm việc và hàng tháng có thu nhập thực tế nhưng mức thu nhập của các tháng khác nhau, thì lấy mức thu nhập trung bình của 6 tháng liền kề (nếu chưa đủ 6 tháng thì của tất cả các tháng) trước khi sức khỏe bị xâm phạm nhân với thời gian điều trị để xác định thu nhập thực tế của người bị thiệt hại; (3) Nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm, người bị thiệt hại có thu nhập thực tế, nhưng không ổn định và không thể xác định được, thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại nhân với thời gian điều trị để xác định khoản thu nhập thực tế của người bị thiệt hại.
Hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn cách tính cụ thể mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại ở địa phương, ví dụ như lao động làm thuê tự do (nay làm việc này, mai làm việc khác, tiền công mỗi ngày cũng khác nhau) như trường hợp của ông thì Tòa án sẽ căn cứ vào khảo sát mức tiền công cùng loại mà người bị thiệt hại lao động để tính mức trung bình.