Trao quyền cho địa phương trong hoạt động XKLĐ
Theo tờ trình của Chính phủ, kể từ khi Luật số 72 về Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Luật số 72) được QH khóa XI ban hành năm 2006 và có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2007 đến nay, số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm tăng đáng kể; trung bình mỗi năm có hơn 80.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Đặc biệt, trong 5 năm gần đây, mỗi năm có trên 130.000 người lao động ra nước ngoài làm việc, góp phần đáng kể nâng cao thu nhập, đời sống của người dân; cải thiện chất lượng nguồn lao động thông qua một bộ phận lao động tiếp cận với máy móc và công nghệ tiên tiến, cơ chế quản lý hiện đại, tác phong công nghiệp, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.
Tuy nhiên, cùng với quá trình hội nhập quốc tế và việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới, sự hình thành khối cộng đồng kinh tế ASEAN cho phép tự do di chuyển trong khối ASEAN dẫn đến việc xuất hiện nhiều hình thức hợp tác, dịch chuyển lao động mới trong thời gian gần đây chưa được quy định trong Luật số 72, gây khó khăn trong việc hướng dẫn thi hành Luật và công tác quản lý nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Cùng với đó, qua tổng kết thi hành Luật số 72, một số quy định phát sinh các vướng mắc như điều kiện cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; quy định về tiền môi giới, tiền dịch vụ, tiền ký quỹ của người lao động chưa phản ánh đúng bản chất và xu hướng chung của các tiêu chuẩn lao động quốc tế...
Trong số những điểm mới của Dự thảo Luật có việc sửa đổi, bổ sung đối tượng ký kết các loại hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài là đơn vị sự nghiệp được Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao nhiệm vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Dự thảo Luật cũng đã bổ sung các quy định nhằm bảo đảm minh bạch và nâng cao điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài…
Thẩm tra Dự án Luật, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH đề nghị Ban Soạn thảo quan tâm một số vấn đề, trong đó có việc Dự thảo Luật chưa làm rõ được yêu cầu tạo thuận lợi, hỗ trợ, bảo vệ đối với người lao động mà thiên về việc “bảo vệ” đối với cơ quan quản lý nhà nước.
Về các nội dung lớn của Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng các nội dung về quản lý nhà nước; các hành vi bị nghiêm cấm; nội dung hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hợp đồng cung ứng lao động; đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp đưa người lao động đi theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề; cấp giấy chứng nhận tham gia bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc tại nước ngoài… cần được tiếp tục nghiên cứu, giải trình, chỉnh lý và hoàn thiện.
Cần đánh giá kỹ tác động của Luật
Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến phát biểu của UBTVQH nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật, đồng thời nhấn mạnh việc ban hành Luật cần hướng tới thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; bảo đảm mọi hình thức đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đều được điều chỉnh trong Luật...
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị đặc biệt quan tâm đến hoạt động của ngành nghề đưa lao động ra nước ngoài làm việc trong bối cảnh lao động giản đơn hiện đang dần được thay thế bởi robot, hướng đến ngành nghề có giá trị gia tăng cao hơn. Chủ tịch QH cũng cho rằng cần phải thiết kế trong luật để bảo vệ người lao động cũng như chính sách cho người lao động khi quay trở về nước thay vì chỉ tập trung vào các quy định để đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài…
Chủ tịch QH nhấn mạnh Dự thảo Luật bên cạnh việc cải cách thủ tục hành chính tạo minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp đưa lao động đi nước ngoài làm việc cũng cần quy định chặt chẽ điều kiện kinh doanh và xử lý nghiêm các hành vi trục lợi bất chính, vô trách nhiệm, bỏ rơi người lao động.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng đề nghị cần đánh giá tác động kỹ lưỡng các nội dung của Luật, nhất là trong thời điểm thế giới có nhiều biến động, khó lường, phức tạp, khó đoán định về kinh tế, quan hệ cung – cầu, tác động sau đại dịch Covid-19.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh đây là những vấn đề cần được cập nhật trong quá trình xây dựng Luật này, Tờ trình và Báo cáo thẩm tra cần có đánh giá dự báo để kịp thời bảo vệ quyền lợi người Việt Nam lao động ở nước ngoài, phù hợp với luật pháp quốc tế, chủ động thích ứng và gắn kết trong quan hệ kinh tế quốc tế, cân nhắc thận trọng phù hợp với tình hình mới, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội trong chuyển đổi nền kinh tế. Cùng với đó là tiếp tục rà soát, đánh giá tác động chính sách, lấy ý kiến các doanh nghiệp, chính quyền địa phương.