Lấy chồng ngoại phải có “giấy phép”

 38.000 trường hợp phụ nữ Việt Nam đã “lách luật” kết hôn với nam giới Hàn Quốc. Để tránh tiêu cực, một số ý kiến đang đề xuất, phải thiết lập thủ tục cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện kết hôn cho công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài.
38.000 trường hợp phụ nữ Việt Nam đã “lách luật” kết hôn với nam giới Hàn Quốc. Để tránh tiêu cực, một số ý kiến đang đề xuất, phải thiết lập thủ tục cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện kết hôn cho công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài.

Biểu tình phản đối một vụ sát hại cô dâu Việt tại Hàn Quốc.

95% cô dâu Việt đăng ký kết hôn tại Hàn Quốc

Pháp luật của một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản… không yêu cầu hai bên kết hôn phải có mặt khi đăng ký kết hôn (ĐKKH) nên rất nhiều trường hợp chị em phụ nữ Việt Nam đã chuyển hồ sơ sang nước ngoài (đa số là Hàn Quốc) để làm thủ tục ĐKKH, sau đó làm thủ tục công nhận ở Việt Nam thông qua thủ tục ghi chú.

Việc ĐKKH theo quy trình trên khá đơn giản bởi phía công dân Việt Nam chỉ gửi hồ sơ (bao gồm Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, bản sao Giấy chứng minh nhân dân, bản sao Sổ hộ khẩu gia đình) để phía công dân Hàn Quốc đăng ký vào sổ hộ tịch, chứ không trực tiếp sang Hàn Quốc để làm thủ tục ĐKKH.

Trong khi nếu nộp hồ sơ ĐKKH tại Sở Tư pháp ở Việt Nam thì quy trình tương đối chặt chẽ, đặc biệt là yêu cầu hai bên nam nữ phải có mặt tại Sở Tư pháp để trả lời phỏng vấn. Vì thế, rất nhiều trường hợp kết hôn giữa công dân Việt Nam và công dân Hàn Quốc đã chuyển sang làm thủ tục ĐKKH tại các cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc rồi làm thủ tục công nhận ở Việt Nam.

Theo báo cáo của các Sở Tư pháp, từ ngày 1/1/2005 – 31/12/2010, cả nước có gần 38 nghìn trường hợp phụ nữ Việt Nam kết hôn với nam giới Hàn Quốc theo quy trình đăng ký tại Hàn Quốc, chiếm 95% trong tổng số các cô dâu người Việt lấy đàn ông Hàn Quốc.

Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp (Bộ Tư pháp) Trần Thất phân tích, việc kết hôn vắng mặt phía công dân Việt Nam tại Hàn Quốc đã phát sinh không ít tiêu cực khi mà chị em ít có cơ hội tìm hiểu người chồng tương lai của mình. “Đa số các trường hợp hôn nhân đổ vỡ, bất hạnh mà báo chí đã nêu trong thời gian qua đều là các trường hợp kết hôn vắng mặt phía phụ nữ Việt Nam tại Hàn Quốc. Chẳng hạn như 3 cô dâu Việt bị sát hại là Huỳnh Thị Mai, Thạch Thị Hoàng Ngọc, Hoàng Thị Nam” – ông Thất dẫn chứng.

Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những hệ lụy của việc kết hôn vắng mặt phía công dân Việt Nam trước cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, nhiều ý kiến đồng tình rằng phải quy định chặt chẽ việc cấp các loại giấy tờ mà công dân Việt Nam cần phải có để gửi sang cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ĐKKH vắng mặt. Theo ông Thất, có thể là bổ sung quy định về việc cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện kết hôn cho công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

Kiểm chứng ra sao với Giấy xác nhận đủ điều kiện?

Trình tự giải quyết việc cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện kết hôn yêu cầu phải qua thủ tục phỏng vấn để làm rõ về sự tự nguyện kết hôn, mức độ hiểu biết về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, tập quán, pháp luật về hôn nhân và gia đình của nước mà đương sự dự định kết hôn với công dân nước này (thủ tục phỏng vấn trong giải quyết yêu cầu công nhận việc kết hôn đã tiến hành trước cơ quan có thẩm quyền nước ngoài dự kiến sẽ được bỏ theo Nghị quyết số 52/NQ-CP). Đây là quy định đòi hỏi những người có dự định kết hôn với người nước ngoài có ý thức trong việc chuẩn bị tâm lý, trang bị những kiến thức cơ bản ban đầu trước khi làm thủ tục kết hôn với người nước ngoài.

Ngược lại, một số ý kiến tuy ủng hộ việc sửa đổi nhưng đề nghị nghiên cứu kỹ để có tính áp dụng chung, chứ không mang tính riêng biệt cho bất kỳ nước nào, dù phụ nữ Việt chủ yếu kết hôn với công dân nước đó. Đại diện Bộ Ngoại giao cho rằng tiêu cực không nảy sinh từ thủ tục, mà bắt nguồn từ những bất đồng về ngôn ngữ, tình cảm, tâm sinh lý… Hơn nữa, Giấy xác nhận đủ điều kiện kết hôn chỉ có giá trị trong vòng 6 tháng thì ai giám sát trong thời gian 6 tháng ấy cô gái sẽ không kết hôn với người khác. “Về mặt cải cách thủ tục hành chính, việc sửa đổi này càng tạo thêm khó khăn cho đương sự”.

Từ góc độ địa phương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP. Hà Nội Phạm Xuân Phương nêu băn khoăn: Việc thay Giấy xác nhận độc thân bằng Giấy xác nhận đủ điều kiện kết hôn đã đặt ra các yêu cầu nhưng lại không có gì để kiểm chứng. Theo ông Phương, với Giấy xác nhận đủ điều kiện thì ngoài xác nhận về độ tuổi, chưa vợ chưa chồng, có bệnh thần kinh hay không… thì các điều kiện khác sẽ phải xác nhận như thế nào? “Nếu làm theo quy định sửa đổi trên là rất khó” – ông Phương e ngại.

Thục Quyên

Đọc thêm