Trước khi Quốc hội tiến hành nội dung quan trọng này, các Đại biểu Quốc hội đã chia sẻ về những tiêu chí mà họ sẽ áp dụng để đánh giá mức độ tín nhiệm của các chức danh sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm lần này.
Lấy phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm làm đầu
Theo Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa, tiêu chí đầu tiên ông xem xét khi chấm tín nhiệm cao là tinh thần trách nhiệm, thái độ làm việc của những vị này.
“Những vị được lấy phiếu tín nhiệm đều là lãnh đạo, chủ yếu làm công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành mà cái cốt lõi quyết định có thực hiện được các chủ trương, chính sách hay không là ở công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Có được sự tín nhiệm của người dân hay không cũng là trong vấn đề này. Vận mệnh của đất nước thành bại, tốt xấu, đạt được hay không cũng là ở tinh thần trách nhiệm trong chỉ đạo điều hành. Tôi sẽ đặt đây là tiêu chí hàng đầu để đặt phiếu tín nhiệm cao”, Đại biểu Hòa cho hay.
Tiêu chí thứ 2 sẽ được ông chấm điểm cao là phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch.
Trong phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nêu rõ đây là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm.
Chủ tịch Quốc hội cũng đã đề nghị các đại biểu Quốc hội trên cơ sở lắng nghe ý kiến của cử tri, từ thực tiễn theo dõi, giám sát của mình sẽ thực hiện việc đánh giá với tinh thần trách nhiệm, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm.
Theo vị Phó đoàn Đồng Tháp, những người mà ông sẽ đánh giá phiếu tín nhiệm thấp là những vị mà thời gian qua Đại biểu Quốc hội đã chất vấn, các vị đó đã hứa tổ chức thực hiện mà tổ chức thực hiện chưa đến nơi đến chốn hoặc hứa suông, hứa để cho qua.
"Tôi cho rằng đó là những lời hứa suông nói nôm na đó là những lời nói dối với đại biểu, cử tri”, ông Hòa nói.
Tuy nhiên, Đại biểu Hòa cũng đồng tình với quan điểm cho rằng với những tư lệnh ngành nắm giữ lĩnh vực nóng hay nổi lên những vụ việc dư luận quan tâm cần có cái nhìn khách quan, kỹ lưỡng hơn.
“Có những vị hiện đang có những dư luận đánh giá, có băn khoăn thì tôi sẽ tìm hiểu việc làm của các vị đó trong cơ quan đơn vị, đặc biệt là theo dõi sát sao những vấn đề các vị đó trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội, cử tri”, Đại biểu Hòa cho biết thêm.
Vẫn theo vị Đại biểu này, phần lớn những người dự kiến sẽ được lấy phiếu tín nhiệm lần này sẽ được ông chấm tín nhiệm cao nhưng vẫn có những người ông sẽ chấm tín nhiệm thấp.
“Tôi nghĩ rằng với trách nhiệm, với sự công tâm, khách quan, trung thực, các Đại biểu Quốc hội sẽ đánh giá rất khách quan, trung thực từng vị đó để họ phát huy vai trò, trách nhiệm của mình với Đại biểu Quốc hội, với cử tri; để làm tốt hơn nữa trách nhiệm với vận mệnh của đất nước. Còn với những thiếu sót thể hiện qua phiếu đánh giá tín nhiệm thấp của Đại biểu Quốc hội thì từng người đó cũng phải có suy nghĩ để điều chỉnh hoạt động trong công việc của mình, nhất là về tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ và những gì đã hứa với Quốc hội, với người dân phải làm cho được bằng được và làm cho đến nơi đến chốn”, Đại biểu Hòa nhấn mạnh.
Dựa vào tác động xã hội nhiều hơn
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (tỉnh Đồng Nai) cho hay, so với hai lần lấy phiếu tín nhiệm vào năm 2013 và 2014, lần lấy phiếu tín nhiệm này có cải tiến tích cực là các Đại biểu Quốc hội đã nhận được báo cáo của các chức danh dự kiến sẽ lấy phiếu tín nhiệm sớm để có thời gian nghiên cứu.
Báo cáo nêu kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật... của người được lấy phiếu tín nhiệm có nội dung tính từ thời điểm Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn (tháng 7/2016).
|
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc. |
Song, theo ĐBQH Dương Trung Quốc, báo cáo bao giờ cũng bao gồm những thành tích sau đó nhận một vài thiếu sót. Đây cũng là sự tự đánh giá một chiều nên không thể chỉ nhìn vào những báo cáo đó để đánh giá được việc làm của các vị sẽ được lấy phiếu tín nhiệm.
“Có lẽ vẫn cần dựa vào xã hội nhiều hơn, vào tác động xã hội để cảm nhận được kết quả làm việc của họ”, ông Quốc nói.
Còn băn khoăn về việc duy trì 3 mức tín nhiệm nhưng Đại biểu Quốc cũng cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm có sự tích cực, là sự nhắc nhở đối với các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ của họ.
Ông khẳng định sẽ đưa ra lá phiếu thật khách quan, đúng với trách nhiệm người đại biểu dân cử.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho biết, ở khóa XIII, Quốc hội cũng đã lấy phiếu tín nhiệm với các vị trí lãnh đạo do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
“Chúng ta thấy đây là việc rất tốt vì qua lá phiếu này thể hiện được năng lực, sự đóng góp của từng thành viên trong Chính phủ, giúp Chính phủ làm việc tốt hơn. Có bộ trưởng ở kỳ lấy phiếu lần thứ nhất thấp nhưng sau đó phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nên phiếu đánh giá đạt rất cao”, Đại biểu Ngân nhìn nhận.
Theo ông Ngân, thời gian qua, các thành viên Chính phủ đã nỗ lực rất nhiều. Các Ủy viên Ủy ban thường vụ QH cũng đã thể hiện sự nỗ lực, toàn tâm trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình nên chắc chắn từng Đại biểu Quốc hội sẽ thể hiện qua phiếu tín nhiệm. Điều này cũng thể hiện ở kết quả phát triển kinh tế - xã hội của chúng ta trong hơn nửa nhiệm kỳ qua đạt kết quả rất tốt.
Việc lấy phiếu tín nhiệm cũng sẽ giúp cho từng thành viên Chính phủ rà soát, kiểm tra lại những chỉ đạo, vận hành của mình để đóng góp tốt hơn nữa cho sự phát triển chung của đất nước.
Chiều nay (24/10), Quốc hội sẽ tiến hành các bước để lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy sẽ trình bày Tờ trình về dự kiến danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm. Việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được Quốc hội tiến hành bằng bỏ phiếu kín vào sáng 25/10. Kết quả kiểm phiếu sẽ được công bố vào chiều cùng ngày.
Tại kỳ họp này, dự kiến sẽ có 48 người được lấy phiếu tín nhiệm gồm: Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước. Hai trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm do chưa đủ thời gian công tác 9 tháng gồm Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Theo Trưởng ban công tác đại biểu Trần Văn Túy, việc lấy phiếu tín nhiệm là hoạt động nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội cũng như chất lượng của bộ máy nhà nước. Ngoài ra, công việc này còn giúp người được lấy phiếu thấy mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện và làm cơ sở cho tổ chức có thẩm quyền đánh giá cán bộ.
Theo quy định, Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm với 3 mức độ “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”. Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức.
Trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình cấp có thẩm quyền khởi động quy trình bỏ phiếu tín nhiệm. Lấy phiếu tín nhiệm được giải thích khác với bỏ phiếu tín nhiệm ở chỗ, lấy phiếu với 3 mức là để “đánh giá mức độ tín nhiệm” còn khi đã khởi động quy trình bỏ phiếu thì Quốc hội sẽ thể hiện sự tín nhiệm hoặc không (hai mức) đối với người được bỏ phiếu để làm cơ sở cho việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm.