"Không chỉ mình tôi, nhiều nhà nghiên cứu cũng tâm đắc về bản Hiến pháp 1946. Về kỹ thuật lập hiến, có vẻ như đây là bản hiến văn có nhiều ưu điểm hơn cả". TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội cho biết.
TS Nguyễn Sĩ Dũng. Ảnh TN |
"Thật khó nói là những thay đổi gì có thể đạt được vào lúc này. Tuy nhiên, có một vài điều đã được cân nhắc từ lâu. Đạt được thì rất tốt" - TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội trao đổi về bản Hiến pháp năm 1946 và việc sửa Hiến pháp năm 1992.
Hiến pháp trước hết là bản khế ước xã hội
Sắp tới, chúng ta sẽ kỷ niệm 65 năm bản Hiến pháp đầu tiên, Hiến pháp năm 1946. Vừa rồi, tôi có đọc một bài viết của anh nói về những điều cần học theo Hiến pháp năm 1946. Có vẻ như anh tâm đắc với bản Hiến pháp này?
Rất tâm đắc! Và không chỉ mình tôi tâm đắc, nhiều nhà nghiên cứu cũng tâm đắc như vậy. Về kỹ thuật lập hiến, có vẻ như đây là bản hiến văn có nhiều ưu điểm hơn cả.
Những ai đã giúp Cụ Hồ soạn thảo nên bản Hiến pháp này?
Tôi có biết tên một vài người trong nhóm đó, ví dụ như Luật sư Phan Anh, Trần Văn Chương, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Xiển, Đặng Thai Mai, Vua Bảo Đại.... Nói chung, đó là những người tinh hoa, học cao, biết rộng thời đó.
Điều cơ bản của Hiến pháp năm 1946 khiến anh tâm đắc so với các bản Hiến pháp năm 1959, 1989 và 1992 là gì?
Tôi không muốn so sánh, nhưng Hiến pháp năm 1946 là bản hiến văn được thiết kế rõ nhất theo những nguyên tắc của một bản khế ước xã hội. Bản khế ước xã hội là bản cam kết của tất cả người Việt chúng ta với nhau và giữa nhân dân với nhà nước về những quyền và nghĩa vụ được phân định trong xã hội chúng ta. Hiến pháp ràng buộc nhà nước và ràng buộc nhân dân như nhau về các quyền và nghĩa vụ này.
Mỗi khi chúng ta công nhận chủ quyền là của nhân dân (toàn bộ quyền lực thuộc về nhân dân), thì quyền lực chỉ được trao cho nhà nước theo sự thỏa thuận của nhân dân và với những điều kiện mà nhân dân chấp nhận. Không thể có thứ quyền lực đương nhiên mà có, không thể có thứ quyền lực nằm ngoài khế ước xã hội.
Theo lập luận này, tất cả những quyền không được quy định trong Hiến pháp thì vẫn đương nhiên thuộc về nhân dân (Hiến pháp của nước Mỹ cũng nói tới điều này). Có nghĩa là nếu Nhà nước muốn có thêm quyền gì, thì phải phải trưng cầu dân ý, phải thương thuyết với đối tác, với chủ nhân ông là nhân dân.
Theo anh, trong khoảng 60 năm mà có 4 lần sửa Hiến pháp như vậy có nhiều không?
Nhiều hay ít thì phải căn cứ vào nhu cầu của cuộc sống thì mới trả lời chính xác được. Tuy nhiên, nếu chúng ta quan niệm Hiến pháp là đạo luật cơ bản, là luật gốc cho tất cả các đạo luật khác, thì việc phải sửa Hiến pháp thường xuyên là rất khó tránh khỏi. Bởi vì các vấn đề của cuộc sống, cho dù là các vấn đề cơ bản, vẫn có thể thay đổi rất nhanh chóng trong một thế giới đầy biến động mà chúng ta đang sống.
Do mình quy định Hiến pháp là đạo luật cơ bản nên việc sửa như vậy là xuất phát từ nhu cầu bình thường của xã hội. Đời sống xã hội thay đổi nên Hiến pháp cũng phải sửa theo. Nếu không sửa Hiến pháp thì lại không đủ điều kiện để ban hành một số đạo luật rất cần thiết cho sự phát triển của đất nước.
Sẽ tập hợp được giới tinh hoa sửa Hiến pháp?
Vừa rồi, trong phiên họp đầu tiên của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các thành viên của ủy ban đề nghị bổ sung các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu Hiến pháp, các chuyên gia kinh tế. Với động thái trên, anh kỳ vọng gì vào sự tham gia của giới tinh hoa trong công việc sửa Hiến pháp lần này?
Tôi không biết các chuyên gia thì có phải cũng chính là giới tinh hoa hay không. Tuy nhiên, sự tham gia của họ là rất quan trọng. Sửa đổi Hiến pháp là một công việc hệ trọng và khó khăn. Không có đủ tri thức, không có đủ sự hiểu biết chuyên sâu chúng ta sẽ rất lúng túng.
Còn nhớ, tháng 11/1945, khi soạn xong Hiến pháp của nước Việt Nam DCCH, Ban dự thảo đã cho công bố trên báo Cứu quốc để toàn dân tham gia góp ý kiến. Liệu nhu cầu nghe góp ý của giới tinh hoa trong và ngoài nước, trực tiếp hoặc qua thư điện tử, trong lần sửa đổi Hiến pháp này, thưa anh?
Chắc chắn là việc này sẽ được triển khai. Và có lẽ, để nghe ý kiến của không chỉ giới tinh hoa, mà quan trọng là ý kiến của nhân dân.
Ai sẽ là những người trực tiếp chấp bút sửa Hiến pháp lần này?
Tôi nghĩ, những người ở trong Ban soạn thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ là những người trực tiếp chấp bút. Tất nhiên, là dưới sự chỉ đạo của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp do Chủ tịch Ủy ban là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đứng đầu.
Nhân vật có vai trò quan trọng nhất trong công việc này là ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Trưởng ban biên tập.
Ông Phan Trung Lý học và bảo vệ TS Luật tại Liên Xô trước đây.
“Tôi mong muốn…”
Trong lần sửa đổi này, theo anh, những thay đổi có lợi cho quốc dân có thể đạt được là gì?
Thật khó nói là những thay đổi gì có thể đạt được vào lúc này. Tuy nhiên, có một vài điều đã được cân nhắc từ lâu. Đạt được thì rất tốt. Thứ nhất, đó là việc dân bầu trực tiếp chủ tịch xã. Chủ trương này đã được Trung ương quyết định nhưng chưa được Quốc hội thông qua.
Theo tôi, nếu nhân dân bầu trực tiếp chủ tịch xã, đó sẽ là một bước tiến hết sức cơ bản trong việc xác lập chế độ trách nhiệm trước dân và hình thành đúng đắn hệ thống khuyến khích phục vụ dân. Với việc bầu trực tiếp chủ tịch xã, chúng ta sẽ có hai cơ quan dân cử ở cấp xã: hành chính dân cử và hội đồng dân cử. Hai cơ quan này sẽ phải cân bằng và kiểm tra lẫn nhau trong quá trình quản trị công việc địa phương. Mà như vậy, thì Hội đồng nhân dân cũng sẽ phải họp thường xuyên hơn (Mỗi tuần một lần chẳng hạn).
Thứ hai là việc phân cấp, phân quyền cho địa phương. Quan trọng là chúng ta phân cấp, phân quyền cho địa phương theo mô hình nào. Mô hình búp bê Nga - các cấp chính quyền đều có nhiệm vụ quyền hạn giống như nhau chỉ có khác nhau về mức độ quan trọng, có lẽ không phải là mô hình phù hợp cho giai đoạn phát triển hiện nay. Phân cấp, phân quyên theo mô hình của nước Đức, có vẻ hợp lý hơn. Theo mô hình này, mọi việc về cơ bản đều do chính quyền cấp dưới làm; chính quyền cấp trên chỉ làm những việc mà chính quyền cấp dưới không làm được.
Theo Bee