Lễ bế mạc SEA Games 31: Lời “giã bạn” tha thiết từ nước chủ nhà

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Sau hơn chục ngày thi đấu sôi nổi, khi các cuộc tranh tài ở SEA Games 31 chính thức khép lại, Việt Nam - nước chủ nhà của SEA Games 31 gửi lời chào nồng ấm, thân thương nhất tới bạn bè trong khu vực bằng lễ bế mạc được tổ chức vào tối nay (23/5) tại Cung Điền kinh trong nhà, Hà Nội.
Cũng như lễ khai mạc, lễ bế mạc SEA Games 31 sẽ để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế. (Ảnh minh họa)
Cũng như lễ khai mạc, lễ bế mạc SEA Games 31 sẽ để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế. (Ảnh minh họa)

Theo Ban Tổ chức, nếu như Lễ khai mạc được tổ chức ngoài trời thì Lễ bế mạc sẽ được tổ chức ở trong nhà để mang đến sự ấm cúng, gần gũi, gắn kết, qua đó gửi gắm tình cảm nồng ấm và những lời chào thân thương nhất từ nước chủ nhà tới bạn bè của 10 quốc gia trong khu vực.

Với chủ đề “Hội tụ để tỏa sáng - Gather to shine”, chương trình nghệ thuật đặc biệt của Lễ bế mạc có tiêu chí tạo nên dư âm không thể nào quên với bạn bè quốc tế, cho thấy hình ảnh một đất nước Việt Nam mang đậm bản sắc truyền thống và hội nhập với thế giới. Chương trình nghệ thuật Lễ bế mạc SEA Games 31 được chia làm 3 chương.

Chương 1 “Hà Nội của tôi, tình yêu của bạn” có thông điệp: Thủ đô Hà Nội, mảnh đất nghìn năm văn hiến với chùm ca khúc về Hà Nội như: Hà Nội đêm trở gió, Nồng nàn Hà Nội, Góc Hà Nội, Tháng 10 Hà Nội, Hà Nội niềm tin yêu hy vọng… trên nền thực cảnh về cuộc sống thanh bình.

Chương 2 “Hội tụ”: Đây là phần chính của Lễ bế mạc bắt đầu bằng Lễ chào cờ, màn diễu hành của 11 quốc gia, 40 môn thể thao, nhóm trọng tài và tình nguyện viên. Cùng với đó là những hình ảnh ấn tượng nhất trong 12 ngày diễn ra SEA Games 31. Tiếp theo là bài phát biểu tổng kết của Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL, Trưởng ban Tổ chức SEA Games 31; tuyên bố bế mạc SEA Games 31 của lãnh đạo Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và nghi thức hạ cờ, tắt đuốc.

Điểm nhấn trong chương này là Lễ chuyển giao cờ giữa Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á cho Campuchia - nước chủ nhà của SEA Games 32; cùng với đó là chương trình biểu diễn nghệ thuật chào mừng của đất nước Chùa Tháp: bằng Vũ điệu Apsara - biểu tượng của văn hóa, tâm hồn và bản sắc của người Khmer. Tiếp theo là lời “giã bạn” của nước chủ nhà SEA Games 31 - Việt Nam - bằng chùm bài hát Quan họ - Di sản phi vật thể thế giới được UNESCO công nhận - với những làn điệu: Mời trầu, Giã bạn và Người ơi người ở đừng về, qua phần trình bày của 100 nghệ sĩ dân ca quan họ Bắc Ninh.

Chương 3 “Tỏa sáng” được xây dựng như một Gala âm nhạc, xiếc và thể thao với sự góp mặt của các ca sĩ trẻ hàng đầu của Việt Nam. Mở đầu là phần biểu diễn của nhóm LED DANCE 218 (nhóm nhảy vào chung kết Asia’s Got Talent), phần biểu diễn kết hợp công nghệ cùng với vũ đạo và tạo hình, nhịp điệu của màn nhảy múa là sự nối tiếp từ truyền thống đến hiện đại. Phần trình diễn được kết thúc bởi sự hiện diện hình ảnh lá cờ của 11 nước tham dự SEA Games 31.

Một phần nghi lễ không thể thiếu của các lễ bế mạc SEA Games là lễ trao cờ đăng cai Đại hội của nước chủ nhà kỳ SEA Games trước cho nước chủ nhà kế tiếp. Tại Lễ bế mạc SEA Games 31, sau nghi lễ nhận cờ, nước chủ nhà của SEA Games 32 - Campuchia sẽ mang đến những tiết mục đặc sắc với những câu chuyện tiêu biểu về đất nước, con người, văn hóa của xứ sở Angkor Wat để chào đón các quốc gia tham dự SEA Games 32. Các nghệ sĩ Campuchia sẽ mang đến loạt tiết mục: múa hoa hồng Phnôm Pênh do cựu quốc vương Norodom Sihanouk sáng tác, múa đương đại Linh vật Bồ câu trắng, hát ca khúc Cambodia Welcoming and Blessing (Campuchia chào đón và chúc phúc), thổi tù và Bangkauk Snaeng...

Lễ bế mạc SEA Games 31 được truyền hình trực tiếp trên các kênh quốc gia và các nước trong khu vực Đông Nam Á; tương tác trên các kênh truyền thông số.

Đọc thêm