Lễ hội Thái bình xướng ca được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Lễ hội Thái bình Xướng Ca (xã Thanh Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) là một trong 10 nghi lễ, lễ hội, nghệ thuật trình diễn…, vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mới.

Lễ hội Thái bình xướng ca gắn liền với không gian văn hóa thời Trần, chứa đựng các giá trị lịch sử quan trọng khẳng định vị trí, vai trò và những đóng góp to lớn của nhân dân làng Gạo trong ba lần cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược.

Lễ hội được tổ chức 3 năm một lần vào ngày 9-11/3 âm lịch các năm Dần, Thân, Tỵ, Hợi, có ý nghĩa giáo dục truyền thống "Uống nước nhớ nguồn;" thể hiện ước mơ, nguyện vọng và năng lực sáng tạo văn hóa của nhân dân, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Múa rồng mây, một trong những sinh hoạt văn hóa đặc sắc tại Lễ hội Thái bình xướng ca. (Nguồn: Báo Nam Định)

Múa rồng mây, một trong những sinh hoạt văn hóa đặc sắc tại Lễ hội Thái bình xướng ca. (Nguồn: Báo Nam Định)

Đặc biệt, sau chiến thắng lần thứ ba trên sông Bạch Đằng năm 1288, vua Trần ban thưởng cho nhân dân làng Gạo mở hội ca hát để ăn mừng chiến thắng, mừng đất nước thái bình.

Các trò chơi trong lễ hội đều được tổ chức trên sông nước, là biểu tượng, tượng trưng cho các trận thủy chiến của quân dân nhà Trần đánh tan quân Nguyên Mông xâm lược.

Lễ hội Thái bình xướng ca ở làng Quả Linh đúng như tên gọi, được cộng đồng nhân dân địa phương duy trì, bảo tồn, phát triển, đã mang tới không khí hân hoan nô nức, đón mừng niềm vui quê hương đất nước thái bình, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của nhân dân.

10 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mới được công bố bao gồm:

1. Lễ hội Kỳ Yên đình Dĩ An (phường Dĩ An, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương).

2. Lễ hội đình thần Nguyễn Trung Trực (thành phố Rạch Giá, Kiên Giang).

3. Lễ hội đền hóa Dạ Trạch (xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, Hưng Yên).

4. Lễ hội đền Đa Hòa (xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, Hưng Yên).

5. Tập quán xã hội và tín ngưỡng Mo Mường (các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Hà Nội).

6. Lễ hội Thái bình xướng ca (xã Thanh Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định).

7. Nghi lễ vòng đời của người Chăm Islam (thị xã Tân Châu và huyện An Phú, tỉnh An Giang).

8. Lễ ăn mừng lúa mới của người Raglai (xã Phước Hà, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận).

9. Tết Nguyên tiêu ở Hội An (tỉnh Quảng Nam).

10. Nghệ thuật trình diễn dân gian Nghệ thuật sân khấu Dì Kê của người Khmer (xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang).