Lê Văn Luyện "vùi dập" tương lai cả họ

Những ngày trước khi phiên xử vụ án thiếu niên Lê Văn Luyện (ngụ xã Thanh Lâm, huyện Lục Nam, Bắc Giang) diễn ra, trở về thăm lại gia đình Luyện người ta mới bàng hoàng nhận ra tương lai của cả dòng họ Luyện bị thằng cháu đích tôn vùi dập: Bố mẹ cô chú cùng chịu cảnh lao lý, hai em trai bỏ học, ông bà nội không còn nơi nương tựa lại phải lọ mọ ra ngoài đồng kiếm miếng ăn…

Những ngày trước khi phiên xử vụ án thiếu niên Lê Văn Luyện (ngụ xã Thanh Lâm, huyện Lục Nam, Bắc Giang) diễn ra, trở về thăm lại gia đình Luyện người ta mới bàng hoàng nhận ra tương lai của cả dòng họ Luyện bị thằng cháu đích tôn vùi dập: Bố mẹ cô chú cùng chịu cảnh lao lý, hai em trai bỏ học, ông bà nội không còn nơi nương tựa lại phải lọ mọ ra ngoài đồng kiếm miếng ăn…

Ông Ngà cả ngày quanh quẩn ở nhà sau vụ thằng cháu phạm tội

Gia đình “loạn lạc”

Trong cái ảm đạm của thời tiết mùa đông với những cơn mưa phùn lất phất, chúng tôi đã đến thăm ngôi nhà lụp xụp ông bà nội của hung thủ Lê Văn Luyện. Cuộc sống của ông bà cụ mấy tháng nay diễn ra chậm chạp, ảm đạm thê lương. Cụ ông tên Lê Văn Ngà, còn cụ bà tên Trương Thị Nhủng, cả hai cụ năm nay đều bước sang tuổi 71. Khách đến thăm không khỏi chạnh lòng trước khuôn mặt gầy gò, hốc hác, mái tóc bạc trắng của hai người già.

Ông bà lão ngồi thu lu bên xó bếp mà lặng không một câu đối thoại. Ông cụ luôn tay đẩy những lá cây khô trong một cái bao tải rách vào bếp, lửa cháy lập lòe, khói bay nghi ngút. Trên bếp là một nồi cám lợn sôi sùng sục. “Từ sau khi sự việc xảy ra, con cháu loạn lạc, hai ông bà già ở nhà chẳng biết làm gì, cứ ngồi trong nhà cả ngày lo nghĩ đủ thứ chuyện”, ông cụ nói.

Nhắc đến chuyện của thằng cháu mình, bà cụ mắt đỏ hoe, lâu lâu lại lấy vạt áo lau mắt. Cụ nói rằng, sau khi biết tin ở trong xã có vụ giết người cướp tiệm vàng, cũng như nhiều người dân khác, trong lòng cụ cảm thấy phẫn nộ. “Khi biết hung thủ chính là cháu đích tôn của mình, tôi như chết đứng”, cụ Nhủng nhớ lại.

Cụ cho biết, sau khi sự việc xảy ra, công an đến bắt đi nhiều người trong gia đình làm bà nhiều đêm không ngủ được, trong lòng cảm thấy rất xấu hổ với hàng xóm. “Trừ những việc cần đi tôi mới bước ra ngoài đường, tôi chẳng mặt mũi nào dám nhìn bà con lối xóm”.

Có thể vì ít vận động mà độ vài tháng nay, chân bà bắt đầu bị đau khớp. Ngồi gần bếp lửa hồng mà tay bà không ngớt tự xoa bóp cổ chân. “Dạo này thời tiết thay đổi, chân tôi bị đau hơn, đi lại khó khăn lắm”, bà cụ có khuôn mặt buồn thảm thương cất lời.

Trước khi đến thăm ông bà nội của Lê Văn Luyện, chúng tôi đã được hàng xóm kể nhiều về hai người. Một người hàng xóm cho biết ông bà nội của Luyện là những người hòa đồng, nhân hậu, hay thăm hỏi, quan tâm và giúp đỡ những người trong xóm.

“Nhưng từ khi sự việc xảy ra, ông bà tự sống khép kín, không mấy khi chuyện trò với ai. Đợt trước mang chậu phân ra ruộng bón, bà Nhủng vừa đi vừa cúi gằm mặt xuống, bước đi vội vội vàng vàng. Thấy thế, chúng tôi mới bảo rằng: “Sao bà phải khổ thế, cứ bình thường thôi, con cháu bà làm con cháu chịu, liên quan gì bà”, nhưng bà lão chỉ giả cười, chào hỏi vài câu rồi bước đi tiếp. Giờ chẳng mấy khi thấy bà ấy ra ngoài”, người này cho biết.

Cụ Ngà kể rằng, cụ sinh được sáu người con gồm 5 gái, một trai. Người con trai chính là bố của Lê Văn Luyện. Năm 1992, người con trai duy nhất trong gia đình cưới vợ và một năm sau đó sinh con trai đầu lòng là Lê Văn Luyện trong sự vui mừng của gia đình. Do hoàn cảnh gia đình và do sức học nên học đến lớp 9 thì Luyện bỏ học.

Từ đó Luyện bắt đầu cuộc sống tự lập, đi làm thuê làm mướn ở khắp nơi. Những khi thất nghiệp ở nơi khác, lâu lâu Luyện lại về nhà phụ giúp bộ mẹ việc bán thịt lợn ở chợ. “Nó đi lêu lổng đây đó từ nhỏ, gia đình không có điều kiện để quản lý, giáo dục. Nó kiếm được bao nhiêu tiền là tiêu bấy nhiêu. Tiêu tiền quen, đến khi không kiếm ra nó lại đi cầm cắm, nợ nần. Thế rồi sự việc đau lòng xảy ra, tôi cũng có ngờ đâu”, ông cụ giãi bày tâm sự.

Dừng lại một hồi, ông cụ lại cất lời trong tiếng thở dài thườn thượt: “Cả cuộc đời hơn 70 năm nay, vợ chồng tôi sống lương thiện, tu thân tích đức vì con vì cháu mà gần đến cuối cuộc đời thằng cháu đích tôn mình lại “bôi tro trát trấu” vào mặt thế này, nhục nhã lắm”.

Bà cụ ngồi gần bên cạnh, vẫn đôi mắt đỏ hoe tiếp lời: “Chẳng biết kiếp trước chúng tôi ăn ở thế nào mà kiếp này ông giời trừng phạt chúng tôi đến mức này”.

Đang dở câu chuyện với hai ông bà thì một người cô của Luyện làm dâu ngay trong làng cũng bước vào. Chị bảo rằng vì hôm nay trời mưa lại giá rét nên chị tranh thủ đến thăm ông bà cho các cụ đỡ tủi.

“Con cháu trong gia đình tan hoang cả, gia đình mấy chị em tôi đều nghèo, giờ các cụ ở với nhau lủi thủi. Già cả rồi mà sống trong cảnh neo đơn”, đứa con gái của hai cụ nói. Nhắc đến gia cảnh của bố mẹ già, người con gái cũng chỉ biết câm lặng, lâu lâu lại nhòe ra những giọt nước mắt...

Bi kịch tuổi già

Đối với những người già yếu, không gì đau khổ hơn là chứng kiến cảnh gia đình con cháu mình bị ly tán, tù tội. Sau khi thằng cháu “trời đánh” và những nghi can là những người trong gia đình bị công an bắt, hai ông bà tiếp tục chứng kiến những chuyện đau buồn khác. Người em của Lê Văn Luyện đang học lớp 11 cũng phải bỏ học giữa chừng vì không còn ai nuôi ăn học.

“Năm nào nó cũng được lên lớp đều đều, nhưng giờ chẳng còn ai cho tiền nó ăn học, bố thì tù đày, mẹ đau ốm nên nó phải bỏ học đi kiếm ăn. Giờ cũng chẳng biết nó lưu lạc kiếm ăn nơi nào”, bà Nhủng nói về đứa cháu trai thứ hai của mình. Bà kể thêm rằng, mẹ của Luyện sau khi bị công an bắt một thời gian thì được thả về nhà. Do xấu hổ với hàng xóm nên mẹ Luyện đã lặng lẽ bỏ đi nơi khác. Hơn nữa, mẹ Luyện lại ốm đau bệnh tật liên miên, phải vào viện liên tục, nhất là sau khi sự việc kinh hoàng xảy ra nhiều lần bà bị sốc, tinh thần hoảng loạn.

Còn thằng em út của Luyện được 3 tuổi, trước đây học lớp mẫu giáo ở trường làng nhưng nay cũng bỏ lớp mẫu giáo để theo mẹ. “Chẳng biết có phải hai mẹ con đi về quê ngoại hay không nữa. Từ lúc nó đi đến giờ, chúng tôi ở nhà cũng chưa có tin tức gì”, bà Nhủng than thở. “Trước đây gia đình thằng Luyện ngoài làm ruộng vườn ra còn làm nghề bán thịt lợn nên cuộc sống chúng tôi cũng không đến nỗi thiếu thốn. Nhưng giờ thì gia đình ly tán, kinh tế quệt quệ”, ông Ngà chen vào.

Căn nhà hai tầng của gia đình Luyện nay ngày đêm khóa chặt cửa, hoang vắng như nhà hoang, còn hai cụ già giờ sống trong ngôi nhà tuềnh toàng cũ nát từ đời trước để lại. Cuộc sống hai cụ chủ yếu dựa vào khoảng 4 sào ruộng, trong khi không có vườn đồi. Thóc gạo từ vụ mùa trước giờ vẫn còn để hai cụ sống qua ngày, nhưng thời gian tới khi mà thóc gạo dự trữ hết thì cuộc sống các cụ sẽ như thế nào là điều chưa ai biết trước.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi là thời gian tới hai ông bà phải làm gì để nuôi sống nhau?. Như đã dự tính trước trong lòng, ông Ngà chậm rãi bảo: “Chắc là mùa vụ tới tôi lại phải vác cày ra ruộng thôi. Hơn 70 tuổi, đã lâu rồi tôi không phải ra đồng làm ruộng, nhưng nay vì thằng cháu “trời đánh” mà sẽ lại phải ra đồng cày cấy thôi”.

“Tôi lại bị thấp khớp đau chân thế này, không biết một mình ông có kham nổi mọi công việc trong gia đình. Mấy đứa con gái đứa thì lấy chồng xa, đứa thì có chồng tâm thần, một đứa khác thì cũng nhiều công nhiều việc nên chắc chả giúp được gì”, bà Nhủng chen vào.

Theo dự kiến, phiên tòa xét xử Lê văn Luyện về 3 tội danh “Giết người”, “Cướp tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” sẽ diễn ra trong 2 ngày 10 - 11/1/2012 tới đây. Trong vụ án này, Luyện còn khiến cả gia đình bị liên lụy. Bị can Lê Văn Miên (bố của Luyện); Trương Thanh Hồng (anh họ của Luyện), Lê Thị Định (cô ruột của Luyện) và Lê Văn Nghi (là chú rể của Luyện) bị truy tố cùng về tội danh “Che giấu tội phạm”. Hai bị can còn lại là Trương Văn Hợp (bố của Hồng) và vợ là Dương Thị Lược bị truy tố về tội “Không tố giác tội phạm”.

Nhóm phóng viên

Đọc thêm