Đó là chia sẻ của PGS.TS. Lưu Văn Quảng - Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền trong buổi tọa đàm, giao lưu với chủ đề “Đại thắng mùa Xuân 1975 - Sức mạnh của ý chí và niềm tin chiến thắng” do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền vừa tổ chức.
![]() |
Ông Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và PGS,TS. Lưu Văn Quảng, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền tặng hoa cảm ơn các diễn giả tham gia Tọa đàm. |
Tấm bản đồ quý giá
Tại Tọa đàm, các diễn giả là các tướng lĩnh, chiến sĩ từng vào sinh ra tử, tham gia trực tiếp trên chiến trường và có những đóng góp vào chiến thắng vĩ đại mùa Xuân 1975 đã trao đổi, chia sẻ về giá trị bền vững của chiến thắng lịch sử.
Các nhân chứng như Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Văn Tài, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng; Tiến sĩ, bác sĩ Đàm Duy Thiên, nguyên trinh sát thuộc Trung đoàn 266, Sư đoàn 341 - Sông Lam; Thiếu tướng Nguyễn Công Sơn, nguyên Phó Chánh Văn phòng Quân ủy Trung ương; Đại tá Lê Hạt, nguyên Chủ nhiệm Khoa Quân sự địa phương, Học viện Quốc phòng; Đại tá Nguyễn Đức Nghinh, cựu chiến binh Sư đoàn 341 cùng đại biểu, sinh viên cùng ôn lại diễn biến của những trận đánh cam go, quyết liệt trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.
Trong đó, câu chuyện của cựu chiến binh, tiến sĩ, bác sĩ Đàm Duy Thiên, trinh sát được giao nhiệm vụ vô cùng quan trọng - vẽ bản đồ tác chiến trận tấn công vào “cánh cửa thép” Xuân Lộc, mở đường cho các cánh quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn - Gia Định năm 1975 đã mang đến nhiều xúc cảm đặc biệt, những thông tin thú vị, lôi cuốn các bạn sinh viên. Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Đàm Duy Thiên nhớ lại, ngày ấy ông là một trong những chiến sĩ trẻ nhất đơn vị. Ông viết đơn xung phong nhập ngũ năm 1972, khi chưa đầy 16 tuổi, nặng chưa đầy 40kg. Bù lại, ông có cặp mắt sáng, lanh lợi, lại có khiếu vẽ nên được cấp trên cho đi bồi dưỡng rồi gắn bó với công tác vẽ bản đồ.
“Khi đó, quân ta đánh đến đâu mới được phát bản đồ đến đấy. Việc nhớ địa hình, địa danh rất khó, đến tận bây giờ, sau hơn 50 năm, tôi vẫn nhớ như in địa bàn Xuân Lộc, từ đường sá, rừng, sông, nơi bố trí lực lượng”, ông Đàm Duy Thiên kể. Ông nói thêm, một khi chiến sĩ làm công tác bản đồ không may bị địch bắt, cả đơn vị có thể bị “xóa sổ”, ảnh hưởng tới chiến dịch.
“Trong vẽ bản đồ, sai 1 ly tương đương với sai 12km ngoài thực địa. Lính pháo binh đi cùng người vẽ bản đồ để lấy tư liệu, sau đó lên đài quan sát lập tọa độ. Công cụ vẽ bản đồ rất đơn sơ, chủ yếu nhờ trinh sát, tình báo và đòi hỏi tư duy tốt của người vẽ”, ông Thiên nói. Từ tấm bản đồ do ông vẽ, Ban Chỉ huy Trung đoàn 266 đã xác định đúng hướng tấn công, đúng mục tiêu của các đơn vị để có quyết định kịp thời, chính xác cho trận đánh.
Chia sẻ về cảm xúc khi nhớ lại thời khắc cùng đoàn quân tiến vào Sài Gòn, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tài cho biết, trưa ngày 30/4 Sài Gòn giải phóng. Thời điểm ấy vô cùng hân hoan, phấn khởi, tự hào, biết ơn. Nhưng cũng ở thời khắc đó, chúng tôi nhớ các đồng chí, đồng đội đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường. Có người đã hy sinh ngay trong sáng ngày 30/4, không được chứng kiến Sài Gòn giải phóng, non sông liền một dải.
Tiếp thêm nhiệt huyết, chí khí cho lớp trẻ
Theo Phó Giám đốc Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật Nguyễn Thái Bình, chiến thắng oanh liệt của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, mốc son rực rỡ, chói ngời trong biên niên sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Sự kiện trọng đại này không chỉ đơn thuần là một thắng lợi quân sự phi thường, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước mà còn vang vọng như một bản hùng ca bất diệt, có sức lan tỏa mạnh mẽ, gây chấn động dư luận quốc tế, góp phần thúc đẩy cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đây là minh chứng hùng hồn cho ý chí độc lập, tự cường, cho khát vọng hòa bình cháy bỏng và tinh thần quật cường, không chịu khuất phục trước bất kỳ kẻ thù nào của dân tộc Việt Nam.
Có thể nói, thông qua những câu chuyện được chia sẻ tại Tọa đàm, lịch sử không còn là những con số khô khan trong sách giáo khoa mà trở thành những bài học sống động, gần gũi và truyền cảm hứng sâu sắc. Các bạn sinh viên được tiếp cận trực tiếp với những nhân chứng lịch sử, những nhà nghiên cứu, giúp hình dung rõ nét hơn về một thời kỳ đấu tranh gian khổ nhưng đầy hào hùng của dân tộc. Tọa đàm là cầu nối giữa các thế hệ - nơi những người lính bước ra từ cuộc chiến có cơ hội ôn lại những kỷ niệm về một thời hoa lửa, truyền lại những bài học kinh nghiệm, tiếp thêm nhiệt huyết, chí khí cho lớp lớp thế hệ đi sau; cũng là nơi những người trẻ có thể bày tỏ suy nghĩ và lắng nghe, thấu hiểu những hy sinh, mất mát của thế hệ đi trước, để rồi biết học, biết nhớ, biết trân trọng và biết phát huy tinh thần yêu nước và giá trị của hai chữ “hòa bình”. Chính sự tương tác này làm nên điểm khác biệt so với việc học lịch sử một chiều. Qua đó, lòng tự hào dân tộc và tình yêu quê hương, đất nước được hun đúc một cách tự nhiên, từ nhận thức đến hành động.
Ông Nguyễn Thái Bình nhấn mạnh: “Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh. Đây là lúc chúng ta cần hơn bao giờ hết phát huy tinh thần quyết thắng, ý chí, niềm tin của chiến thắng mùa Xuân lịch sử năm 1975, đặc biệt cần tiếp tục khơi dậy và lan tỏa tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, tinh thần cống hiến, đổi mới sáng tạo trong mỗi cán bộ, đảng viên, Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, khích lệ họ tiếp tục nỗ lực rèn luyện, học tập, gìn giữ, phát huy những thành quả mà thế hệ cha ông đã dày công gây dựng, góp phần đưa đất nước phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng, bền vững”.