Liên hợp quốc cảnh báo hệ lụy tăng lãi suất tới các nước đang phát triển

Liên hợp quốc (LHQ) ngày 12/4 cảnh báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và lãi suất tăng mạnh khiến các nước đang phát triển chìm trong nợ, đồng thời hối thúc hành động quốc tế nhằm phòng ngừa kịch bản xấu.

Người dân mua thực phẩm tại một khu chợ ở Colombo, Sri Lanka, ngày 12/5/2022. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Trong báo cáo mới, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) nhận định các nước nghèo hơn sẽ chịu tác động tiêu cực, khi lãi suất cao làm tiêu hao thu nhập và khiến khó khăn trong việc thanh toán nợ trở nên trầm trọng hơn. Ước tính việc Mỹ và các nước phát triển khác tăng lãi suất sẽ khiến thu nhập của các nước đang phát triển thiệt hại hơn 800 tỷ USD từ nay đến năm 2025. Trong năm nay, các nước đang phát triển cũng sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng hơn từ việc tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp hơn dự kiến. Theo đó, UNCTAD đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 2,2% xuống 2,1% trong năm 2023, thấp hơn 1 điểm phần trăm so với năm ngoái.

Báo cáo của UNCTAD nhấn mạnh rằng trong bối cảnh kinh tế thế giới liên kết chặt chẽ như hiện nay, các ngân hàng trung ương tại các nước phát triển không nên đưa ra quyết định mà không cân nhắc đến tác động rộng hơn mang tính hệ thống. Theo chuyên gia kinh tế cấp cao của UNCTAD, đồng tác giả báo cáo, ông Jeronim Capaldo, lãi suất cao khiến chi phí nợ tăng lên, đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển. Ông cho rằng các đợt tăng lãi suất của ngân hàng trung ương nhằm kiềm chế lạm phát đang đi sai hướng. Chuyên gia nhấn mạnh thị trường năng lượng và thực phẩm toàn cầu mới là nhân tố đẩy giá thành lên cao, chứ không nhất thiết là lãi suất. Dù lạm phát nói chung đã phần nào hạ nhiệt, song lạm phát thực phẩm tại các nước đang phát triển vẫn ở mức cao. Chuyên gia đánh giá lạm phát không hạ là do biện pháp lãi suất không có tác dụng và tất cả là do cơ cấu hàng hóa giao dịch trên thị trường quốc tế. Nguy cơ hiện nay là tình hình kinh tế thế giới sẽ xấu đi trong khi các nước đang lựa chọn nhầm biện pháp.

UNCTAD cho biết trong thập kỷ qua, số quốc gia chi nhiều hơn để thanh toán nợ ngước ngoài, thay vì đầu tư cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đã tăng gần gấp đôi từ 34-62 nước. Ông Capaldo cảnh báo xu hướng này vẫn đang tiếp tục và tăng nhanh.

Khó khăn trong thanh toán nợ và tái cơ cấu nợ nằm trong số những chủ đề chính của chương trình nghị sự, khi các Thống đốc các ngân hàng trung ương và Bộ trưởng tài chính dự Hội nghị mùa Xuân của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ở thủ đô Washington (Mỹ) trong tuần này.

Dù đã có một số bước đi được triển khai, song UNCTAD cho rằng cần có chương trình nghị sự mạnh hơn, đồng thời kêu gọi xem xét lại cấu trúc nợ toàn cầu. Cơ quan này kêu gọi tạo điều kiện cho các nước đang phát triển gặp khó khăn tiếp cận thanh khoản tốt hơn, cũng như thiết lập cơ chế giải quyết nợ quốc tế. UNCTAD mong muốn thành lập cơ quan độc lập để đánh giá tình hình nợ tại các nước thay vì IMF và WB, bởi hai thể chế tài chính này cũng là chủ nợ lớn nên đánh giá sẽ khó khách quan.

Đọc thêm