Liên kết đào tạo thạc sĩ chuyên ngành chính sách và pháp luật môi trường

(PLVN) - Trường Đại học Luật, ĐH Huế vừa tổ chức hội nghị về xây dựng chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành chính sách và pháp luật môi trường thuộc dự án CCP-LAW.
Dự án CCP-LAW là sự hợp tác giữa 3 nước châu Âu (Hi Lạp, Tây Ban Nha, Anh) và 3 nước châu Á (Việt Nam, Malaysia, Ấn Độ).

Chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành chính sách và pháp luật môi trường (Dự án CCP-LAW) là sự hợp tác giữa 3 nước châu Âu (Hi Lạp, Tây Ban Nha, Anh) và 3 nước châu Á (Việt Nam, Malaysia, Ấn Độ).

Cụ thể, ĐH Huế (HU) - điều phối dự án, Trường ĐH Luật hà Nội (HLU), ĐH quốc tế Symbiosis (SIU), ĐH Marwadi (MU), ĐH Utara Malaysia, ĐH Hồi giáo quốc tế (IIUM), ĐH Coventry (COV), ĐH Girona (UdG), European Knowledge Spot (EKS), Hiệp hội kỹ sư nhà thầu công trình công cộng Panhellenic.

Theo PGS.TS Đỗ Thị Xuân Dung, Phó Giám đốc Đại học Huế cho biết, dự án nhằm phát triển, thử nghiệm và điều chỉnh các chương trình giảng dạy mới trong lĩnh vực pháp luật chống biến đổi khí hậu (BĐKH).

Cụ thể, việc tích hợp một chương trình giảng dạy đa ngành về Chính sách và pháp luật chống biến đổi khí hậu toàn cầu được cung cấp như là một chương trình Sau đại học (PGDIp) hoặc dưới dạng chương trình thạc sỹ Luật học (LL.M) tùy thuộc vào quyết định cuối cùng của từng đối tác, nhằm giải quyết nhu cầu của một thế hệ mới những người có bằng thạc sĩ luật học sẽ có kiến thức chuyên môn cao về các chính sách môi trường và pháp luật chống BĐKH.

PGS.TS Đoàn Đức Lương, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật, ĐH Huế đánh giá cao sự hợp tác giữa các bên trong việc xây dựng chương trình đào tạo thạc sĩ chính sách và pháp luật môi trường.

Dự án CCP-LAW sẽ hỗ trợ Malaysia, Ấn Độ và Việt Nam giải quyết những thách thức đối với hệ thống giáo dục đại học của mình thông qua việc nâng cao chất lượng và mức độ phù hợp đối với thị trường lao động. Do đó, dự án sẽ nâng cao trình độ năng lực và kỹ năng tại các tổ chức giáo dục đại học bằng cách phát triển chương trình đào tạo mới và sáng tạo có ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng các phương pháp giảng dạy thực tiễn tốt nhất đối với người dạy và người học.

Các môn học trong chương trình đào tạo sau đại học sẽ hỗ trợ việc hiện đại hóa, khả năng tiếp cận và quốc tế hóa giáo dục đại học ở Malaysia, Ấn Độ và Việt Nam. Việc thành lập Trung tâm chính sách và pháp luật chống BĐKH tại tất cả các cơ sở đào tạo luật của các trường đại học châu Á sẽ hỗ trợ năng lực kết nối mạng lưới hiệu quả trong nghiên cứu và khả năng tạo các kết nối với nỗ lực của chính cơ sở giáo dục về hoạch định chính sách chống BĐKH.

Quang cảnh hội nghị do trường ĐH Luật, ĐH Huế tổ chức

Mục tiêu cụ thể của dự án bao gồm: Phát triển, thử nghiệm và điều chỉnh các chương trình giảng dạy mới trong lĩnh vực pháp luật chống BĐKH. Hỗ trợ hiện đại hóa, khả năng tiếp cận và quốc tế hóa giáo dục đại học và giải quyết những thách thức mà hệ thống giáo dục đại học ở Malaysia, Ấn Độ và Việt Nam đang đối mặt. Nâng cao trình độ năng lực và kỹ năng tại các tổ chức giáo dục đại học bằng cách phát triển chương trình đào tạo mới và sáng tạo áp dụng công nghệ thông tin và các phương pháp giảng dạy thực tiễn tốt nhất đối với người dạy và người học. Góp phần tăng cường hợp tác giữa Liên minh châu Âu và các quốc gia đối tác...

Bên cạnh đó, các nhóm mục tiêu của dự án hướng đến là xây dựng và mở thí điểm chương trình giảng dạy thạc sỹ mới ngành chính sách và pháp luật môi trường; Góp phần giải quyết những thách thức về chương trình giảng dạy bậc sau đại học về chính sách và pháp luật môi trường ở Malaysia, Ấn Độ và Việt Nam; Tăng cường năng lực và kỹ năng ở các cơ sở giáo dục đại học bằng cách xây dựng chương trình giáo dục mới và sáng tạo dựa vào công nghệ thông tin và truyền thông (ICT); thành lập Trung tâm nghiên cứu về chính sách và pháp luật môi trường ở 6 cơ sở giáo dục tại 03 nước Châu Á.

Trong khuôn khổ chương trình, nhiều bài tham luận về môi trường, BĐKH đã được các đại biểu chia sẻ, như “Hợp tác quốc tế về ứng phó với BĐKH và sự tham gia của Việt Nam” (PGS.TS. Lê Văn Thăng, Nguyên Viện trưởng Viện Tài nguyên & Môi trường, ĐH Huế ); “Cơ sở pháp lý quy định về giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với BĐKH” (TS.Trần Thị Phượng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu BĐKH miền Trung, Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế); “Các thách thức về môi trường và các giải pháp trong xu thế toàn cầu” (ThS.LS.Đặng Thị Ngọc Hạnh, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế).

Đọc thêm