Bệnh nhân L.T.H (77 tuổi, ngụ huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) được đưa vào bệnh viện trong tình trạng đau nhiều vùng mông trái, cử động bị hạn chế sau té ngã do tai nạn sinh hoạt. Theo kết quả X-Quang, bệnh nhân bị gãy mấu chuyển xương đùi. Điện tâm đồ biểu hiện suy nút xoang – ngưng xoang nhịp thoát bộ nối 40 lần/phút.
|
E-kip đang tiến hành phẫu thuật |
Sau hội chẩn các bác sĩ quyết định đặt máy tạo nhịp tim tạm thời trước khi phẫu thuật thay khớp háng bán phần. Sau phẫu thuật, bệnh nhân tiếp tục được đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn ngày 9/5. Hiện, sức khỏe bệnh nhân ổn định và đã xuất viện.
Tương tự, bà N.T.Đ (84 tuổi, ngụ Ngã Bảy, Hậu Giang cũng nhập viện trong tình đang đau hông sau khi ngã. Kết quả chụp X-Quang cho thấy, gãy liên mấu chuyển xương đùi, nhịp tim rất chậm 40 lần/phút. Bác sĩ cũng tiến hành đặt máy tạo nhịp tim tạm thời trước khi phẩu thuật. Theo đó, nhịp tim tăng lên lên 60 lần/phút. Ngày 12/5, thực hiện thay khớp háng bán phần cho bệnh nhân. Sau 2 ngày bệnh nhân tiếp xúc tốt, sức khỏe ổn định. Dự kiến xuất viện vào ngày 16/5.
|
Bệnh nhân L.T.H được bác sĩ thăm khám thường xuyên và cẩn thận |
BS.CK2 Trần Huỳnh Đào, Trưởng Khoa Gây mê hồi sức cho biết, trước đây gãy khớp háng ở người lớn tuổi là thách thức đối với các phẫu thuật viên và bác sĩ gây mê vì người lớn tuổi sức yếu, có nhiều bệnh lý đi kèm nhất là bệnh tim mạch. Block nhĩ thất độ 3 là mức độ cao nhất trong rối loạn dẫn truyền nhịp tim, làm cho tim không thể bóp đủ tần số nhằm cung cấp đủ máu đến các cơ quan khác, dễ dẫn đến ngất và tử vong. Nếu không xử lý rối loạn nhịp thì nguy cơ đột tử có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tình trạng nhịp tim quá chậm như vậy nếu tiến hành phẫu thuật thì nguy cơ trụy mạch và ngưng tim trên bàn mổ rất cao. Vì vậy cần đặt máy tạo nhịp tạm thời trước và sau đó sẽ tiến hành phẫu thuật thay khớp háng.