Theo đó, 4 bị can bị khởi tố là Vũ Đức Thuận (nguyên Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng Cty PVC); Nguyễn Mạnh Tiến (Phó tổng Giám đốc Tổng Cty PVC); Trương Quốc Dũng (nguyên Phó tổng Giám đốc Tổng Cty PVC), Phạm Tiến Đạt, (nguyên Kế toán trưởng Tổng công ty PVC) về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 163 Bộ Luật Hình sự.
Trả lời câu hỏi của Dân Việt về việc tại sao đã khởi tố 4 bị can nguyên là lãnh đạo PVC nhưng chưa nhắc đến ông Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch HĐQT tổng công ty này, Trung tướng Phan Văn Vĩnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - cho biết: “Cái đấy để tính sau, có thể là ở giai đoạn 2”.
Trong giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2013, ông Trịnh Xuân Thanh lần lượt giữ các chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC. Được coi là “thuyền trưởng” nhưng trong giai đoạn này ông Trịnh Xuân Thanh đã điều khiển để “con tàu PVC” chìm trong thua lỗ, nợ nần triền miên.
Năm 2007, ông Trịnh Xuân Thanh được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam điều về làm Phó Tổng Giám đốc PVC, đến năm 2009 được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT PVC.
Báo cáo của Ban kiểm soát tại Hội đồng cổ đông thường niên của PVC năm 2014 cho biết năm 2013 PVC thua lỗ 2.228,5 tỉ đồng, trong đó riêng Cty mẹ lỗ 1.927 tỉ đồng. Lũy kế cuối năm 2013, Cty mẹ - PVC lỗ hơn 3.262 tỉ đồng. Trong năm 2013, hoạt động sản xuất kinh doanh tại các Cty con của PVC gặp rất nhiều khó khăn, nhiều đơn vị gần như không có việc làm.
Dưới thời điều hành của Chủ tịch Trịnh Xuân Thanh, PVC sử dụng phần vốn điều lệ đáng kể đầu tư góp vốn vào các công ty con, công ty liên kết. Tuy nhiên, các đơn vị này bộc lộ sự yếu kém trong hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến tình trạng thua lỗ. Riêng năm 2012, một số dự án trọng điểm bị ngừng, giãn tiến độ hoặc vướng mắc chưa triển khai được khiến PVC thua lỗ hơn 1.848 tỉ đồng.
Theo Thanh tra Chính phủ, trong giai đoạn năm 2011, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và một số đơn vị thành viên (trong đó có PVC) đã phát hiện nhiều sai phạm. Cụ thể, PVC đã tham gia liên kết, liên doanh với nhiều doanh nghiệp bên ngoài nhưng làm ăn không hiệu quả, gây thua lỗ và mất vốn của Nhà nước.
Tại nhiều công trình, dự án lớn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PVC được tham gia thực hiện với tư cách là tổng thầu hoặc nhà thầu lớn, nhưng sau khi nhận công trình, PVC lại chỉ định cho các Cty con hoặc bán thầu cho doanh nghiệp bên ngoài thi công.
Việc lãnh đạo PVC thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế đã để lại hậu quả lớn cho PVC cũng như ngân sách Nhà nước. Theo các báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ và kiểm toán, trong giai đoạn năm 2011 đến năm 2013, PVC đã để xảy ra thua lỗ khoản tiền hơn 3.200 tỷ đồng.
Trong khi đó, sáng nay (16/9), trao đổi với báo chí, một cán bộ lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, vào lúc 14h hôm nay, Tỉnh ủy Hậu Giang sẽ họp để triển khai quyết định khai trừ Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh, Tỉnh ủy viên, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh.
Đại diện của UBKT Trung ương sẽ trực tiếp vào triển khai quyết định. Tuy nhiên, cho đến giờ này vẫn không ai biết gì về việc ông Trịnh Xuân Thanh có mặt tại Hậu Giang để nhận quyết định kỷ luật hay không.