Những cuốn sách…
Ngày 4/1/2023, TS. Tilo Nadler đã chính thức cho ra mắt cuốn sách mang tên “Lost and Found: The History of Extermination, Discovery and Rediscovery of mammals in Vietnam” (tạm dịch: Mất đi và tìm thấy: Lịch sử của sự tiêu diệt, phát hiện, tái phát hiện các loài thú ở Việt Nam”). “Lost and Found: The History of Extermination, Discovery and Rediscovery of mammals in Vietnam” là một cuốn sách dày 600 trang, được viết hoàn toàn bằng tiếng Anh. Với những người yêu tự nhiên, cuốn sách như một biên niên ký mà Tilo dành để ghi chép lại hành trình số phận của rất nhiều loài có vú ở Việt Nam trong hơn 30 năm qua, bởi trong công trình này, tác giả kể về quá trình dẫn đến sự tuyệt chủng cũng như sự phát hiện, tái phát hiện của 150 loài thú sống trên cạn ở Việt Nam trong hơn 3 thập kỷ qua.
Bên cạnh đó, trong cuốn sách, TS. Tilo Nadler cũng giới thiệu ngắn gọn tiểu sử, hoạt động của 190 nhà khoa học, bảo tồn trong đó đông đảo là các nhà khoa học Việt Nam. Tại buổi ra mắt sách, TS. Tilo Nadler chia sẻ, ông đã dành hơn 2 năm để thu thập thông tin từ các cuộc phỏng vấn, báo cáo, nghiên cứu của các nhà bảo tồn, nhà khoa học. “Tôi muốn ghi nhận lại về sự đa dạng sinh học của Việt Nam trong vòng 30 năm qua. Đây không phải khoảng thời gian quá dài nhưng cũng đủ để ghi nhận quá trình suy giảm cũng như phát hiện mới của rất nhiều loài động vật tại Việt Nam. Công tác bảo tồn không chỉ là vấn đề của tài chính mà còn là vấn đề của ý thức con người. Hàng chục triệu con người Việt Nam cần đóng góp, chung tay và có ý thức bảo tồn các loài động thực vật hoang dã”, ông Tilo nhấn mạnh.
Ngày 20/1/2019, TS. Tilo Nadler và vợ - chị Nguyễn Thị Hiền đã có một buổi tiệc nho nhỏ để chia tay chương trình bảo tồn linh trưởng Việt Nam và Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp rừng quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình, sau khi họ đã có 25 năm gắn bó và cống hiến ở nơi đây. Chia tay nhưng không bao giờ từ bỏ tình yêu đối với linh trưởng – đó là lời khẳng định của Hiền và Tilo cũng như là chủ đề xuyên suốt của cuốn sách “Tilo’s Troops – Handiwork of a Primatologist in Vietnam” (tạm dịch là Đàn thú của Tilo - Công việc của một nhà linh trưởng học tại Việt Nam) của tác giả Murali Pai cũng được giới thiệu nhân dịp này.
Cuốn sách thuật lại câu chuyện của Tilo khi ông bắt đầu xây dựng một trung tâm phục hồi chức năng đẳng cấp thế giới dành cho các loài linh trưởng đang bị đe dọa ở Việt Nam, mặc cho nhiều ý kiến phản đối. Thông qua câu chuyện của Tilo, cuốn sách muốn đề cập đến hai vấn đề chính.
Thứ nhất là các loài linh trưởng đang bị đe dọa sẽ có được một cuộc sống mới tại EPRC sau khi được giải cứu khỏi bàn tay những kẻ săn bắt trộm, những người nuôi động vật hoang dã trái phép. Tại Trung tâm cứu hộ, những con linh trưởng được giải cứu sẽ được kết bạn với những con linh trưởng sống sót khác trước khi được thả vào môi trường thích hợp để thành lập các đàn (gia đình) và cuộc sống tiếp tục hồi sinh. Thứ hai, từ chỗ bị săn bắt, bị biến thành món ăn và đứng trước nguy cơ biến mất hoàn toàn, đến nay các đàn linh trưởng đã có được chỗ đứng tại Việt Nam. Đó là nhờ niềm đam mê cháy bỏng của Tilo Nadler cùng vợ và các đồng nghiệp của ông. Với cách làm khoa học, Tilo và EPRC đã thành công trong việc tăng số lượng đàn một cách khoa học để giúp quá trình phục hồi linh trưởng.
Và câu chuyện cảm động phía sau
Điều khiến ông Murali Pai - một bác sĩ thú y của Revatji Horse Clinic Rajasthan, nhà sinh học bảo tồn, nhà văn môi trường và biên tập viên của Bản tin Bảo tồn Châu Phi (ACT) quyết định viết cuốn sách đầu tiên của mình “Tilo’s Troops – Handiwork of a Primatologist in Vietnam” sau khi ông đến với rừng Cúc Phương Việt Nam chính là cuộc gặp gỡ với Tilo Nadler tại Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp (EPRC). Quá ngưỡng mộ trước những điều Tilo Nadler đã và đang làm, ông Murali Pai quyết định mình phải làm một điều gì đó để tri ân, để ghi nhận, để lưu lại cho hậu thế những thông tin về một con người đã sống cuộc đời kỳ diệu vì thiên nhiên.
Theo thống kê của Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường, Việt Nam được xếp hạng thứ 16 trên thế giới về đa dạng tài nguyên sinh vật và là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới với nhiều kiểu hệ sinh thái, các loài sinh vật, nguồn gen phong phú và đặc hữu... Tuy nhiên, trong giai đoạn từ 1990 đến nay, đa dạng sinh học đang có xu hướng suy giảm trên toàn cầu, Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Nạn phá rừng, tiêu thụ trái phép động, thực vật hoang dã vẫn tiếp tục diễn ra, ô nhiễm môi trường ở các điểm nóng tiếp tục là những mối đe dọa lớn. Cũng từ đó một nỗi lo hiện hữu, liệu cứ đà này chúng ta sẽ để lại gì và nói gì với thế hệ hậu sinh. Chẳng lẽ đó là những con thú, những cánh rừng qua các thước phim tư liệu?
Chính vì thế, nhận định về cuốn sách, theo TS. Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF Việt Nam), trong rất nhiều ý nghĩa mà cuốn sách của Tilo Nadler mang lại cho lĩnh vực bảo tồn thì điều đáng nói nhất là sự ghi nhận các giá trị đa dạng sinh học tại Việt Nam mà trước đó chưa ai công nhận, thậm chí chưa ai biết đến. Khi phải chứng kiến những giá trị này mất dần trong các thập kỷ qua là một sự đau xót của rất nhiều nhà khoa học, nhà bảo tồn, người yêu thiên nhiên. Ông Thịnh cho rằng, trong quá trình tìm lời giải cho câu hỏi “Cần phải làm gì để phục hồi và bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học?”, cuốn sách và những hoạt động cống hiến của Tilo Nadler cũng như các nhà khoa học, nhà bảo tồn Việt Nam trong thời gian qua đều có ý nghĩa rất quan trọng.
GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường - người Việt Nam đầu tiên được vinh danh Anh hùng Đa dạng sinh học ASEAN nhận xét: “Cuốn sách sẽ giúp cho thế hệ ngày nay và thế hệ sau này biết bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã vì không chỉ đem đến những kiến thức về đa dạng sinh học mà còn bồi dưỡng tâm hồn yêu quý, bảo vệ môi trường, để thiên nhiên và con người hòa hợp, sống bình yên, hạnh phúc với nhau”.
Về cuốn sách là vậy, còn về con người của TS. Tilo Nadler, ngay tại buổi ra mắt sách đã có rất nhiều lời sẻ chia cảm động khiến người nghe rưng rưng. TS.Văn Ngọc Thịnh kể lại câu chuyện của mình khi 17 năm về trước ông là kiểm lâm viên công tác tại Vườn Quốc gia Bạch Mã. Công việc vất vả, ít người thấu hiểu, thu nhập thấp khiến ông đã không ít lần tính chuyện bỏ nghề. Rồi trong một dịp được cử đi dự khóa tập huấn về bảo tồn linh trưởng do vợ chồng TS. Tilo Nadler tổ chức tại Cúc Phương ông đã như bừng tỉnh vì biết rằng xung quanh mình vẫn còn rất nhiều người đang ngày đêm cống hiến cho thiên nhiên với tình yêu không toan tính.
Biết được trăn trở của ông, TS. Tilo Nadler đã hướng dẫn, giới thiệu để ông nghiên cứu về loại vượn má vàng phân bố ở các cánh rừng miền Trung. “Tôi đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ TS. Tilo Nadler để nghiên cứu và thực hiện công trình nghiên cứu sinh của mình, để từ đó tôi có ngày hôm nay”, TS.Văn Ngọc Thịnh cho biết: “Tôi chẳng có thể nói gì hơn ngoài sự biết ơn và lời hứa sẽ tiếp nối, tiếp tục mang những tâm huyết của TS. Tilo Nadler mà tôi đã từng nhận được đến với các thế hệ sau vì tình yêu thiên nhiên Việt Nam”.
Với nhà báo Đỗ Doãn Hoàng sau nhiều năm gắn bó và làm việc cùng TS. Tilo Nadler, anh vẫn nhắc nhớ một kỷ niệm khi một lần chứng kiến ông đi bộ ngoài nắng, bế con voọc vừa được giải cứu, bản thân mình thì đầu trần da đỏ như tôm luộc, nhưng ông vẫn cẩn thận bẻ một nắm lá che cho con thú non tội nghiệp. Chứng kiến cảnh đó, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cho biết anh ám ảnh suốt đời về một lẽ sống nhân ái với muôn loài và “cảm thấy mắc nợ với người đàn ông đã sống vì thiên nhiên, vì đất mẹ Việt Nam”.
Với những người công tác trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên, động vật hoang dã thì cánh thợ săn là khắc tinh và đôi khi là mối nguy hiểm mà họ phải đề phòng. Nhưng với TS. Tilo Nadler thì không vậy. Việc làm và cuộc sống cống hiến của ông đã cảm hóa họ để họ từ bỏ công việc thợ săn trở thành người bảo vệ các cánh rừng.
“Tôi tên là Trần Nhị - con trai người thợ săn Trần Liêu. Bố tôi là một thợ săn giỏi và đã từng được biết đến qua những câu chuyện săn hổ. Là con trai tôi học được nghề săn từ bố và bản thân cũng trở thành thợ săn. Cách đây ba chục năm tôi gặp ông Tilo và giúp ông ấy đi khảo sát rừng. Lúc đầu tôi nghĩ chắc chỉ xong dự án là ông ấy sẽ về nước và mọi việc lại đâu vào đó. Nhưng không, sau những ngày đi cùng ông Tilo trong rừng, chứng kiến việc ông ấy làm trong tôi bật lên một suy nghĩ là tại sao là người nước ngoài mà ông ấy lại yêu thiên nhiên Việt Nam đến vậy, còn mình là người Việt lại đi bức hại những con thú, cỏ cây, chim muông. Tôi đã thay đổi suy nghĩ của mình từ đó và vận động người thân, bạn bè từ bỏ nghề thợ săn. Không chỉ thế tôi còn tình nguyện trở thành người bảo vệ rừng, như lời vợ tôi hằng nói: “Trước kia mình đã lấy của thiên nhiên quá nhiều, nay phải trả lại cho thiên nhiên những điều tốt đẹp. Tôi vốn mộc mạc nên chỉ biết chuyển tới tất cả mọi người lời khuyên chân thành hãy ngừng ngay việc ăn thịt thú rừng và cả việc ăn thịt nướng hàng ngày nữa. Vì muốn nướng thịt phải dùng than củi và đó là nỗi đau của những cánh rừng”.
TS. Tilo Nadler, quốc tịch Đức, vốn là một thạc sĩ ngành điện lạnh nhưng vì đam mê đặc biệt với động vật hoang dã nên ông đã xin làm cộng tác viên cho Hiệp hội Động vật Frankfurt là tổ chức cứu hộ và bảo vệ động vật lâu đời nhất trên thế giới, hoạt động ở 30 quốc gia. Tilo đã đặt chân tới rất nhiều nơi. Thế nhưng, Việt Nam lại là chuyến đi dài nhất trong cuộc đời lang thang cùng mẹ thiên nhiên của Tilo. Sau nhiều cống hiến, Tilo đã từng vinh dự đón nhận Thư khen của Chủ tịch nước Việt Nam, Huân chương Lao động hạng Ba do Nhà nước Việt Nam trao tặng, Giải thưởng danh dự hạng Nhất dành tặng các chuyên gia về lĩnh vực bảo tồn của thế giới.
Cũng trong những năm tháng gắn bó với Việt Nam ấy, Tilo đã gặp tình yêu của đời mình ở Việt Nam – cô gái Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hiền. Để tập trung chăm sóc linh trưởng, Tilo và Hiền rời khỏi nơi phố xá ồn ào về sống định cư ở Cúc Phương. Sau khi rời chương trình Bảo tồn linh trưởng Việt Nam và EPRC năm 2019, hai vợ chồng Hiền và Tilo vẫn tiếp tục là cố vấn kỹ thuật cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ninh Bình về vấn đề bảo tồn thiên nhiên, động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh.