Ngay sau khi clip trên được đăng tải rộng rãi trên mạng, người lái xe đã bị công an địa phương triệu tập, lúc này mới bày tỏ sự “xấu hổ” trước hành vi sai trái, gây nguy hiểm của mình.
Trước đây, một clip khác được đăng tải cũng khiến người xem “rợn tóc gáy” vì tài xế xe tải ngủ gật khi đang lưu thông trên quốc lộ 13, người điều khiển xe lại là một cậu bé… 10 tuổi.
Cũng cách đây chưa lâu, một tài xế xe bus ở Hà Tĩnh đã dùng khuỷu tay để điều khiển vô lăng xe, hai bàn tay thì bận… bấm điện thoại, khiến hành khách trên xe hết sức bức xúc và sợ hãi.
Rồi một nhóm thanh niên nam nữ ở Ninh Bình lạng lách, đánh võng, rú ga trên đường thách thức cả cảnh sát giao thông…
Nhưng câu chuyện vi phạm luật, thách thức pháp luật, thậm chí đem tính mạng làm trò đùa khi tham gia giao thông dường như không còn quá hiếm hoi nữa. Nó cũng không dừng ở những tài xế, những người dân nhận thức kém hay thanh niên nông nổi, quá khích. Trong “đội quân” những người vi phạm luật giao thông một cách trắng trợn và kém văn hóa, có không ít trường hợp lại là những người khá giả, trí thức.
Thời gian này, dư luận bức xúc trước sự việc một người phụ nữ đi xe hơi đột ngột quay đầu trên cầu hẹp vào giờ cao điểm, sau đó còn quay lại chửi bới, thách thức người đi đường. Nghe đâu, đây lại là nhân viên cấp cao của một công ty khá có tiếng.
Một người phụ nữ khác, xuất thân từ gia đình trí thức, làm việc trong môi trường tốt, nhưng lái ô tô ngược chiều, bị cảnh sát giao thông tuýt còi, lại xuống chửi, mắng, thậm chí đòi hành hung cảnh sát.
Rồi còn cả một “đội quân ninja lead” như cư dân mạng vẫn hay trào phúng, đó là những chị trí thức văn phòng, trùm kín người bởi áo khoác chống nắng và bịt mặt, và bởi yên chí không ai nhận ra mình, nên tham gia giao thông một cách rất bất chấp. Có chị ngang nhiên đậu xe ở làn đường dành cho xe hơi và kiên quyết không nhường đường, có chị dựng xe giữa đường đông tấp nập để… tám qua điện thoại, gây ách tắc giao thông, đến nỗi một du khách Tây phải đến “cưỡng chết” đem xe vào lề đường trong sự chống cự quyết liệt của nữ chủ xe.
Dường như đang có một “lỗ hổng” lớn trong văn hóa giao thông hiện nay, và “lỗ hổng” ấy không chỉ đến từ những người tham gia giao thông thiếu hiểu biết pháp luật, hạn chế về nhận thức. Dường như, các giáo trình luật giao thông dành cho người học bằng lái vẫn là chưa đủ. Làm thế nào để tham gia giao thông thực sự trở thành một văn hóa, một ý thức thẩm sâu vào mỗi con người, bài toán ấy khá khó khăn, mà muốn thực hiện được, có lẽ phải quay về khởi nguồn: Việc giáo dục ý thức, nhận thức ngay từ trên ghế nhà trường, từ trong mỗi gia đình, và sự nghiêm trị, quyết liệt của pháp luật, những người thừa hành pháp luật nhằm tạo nên một ý thức hệ chung, một văn hóa giao thông chuẩn mực.
Mọi thứ, có lẽ đành đi từng bước một…