Lo ngại nguồn cung dầu sau vụ nhà máy sản xuất của Ả rập Xê-út bị tấn công

(PLVN) - Bộ trưởng Năng lượng Ả rập Xê-út Abdulaziz bin Salman ngày 15/9 cho biết, sản lượng dầu thô của nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới đã bị giảm một nửa do vụ tấn công nhằm vào 2 nhà máy lọc dầu của nước này xảy ra 1 ngày trước đó.
Khói bốc lên từ nhà máy bị tấn công
Khói bốc lên từ nhà máy bị tấn công

Theo Reuters, ngày 14/9, 2 nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu của Công ty dầu khí nhà nước Aramco của Ả rập Xê-út ở các thành phố Abqaia và Khurais đã bị tấn công bằng máy bay không người lái. Những chiếc máy bay này đã gây ra nhiều vụ nổ lớn và làm bùng phát hỏa hoạn, khiến 2 cơ sở trên phải dừng hoạt động tạm thời.

Nhóm phiến quân Houthi của Yemen sau đó đã lên tiếng nhận trách nhiệm trong vụ việc. Kênh truyền hình vệ tinh Al-Masirah của Houthi cho biết lực lượng này đã huy động 10 máy bay không người lái nhằm vào 2 cơ sở dầu mỏ của Ả rập Xê-út. Vụ việc diễn ra ít ngày sau khi liên minh do Ả rập Xê-út dẫn đầu đã tiến hành không kích nhằm vào một trung tâm của Houthi, khiến ít nhất 100 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. 

Bộ trưởng Năng lượng Ả rập Xê-út bin Salman ngày 15/9 cho biết, vụ việc đã khiến sản lượng dầu của Ả rập Xê-út bị giảm 5,7 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, tương đương một nửa sản lượng bình thường. Theo thống kê mới nhất hồi tháng 8/2019, tổng sản lượng dầu của Ả rập Xê-út khoảng 9,8 triệu thùng mỗi ngày. Ông Abdulaziz cho hay, sự sụt giảm này sẽ được bù đắp thông qua việc lấy từ kho dự trữ dầu của Aramco. Vụ việc đã gây gián đoạn hoạt động sản xuất năng lượng toàn cầu.

Ít giờ sau vụ việc, Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc điện đàm với Thái tử Ả rập Xê-út Mohammed bin Salman đã lên án các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng của Ả rập Xê-út đồng thời đề nghị hỗ trợ phòng thủ cho quốc gia Vùng Vịnh này. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike bất ngờ cáo buộc Iran đứng sau vụ việc.

“Tehran đứng sau khoảng 100 vụ tấn công vào Ả rập Xê-út khi Tổng thống Hassan Rouhani và Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif vờ tham dự các sự kiện ngoại giao. Giữa lúc tất cả kêu gọi giảm căng thẳng, Iran đã tiến hành cuộc tấn công chưa từng có vào các nguồn cung năng lượng toàn cầu. Không có bằng chứng nào cho thấy tấn công là từ Yemen”, ông Pompeo viết trên Twitter.

Ngoại trưởng Mỹ cũng kêu gọi các nước lên án một cách công khai và rõ ràng các vụ tấn công. Dù vậy nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ chưa cung cấp bất kỳ bằng chứng nào chứng minh cho cáo buộc của ông Pompeo. Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ được cho là báo hiệu lập trường cứng rắn hơn của Washington đối với Tehran.

Quan hệ giữa 2 nước thời gian qua xấu đi sau một loạt các động thái gây căng thẳng từ 2 phía như vụ Iran và Mỹ tuyên bố bắn rơi máy bay không người lái của nhau. Tuy nhiên, gần đây Tổng thống Mỹ để ngỏ khả năng gặp Tổng thống Iran Rouhani, dấy lên những triển vọng tan băng trong quan hệ 2 nước.

Về phía Iran, kênh truyền hình PressTV của nước này ngày 14/9 dẫn nhận định của một số chuyên gia phân tích cho rằng nguồn cung dầu mỏ bị thiếu hụt sau vụ tấn công của phiến quân Houthi nhằm vào các cơ sở dầu mỏ tại Ả rập Xê-út chỉ có thể được bù đắp nếu Mỹ nới lỏng trừng phạt ngành dầu mỏ Iran. Bộ trưởng dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh ngày 14/9 cũng tuyên bố Iran sẽ áp dụng chính sách sản xuất dầu thô tối đa nếu Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với ngành công nghiệp dầu thô của nước này. 

Kể từ khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và các cường quốc hồi năm ngoái, Mỹ đã tái áp đặt các biện pháp trừng phạt với Iran. Ông Trump cũng đã áp dụng các hạn chế với Iran, trong đó có đe dọa sẽ trừng phạt bất cứ nước nào nhập khẩu từ Iran, khiến lượng dầu xuất khẩu của Iran đã giảm hơn 80%. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho hay đang theo dõi sát sao tình hình.

Đọc thêm