Tại Hội thảo “Kế hoạch giảm phát thải của PVEP trong lộ trình hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050” vừa được diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, đại diện Ban Công nghệ và An toàn Môi trường (CN&ATMT) PVEP cho biết, theo thống kê tương đối trong vòng 5 năm từ năm 2017-2022, phát thải khí nhà kính từ các hoạt động của PVEP và các đơn vị dự án là 10,58 triệu tấn CO2 tương đương. Trong đó, hai nguồn phát thải lớn nhất là quá trình đốt nhiên liệu từ các giàn và đốt đuốc.
PVEP đặt ra lộ trình giảm phát thải ròng đến năm 2030 giảm 20%, năm 2040 giảm 50% và Net Zero vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu đó, PVEP sẽ tập trung vào các giải pháp gồm: nỗ lực giảm thiểu phát thải trực tiếp từ các công trình hiện hữu; Lưu giữ và tàng trữ carbon (CCS/CCUS); Mở rộng năng lượng tái tạo và các giải pháp carbon thấp; Tối ưu hóa việc sử dụng bù đắp carbon trên cơ sở trồng rừng.
Trong đó, giải pháp được PVEP quan tâm trong kế hoạch dài hạn là CCS (Carbon Capture Storage) - thu hồi CO2 từ các nguồn phát thải, sau đó vận chuyển đến các điểm lưu giữ lâu dài.
Cụ thể, thu hồi CO2 từ các nhà máy xử lý khí, nhà máy điện, nhà máy xi măng, thép. Thông qua hệ thống vận chuyển bằng đường ống, xe bồn, tàu để chế biến ra hoá chất, nhiên liệu tổng hợp, vật liệu xây dựng hoặc chôn vào lòng đất, lòng biển. Đối với PVEP, giải pháp chôn lấp CO2 vào lòng biển được ưu tiên nghiên cứu, lựa chọn do có lợi thế về cơ sở hạ tầng ngoài biển và kiến thức về địa chất.
Đại diện Ban Công nghệ và An toàn Môi trường trình bày về mục tiêu giảm phát thải ròng của PVEP tại Hội thảo. |
Song song đó, PVEP sẽ phối hợp với Viện nghiên cứu và Phát triển cây trồng để lựa chọn các loại cây trồng có khả năng hấp thu CO2 cao và sản sinh Oxy để cân bằng môi trường, hướng đến mục tiêu giảm phát thải ròng.
Theo thống kê, trong năm 2022 và 2023, PVEP triển khai trồng 50.000 cây bần chua, 15.000 cây đước, 30.000 cây keo lá tràm, 15.000 cây keo lai ở Thái Bình, Cà Mau… ước tính hấp thụ được khoảng 4.000 tấn CO2/năm.
PVEP kỳ vọng hoạt động trồng cây xanh có thể hấp thụ 5-7% lượng CO2 tương đương phát thải từ các hoạt động của PVEP. Trong thời gian tới, PVEP tiếp tục lộ trình trồng cây xanh và ưu tiên lựa chọn trồng rừng ngập mặn, cây có khả năng sinh trưởng tốt ở địa phương, có khả năng hấp thụ CO2 cao.
Theo ông Ngô Khánh Xạ, Phó Tổng Giám đốc PVEP, quá trình chuyển dịch năng lượng, năng lượng hóa thạch sẽ dần bị thay thế bởi năng lượng gió, năng lượng mặt trời, PVEP cần có hướng đi mới, nguồn thu mới, đó là tận dụng các thế mạnh sẵn có tập trung vào CCS.
Còn các khâu khác trong chuỗi CCS như thu hồi CO2, vận chuyển và bơm ép, PVEP cần hợp tác với các công ty khác để kết hợp nghiên cứu, đánh giá. “PVEP sẽ đào tạo một đội ngũ chuyên nghiệp về CCS để chuẩn bị nguồn lực cho kế hoạch dài hạn”, ông Ngô Khánh Xạ cho hay.
PVEP tài trợ cho giải leo núi "Bước chân trên mây"
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tổ chức Giải leo núi “Bước chân trên mây” từ ngày 29/9 đến 01/10 với hành trình chinh phục đỉnh núi Tà Chì Nhù (Yên Bái). PVEP là một trong những đơn vị đồng hành cùng giải thể thao đặc biệt này.
Theo Ban tổ chức, Giải leo núi “Bước chân trên mây” có hàng trăm phóng viên, nhà báo tham gia, trong đó có những nhà báo, phóng viên đến từ các cơ quan báo chí lớn như Báo Nhân dân, Báo Quân Đội Nhân dân, Báo Công an Nhân dân, Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Pháp luật Việt Nam, VnExpress, Tiền Phong, VietNamNet, Báo Đại Đoàn Kết...