Lo việc cho “dân số vàng”


Trung tâm quốc gia dự báo và thông tin thị trường lao động (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) vừa đưa ra báo cáo đánh giá về  xu hướng việc làm của Việt Nam năm 2011.

Trung tâm quốc gia dự báo và thông tin thị trường lao động (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) vừa đưa ra báo cáo đánh giá về  xu hướng việc làm của Việt Nam năm 2011.

Cơ hội và thách thức

Thạc sỹ Nguyễn Thị Hải Vân – Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Giám đốc Trung tâm quốc gia dự báo và thông tin thị trường Lao động cho hay: Hiện  Việt Nam đang bước vào thời kỳ “dân số vàng”, với 56% nam nữ thanh niên trong tổng số lao động. Giai đoạn này có thể kéo dài khoảng 30 năm nữa, từ năm 2010 đến năm 2040. Trong 10 năm tới, từ 2011 – 2020, trung bình mỗi năm, số người trong độ tuổi lao động sẽ tăng gần 1 triệu người.

Thời kỳ này đem lại cơ hội và cả thách thức cho phát triển kinh tế - xã hội quốc gia. Có nguồn lao động dồi dào là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đi kèm là những thách thức về việc làm, giáo dục và bảo trợ xã hội. Theo đó, năng suất lao động nước ta đã tăng từ 10 triệu đồng lên 10,8 triệu đồng/năm (mức tăng bình quân là 3,5%). Với năng suất lao động cao hơn trong khu vực công nghiệp và dịch vụ, chúng ta có thể kỳ vọng cải thiện tiền lương và điều kiện làm việc.

Theo báo cáo, Việt Nam có tỷ trọng rất lớn việc làm nằm ngoài khu vực làm công ăn lương. Cụ thể, năm 2009, nếu tính chung lao động tự làm và lao động gia đình không được trả công thì có 6/10 lao động (tương đương 61,5% của tổng số lao động có việc làm) ở nước ta có thể coi là lao động dễ bị tổn thương. Trong đó, tỷ lệ lao động dễ bị tổn thương của nữ giới là 69,1%,  của nam giới chỉ là 54,4%.

Không chỉ những lao động nói trên dễ bị tổn thương mà  ngay cả lao động làm công ăn lương cũng dễ bị tổn thương. Lao động làm công ăn lương trong ngành công nghiệp tăng lên 15,9%, trong ngành dịch vụ hầu như không tăng. Bởi lẽ, theo phân tích, năm 2009 lao động làm công ăn lương không phải lúc nào cũng có việc làm bền vững. Hơn 44% tổng số lao động làm công ăn lương làm các công việc không có hợp đồng hoặc thỏa thuận miệng. Dường như lao động làm công ăn lương không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận làm những công việc ít bảo đảm, lương và phụ cấp thấp hoặc không có phúc lợi.

Xu hướng

Ngành có số việc làm lớn nhất hiện nay là ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản với số lao động là 23 triệu lao động. Nhưng dự báo của  Trung tâm quốc gia dự báo và thông tin thị trường lao động cho thấy, việc làm trong ngành này sẽ giảm xuống còn hơn 21 triệu lao động vào năm 2020. Tiếp theo, ngành công nghiệp chế biến – ngành lớn thứ hai về lao động, tỷ trọng lao động ngành này được dự báo tăng 14%. Cuối cùng, ngành có số lao động lớn thứ ba là ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy với 5,6 triệu lao động. Dự báo số lao động nằm trong nhóm ngành này tăng lên 9,5 triệu lao động vào năm 2020.

Mặc dù đem lại lợi thế so sánh quan trọng, nhưng “dân số vàng” cũng tạo ra  áp lực không nhỏ đối với nền kinh tế - xã hội. Việc gia tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nam nữ thanh niên có độ tuổi từ 15 - 19 cho thấy thực trạng ngày càng nhiều thanh thiếu niên bỏ học khá sớm đi tìm việc làm kiếm sống và giúp đỡ gia đình. Đặc biệt, nếu không được đào tạo đầy đủ thì lực lượng lao động Việt Nam có thể bị rơi vào bẫy năng suất thấp, hạn chế tính cạnh tranh trên thị trường lao động toàn cầu.

Do đó, đòi hỏi cần có các chính sách hỗ trợ thanh niên, nâng cao vai trò của các trung tâm giới thiệu đào tạo nghề, kết nối việc làm với giáo dục, đào tạo và xúc tiến kinh doanh và các dịch vụ liên quan. Đồng thời, cần nâng cao và tăng cường kỹ năng nghề cũng như cải thiện tiếp cận kỹ năng nghề cho cả nam và nữ giới thuộc mọi lứa tuổi; là điều kiện cần để bảo đảm tăng năng suất lao động, tạo việc làm bền vững với thu nhập cao hơn và phát triển kinh tế trong cả ngắn hạn và dài hạn…

Mai Hoa

Đọc thêm