Sự cố hàng đầu thu hút sự chú ý của dư luận là việc 9 người bỏ trốn tại Hàn Quốc sau khi "đi nhờ" chuyên cơ của Chủ tịch Quốc hội. Không chỉ người dân mà cả những đại biểu Quốc hội cũng lên tiếng yêu cầu công khai danh tính của những người này, đồng thời phải xử lý thật nghiêm khắc những người có trách nhiệm đã để xảy ra sự cố liên quan tới vấn đề quốc thể này.
Tiếp theo, việc một Thẩm phán quận 4 cùng một Giảng viên Trường Bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ Kiểm sát tại TP. HCM bị tố cáo bắt 3 trẻ em và xâm nhập gia cư trái phép gây ra phản ứng dữ dội trong dư luận và hết sức mong muốn phải làm rõ hành vi này với động cơ của những người thực hiện. Vấn đề càng trở nên nhạy cảm khi những người thực hiện hành vi là cán bộ pháp luật, am tường pháp luật, nắm giữ cán cân công lý.
Việc xuất hiện tài liệu "mật" ở phiên tòa công khai xử vụ buôn bán thuốc giả tại Công ty VN Pharma được "giải mật" cũng như công văn hỏa tốc của Cục Quản lý Dược gửi tới Tòa án TP. HCM nơi đang diễn ra phiên tòa này cũng được dư luận quan tâm. Cho đến bây giờ, vẫn chưa rõ đó là thuốc thật hay thuốc giả, kém chất lượng nhưng dùng được cho người hay do kém chất lượng không dùng cho người. Nếu làm sáng tỏ được việc này không chỉ có một bản án đúng người, đúng tội mà cũng giải tỏa bức xúc xã hội khi phải bỏ nhiều tiền để điều trị căn bệnh hiểm nghèo bằng thứ thuốc "không dùng cho người".
Vụ côn đồ lộng hành ở Đồng Nai, quây xe dân phòng, chèn ngã, phá xe theo kiểu "dằn mặt" khiến tâm trạng người dân bất an, bao giờ mới dẹp được những đối tượng tự đặt mình "ngoài vòng pháp luật" này?
Minh bạch hóa những sự cố này, không chỉ tránh được sự hoang mang dư luận mà còn tạo niềm tin vào nguyên lý "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", hiện thực hóa sự giám sát xã hội từ nhân dân.