"Loại trừ “xã hội đen” từ trong trứng nước"

"Tội phạm "xã hộ đen" ngày càng hoạt động có tổ chức với tính chất chuyên nghiệp và sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện... Phương châm tấn công của chúng tôi là: Kịp thời phát hiện, loại trừ từ trong trứng nước", Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm nói. 

Thời gian qua, dư luận đã liên tiếp phải choáng váng trước các vụ án với tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Phải chăng tình hình tội phạm ở nước ta đang diễn biến theo chiều hướng xấu?. Nguyên nhân do đâu và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm phải cải biến như như thế nào để có hiệu quả?. Thiếu tướng Phan Văn Vĩnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm - Bộ Công an trao đổi về vấn đề này.

Nhiều vụ án kinh tế gây thiệt hại rất lớn tài sản nhà nước

Thưa Tổng cục trưởng, ông nhận định ra sao về tình hình tội phạm từ đầu năm đến nay, đặc biệt là sự gia tăng của một số nhóm tội phạm?

- Theo thống kê trong 6 tháng đầu năm 2011, cả nước đã xảy ra trên 22.000 vụ phạm tội về hình sự. Nhìn chung, tình hình tội phạm cơ bản vẫn được kiềm chế, nhưng tính chất còn nghiêm trọng, phức tạp, có lúc, có nơi gây bức xúc trong cán bộ và quần chúng nhân dân.

"Loại trừ “xã hội đen” từ trong trứng nước" ảnh 1
 

Qua phân tích, chúng tôi thấy tính chất bạo lực của tội phạm gia tăng, các vụ sử dụng vũ khí, vật liệu nổ (VK, VLN) gây án diễn ra ở nhiều địa phương. Hoạt động của các băng nhóm tội phạm liên quan đến đâm thuê chém mướn, siết nợ, đòi nợ thuê diễn ra phức tạp; nhiều vụ đâm chém, trả thù lẫn nhau, thậm chí có vụ truy sát nạn nhân đến cùng, gây tâm lý lo lắng trong dư luận. Tội phạm do nguyên nhân xã hội gia tăng, nhất là tội phạm giết người; nhiều vụ gây án với tính chất dã man, tàn bạo, trong đó có nhiều vụ người thân trong gia đình sát hại lẫn nhau, thể hiện những vấn đề đáng báo động về đạo đức xã hội...

Tôi phạm về ma túy hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt, rất manh động và chống trả quyết liệt hơn khi bị phát hiện, bắt giữ. Nhóm tội phạm về kinh tế, tham nhũng mặc dù không có đột biến lớn nhưng diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều vụ rất nghiêm trọng, gây thiệt hại rất lớn về tài sản của Nhà nước, nhất là trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ, quản lý, sử dụng đất đai, thị trường bất động sản, đầu tư xây dựng cơ bản.

Tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, hoạt động có tính chất xuyên quốc gia và xảy ra trên nhiều lĩnh vực. Nổi lên là hoạt động tấn công, xâm nhập vào hệ thống máy tính của các cơ quan, tổ chức để phá hoại dữ liệu; trộm cắp, lừa đảo trong lĩnh vực thương mại điện tử và thanh toán điện tử...

Các vụ án giết người phản ánh sự xuống cấp đạo đức xã hội

Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến các vụ giết người man rợ, các vụ thanh toán đẫm máu theo kiểu “xã hội đen” gây bức xúc dư luận liên tiếp xảy ra?

- Các vụ án giết người dã man hiện nay có hai loại chính.

Loại thứ nhất là do mâu thuẫn, thù tức, tranh chấp dẫn đến xung đột mà sát hại hoặc thuê người sát hại lẫn nhau. Điều đó phản ánh sự xuống cấp về các giá trị đạo đức và những chuẩn mực trong quan hệ xã hội do tác động trái chiều của tổng hợp các vấn đề trong tiến trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong và ngoài nước hiện nay. Để giải quyết vấn đề này, phải lấy phòng ngừa là chính, phải huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân, sự phối hợp tham gia của các chủ thể trong phòng ngừa tội phạm mà trong đó có vai trò quan trọng của các cơ quan báo chí.

Loại thứ hai là các vụ thanh toán đẫm máu theo kiểu “xã hội đen”. Các vụ án này đã và đang xảy ra, nguyên nhân chính, có tính phổ biến không chỉ với nước ta mà đối với nhiều nước trên thế giới là do tội phạm ngày càng hoạt động có tổ chức với tính chất chuyên nghiệp, bản chất liều lĩnh, dã man, tàn bạo, phân chia, tranh giành lãnh địa, thanh toán, trả thù lẫn nhau và sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, truy bắt nhằm trốn tránh lực lượng chức năng.

Triệt phá các băng, ổ nhóm: Phải loại trừ từ trứng nước

Lo lắng về tình hình tội phạm nghiêm trọng, phức tạp, tuy nhiên dư luận cũng “nức lòng” khi tội phạm bị triệt phá, đặc biệt các băng nhóm nguy hiểm. Thực tế, số vụ triệt phá các băng nhóm này ra sao, thưa ông?

- Thời gian vừa qua, lực lượng Công an nói chung và lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm  nói riêng đã điều tra, khám phá trên 16.000 vụ phạm tội về hình sự, phát hiện và triệt phá trên 1.800 băng ổ nhóm tội phạm các loại. Nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, nhất là những vụ sử dụng súng gây án, một số băng nhóm tội phạm nguy hiểm đã bị triệt phá được dư luận đồng tình, ủng hộ.

Chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu sâu tính chất, những đặc điểm mới của loại tội phạm nguy hiểm này, đổi mới phương thức, tổ chức trong đấu tranh, phòng ngừa; đẩy mạnh phong trào quần chúng, huy động mọi lực lượng tham gia, tăng cường các phương tiện kỹ thuật hiện đại, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để đấu tranh có hiệu quả hơn với chúng. Phương châm tấn công của chúng tôi là: Kịp thời phát hiện, loại trừ từ trong trứng nước!

Quản lý chặt và “xử” nghiêm hành vi dùng vũ khí tự chế

Việc sử dụng các loại vũ khí nóng, vũ khí tự chế gây án cũng là một trong những vấn đề được xã hội quan tâm. Theo ông, chúng ta có thể ngăn chặn tình trạng này bằng cách nào?

- Tình hình tội phạm sử dụng các loại vũ khí nóng, vũ khí tự chế gây án trong những năm gần đây có chiều hướng gia tăng. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2011 đã xảy ra hơn 100 vụ, trong đó 56,3% là súng tự chế, súng bắn đạn hoa cải.

Để ngăn chặn tình trạng này, chúng tôi đã tham mưu cho Bộ Công an chỉ đạo các giải pháp như: Hạn chế nguồn vũ khí có thể rơi vào tay tội phạm; tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ vũ khí, vật liệu nổ được trang bị, sử dụng; tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân giao nộp và thu hồi vũ khí, vật liệu nổ. Đẩy mạnh tấn công trấn áp tội phạm; triệt phá các đường dây buôn bán, vận chuyển, sản xuất vũ khí, vật liệu nổ, nhất là ở khu vực biên giới; điều tra, xử lý nghiêm những vụ đối tượng sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án. Nghiên cứu đề xuất hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ.

Vũ khí tự tạo, súng bắn đạn hoa cải, đạn ghém đã bị “điểm mặt”

Mới đây, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Hẳn là chính sách mới sẽ “gỡ” khó cho ngành trong công tác phòng, chống tội phạm, nhất là việc sử dụng vũ khí tự chế để gây án, thưa ông?

- Đúng như vậy. Pháp lệnh vừa được thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/1/2012. Văn bản pháp lý quan trọng này có thể tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hiện nay. Điểm nổi bật là Pháp lệnh đã đưa loại vũ khí tự tạo, súng bắn đạn hoa cải, bắn đạn ghém vào danh mục quản lý như vũ khí quân dụng để xử lý nghiêm minh số đối tượng sản xuất, tàng trữ, sử dụng loại vũ khí này. Việc quy định về các trường hợp được nổ súng cũng tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các lực lượng cảnh sát trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm chống người thi hành công vụ và tội phạm sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ gây án.

Sẽ có chế độ, chính sách cho người dân tham gia phòng, chống tội phạm?

Vừa qua cũng xảy ra hàng loạt vụ người dân tham gia phòng, chống tội phạm bị tội phạm tấn công. Thưa ông, với cơ chế hiện nay, làm thế nào để khuyến khích người dân tham gia phòng, chống tội phạm?

- Vấn đề chế độ, chính sách cho người dân hy sinh, bị thương, thiệt hại về tài sản trong tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm đã được Bộ Công an đề nghị và cũng đã được đưa vào các nội dung của Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, Chỉ thị số 48 của Bộ Chính trị. Tổng cục Cảnh sát phòng chống, tội phạm đang phối hợp, tham mưu cho Bộ Công an đề xuất Bộ Chính trị, Chính phủ dự thảo các văn bản liên quan để thể chế hóa các vấn đề nêu trên.

Thời gian qua, Tổng cục cũng đã chỉ đạo Công an các địa phương bằng nhiều hình thức khuyến khích, động viên nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, chủ yếu là khơi dậy tinh thần trách nhiệm, ý thức công dân vì cộng đồng và hỗ trợ, hướng dẫn họ hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Lực lượng Công an nhân dân nói chung và lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm nói riêng phải thể hiện vai trò nòng cốt, là chỗ dựa cho phong trào quần chúng; kiên quyết đấu tranh với những trường hợp chống người thi hành công vụ, kể cả những đối tượng chống  lại quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm; xử lý nghiêm các vụ có dấu hiệu trả thù người tố giác, bao che cho tội phạm, củng cố niềm tin trong nhân dân.

Thưa ông, xin hỏi ông câu cuối, trước diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm hiện nay, thời gian tới cần có những giải pháp như thế nào?

- Để tiếp tục kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, kiểm soát tốt tình hình, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy hiệu lực quản lý của nhà nước, huy động sức mạnh của quần chúng và vai trò nòng cốt, xung kích của lực lượng Công an nhân dân trong phòng, chống tội phạm  thông qua việc tham mưu và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTP  trong tình hình mới”, đẩy mạnh triển khai thực hiện 3 chương trình quốc gia về phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy; phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em giai đoạn 2011-2015. Trong đó, trọng tâm là xây dựng phong trào quần chúng rộng khắp ở địa bàn cơ sở; hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm với nhiều hình thức phù hợp. Bên cạnh đó, là các biện pháp nghiệp vụ cụ thể khác.

Xin trân trọng cảm ơn ông. Nhân ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân (20/7) chúc ông sức khỏe, hạnh phúc, chúc lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm ngày càng vững mạnh!

Thu Hằng (thực hiện)

Đọc thêm