Loạt rạp hát, rạp chiếu phim bị lãng quên ở TP Biên Hòa

(PLVN) -  Từng là những điểm vui chơi, giải trí, hoạt động sầm uất giữa lòng trung tâm TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), nhưng nhiều năm qua nhiều rạp hát, rạp chiếu phim bị bỏ hoang. Thậm chí, nhiều rạp đã xuống cấp trầm trọng.
Loạt rạp hát, rạp chiếu phim bị lãng quên ở TP Biên Hòa

Rạp chiếu phim xuống cấp bỏ hoang tại “đất vàng”

Nằm trên đường Phạm Văn Thuận giao với Nguyễn Ái Quốc (TP Biên Hòa) lại đối diện Trung tâm tổ chức sự kiện tỉnh Đồng Nai nhưng Trung tâm chiếu phim và mua sắm Thanh Bình nhiều năm qua bỏ trống. Mặt tiền cửa chính trung tâm là điểm tập kết của hàng chục bao tải rác thải và là điểm phóng uế bừa bãi của những người thiếu ý thức cũng như vật nuôi xung quanh.

Rạp Thanh Bình nổi tiếng một thời từng là điểm đến của người dân Biên Hòa mê điện ảnh thì nay chỉ còn là nơi trú chân của khách vãng lai khi trời mưa to, nắng gắt.

Mặt tiền rạp Thanh Bình giờ là điểm tập kết rác thải
 Mặt tiền rạp Thanh Bình giờ là điểm tập kết rác thải

Rạp hát Biên Hòa nằm trên đường Cách Mạng Tháng Tám, phường Quyết Thắng chung số phận đìu hiu khi nhiều năm qua bị lãng quên. Nhiều người dân quanh khu vực lấy làm tiếc trước sự lãng phí của rạp hát này.

Ông Dương Văn Bốn (75 tuổi, ngụ phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa) cho biết: “Hồi đó rạp này là của ông Bá Lộ, sau giải phóng bàn giao lại cho nhà nước. Tuy nhiên, thời gian hoạt động không lâu và không hiệu quả nên rạp bị bỏ phí đến giờ”.

Rạp Đồng Nai trở thành quán cà phê vỉa hè
Rạp Đồng Nai trở thành quán cà phê vỉa hè 

Tương tự, tại đường 30/4, Rạp hát Đồng Nai (còn gọi là rạp Sông Phố, Khánh Hưng) từng là nơi tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa, giải trí, chiếu phim, chiếu bóng. Trải qua không ít trào lưu, hoạt động nghệ thuật nhưng rạp này hiện chỉ còn là điểm uống cà phê cho người dân sinh sống xung quanh mỗi sáng.

Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Nguyễn Văn Tình, Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thông tin – Thể thao Thành phố Biên Hòa cho biết, thời điểm năm 2017, Trung tâm văn hóa được phân công quản lý quỹ đất Rạp hát Nam Hà. Đến năm 2018, có quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai về việc bàn giao lại quỹ đất đó cho Trung tâm phát triển du lịch tỉnh Đồng Nai để xử lý và thực hiện các lộ trình, phương án đấu thầu, để cải tạo khu đất, chuyển đổi mục đích khác. “Tuy nhiên, việc chuyển đổi công năng trung tâm không nắm rõ, chỉ biết thực hiện theo văn bản bàn giao, chỉ đạo của UBND tỉnh” ông Tình cho biết thêm.

Chưa rõ thời gian chuyển đổi

Về nguyên nhân các rạp hoạt động kém hiệu quả, một chuyên gia trong nghành văn hóa cho rằng, các rạp chủ yếu hoạt động đơn lẻ nên không còn phù hợp với xu thế hiện đại. Chưa kể, máy móc trang thiết bị cũ kỹ, không đáp ứng được nhu cầu phát triển nhanh của xã hội.

Bên cạnh đó, nhiều rạp chiếu phim tư nhân nằm trong các trung tâm thương mại giải trí, phục vụ mọi nhu cầu của người dân từ xem phim, ăn uống, giải trí, mua sắm… là đối thủ cạnh tranh khiến các rạp hát, rạp chiếu phim của nhà nước thêm khó khăn hơn.

Ông Đỗ Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa điện ảnh tỉnh Đồng Nai cho biết: “Trung tâm chỉ quản lý rạp chiếu phim Thanh Bình, rạp Đồng Nai (còn gọi là Sông Phố, Khánh Hưng), còn rạp Biên Hòa thì chúng tôi không biết đơn vị nào quản lý. Hiện tại rạp Thanh Bình nằm trong quy hoạch mở đường của thành phố Biên Hòa không nắm rõ thời gian lúc nào mới tiến hành, còn rạp Đồng Nai thì đơn vị đang phối hợp với Nhà hát nghệ thuật tỉnh Đồng Nai cùng khai thác loại hình nghệ thuật sân khấu múa rối nước, còn thời gian hoàn thành cũng chưa rõ.

Trên thực tế, đã có những trung tâm sau khi chuyển đổi, không ngừng có những bước chuyển biến rõ rệt. Chẳng hạn, rạp 30/4 (P Tân Biên) nay đã chuyển thành nhà sách Đồng Nai hoạt động rất hiệu quả, là điểm đến của hàng nghìn thanh thiếu niên và người dân vùng Hố Nai.

Nhờ chuyển đổi công năng, Rạp 30/4 ngày nào giờ hoạt động rất hiệu quả
Nhờ chuyển đổi công năng, Rạp 30/4 ngày nào giờ hoạt động rất hiệu quả