Lọc màng bụng cho bệnh nhân suy thận

Kỹ thuật lọc màng bụng cho bệnh nhân suy thận được áp dụng tại Bệnh viện (BV) Thanh Nhàn từ năm 2009. Hiện có 14 bệnh nhân suy thận độ 4 được sử dụng phương pháp này.

Kỹ thuật lọc màng bụng cho bệnh nhân suy thận được áp dụng tại Bệnh viện (BV) Thanh Nhàn từ năm 2009. Hiện có 14 bệnh nhân suy thận độ 4 được sử dụng phương pháp này.

Bệnh viện Thanh Nhàn triển khai kỹ thuật lọc màng bụng cho bệnh nhân suy thận từ năm 2009.
Điển hình là trường hợp của anh T.N.Hân (26 tuổi, Đông Anh, Hà Nội). Anh Hân bị suy thận đã gần chục năm và đã điều trị nhiều nơi, nhưng bệnh tình vẫn tiến triển sang giai đoạn nặng. Đáng lẽ anh phải chạy thận nhân tạo, bởi quả thận của anh gần như không còn tác dụng lọc máu và thải nước tiểu.
Tuy nhiên, nhờ có phương pháp lọc màng bụng, anh Hân không phải liên tục đến viện chạy thận nhân tạo. Thay vào đó, anh chỉ cần lĩnh một loại dịch và về nhà tự truyền. Một tháng anh mới đến viện kiểm tra sức khỏe một lần theo yêu cầu của bác sĩ.

BS. Nguyễn Toàn Thắng, Khoa Thận tiết niệu, BV Thanh Nhàn cho biết, hiện bệnh nhân suy thận có 3 cách điều trị là: Lọc màng bụng; lọc máu chu kỳ và ghép thận. Với ghép thận, không phải ai cũng ghép được vì phải có người cho, chi phí tốn kém... cũng như vấn đề thải ghép. Lọc máu theo chu kỳ thì bệnh nhân phải đến viện thường xuyên. Với phương pháp mới được áp dụng là lọc màng bụng, bệnh nhân không phải đến viện nhiều, mà chỉ cần ngày 4 lần truyền dịch vào người vào các giờ nhất định (6h, 11h, 15h, 22h). Thời gian mỗi lần truyền dịch là 25 phút.  

Cũng theo BS Thắng, màng bụng là nơi diễn ra quá trình trao đổi chất. Với phương pháp lọc màng bụng, dịch sẽ được truyền vào cơ thể để chất độc ngấm vào dịch, sau đó dịch chứa chất độc sẽ được thải ra ngoài. Mỗi bệnh nhân có một ống lưu trong ổ bụng, dịch sẽ được truyền vào đó chứ bệnh nhân không phải dùng kim tiêm cắm đi cắm lại vào da.

Anh N.Q.Bảo (34 tuổi, ở Yên Viên, Hà Nội) bệnh nhân đang lọc màng bụng cho biết, khi mới thực hiện, chưa quen nên sẽ cảm thấy hơi đau và hơi nặng bụng. Nhưng sau quen rồi thì không vấn đề gì. Và nhất là phương pháp này có tiện lợi là tự làm được tại nhà. Nếu như chạy thận nhân tạo, thường chất độc tích tụ trong người vài ngày để chờ đến ngày chạy thận để thải ra ngoài, thì bệnh nhân lọc màng bụng sẽ được lọc liên tục, ngày 4 lần, vì thế chất thải không bị tích lũy trong người.

Điều đó giải thích vì sao, sau khi chạy thận nhân tạo, bệnh nhân thường tỉnh táo hẳn (gần đến ngày chạy thận, bệnh nhân thường mệt...), trong khi áp dụng lọc màng bụng, bệnh nhân lúc nào cũng thấy khỏe, không có sự khác biệt lớn giữa sau khi lọc và trước khi lọc bởi chất thải được thải ra liên tục. Khi áp dụng phương pháp lọc màng bụng, bệnh nhân không phải ăn kiêng, trong khi áp dụng phương pháp khác, bệnh nhân sẽ phải có chế độ ăn rất nghiêm ngặt.

T.Hương

Đọc thêm