Lối đi nào cho phụ nữ “sống chung” với HIV?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Ở Việt Nam, gần 1/3 số người sống với HIV là phụ nữ. Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) năm 2023 cho thấy ước tính có khoảng 250.000 người sống chung với HIV ở Việt Nam với 6.200 ca nhiễm mới hàng năm…
Bà Caroline Nyamayemombe, Quyền Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam (thứ hai từ phải sang) tham quan gian hàng của chị em phụ nữ đại diện cho Mạng lưới Quốc gia Phụ nữ dễ bị tổn thương. (Ảnh: VNW+)
Bà Caroline Nyamayemombe, Quyền Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam (thứ hai từ phải sang) tham quan gian hàng của chị em phụ nữ đại diện cho Mạng lưới Quốc gia Phụ nữ dễ bị tổn thương. (Ảnh: VNW+)

Những “rào cản” của phụ nữ “có H”

Tiếng nói của phụ nữ sống chung với HIV được đại diện bởi Mạng lưới Phụ nữ sống chung với HIV Việt Nam (VNW+), một tổ chức cộng đồng cấp quốc gia có 80 nhóm thành viên hỗ trợ ở cấp tỉnh và đại diện hơn 2.000 phụ nữ sống chung với HIV là thành viên. Mạng lưới quốc gia này ra đời từ năm 2007. Hiện tại, VNW+ và các nhóm cộng đồng của họ cung cấp dịch vụ tư vấn đồng đẳng và chuyển gửi dịch vụ cho phụ nữ sống với HIV ở các tỉnh, thành.

Phụ nữ sống chung với HIV phải đối mặt với sự kỳ thị và phân biệt đối xử ở các môi trường khác nhau, bao gồm trong cơ sở y tế, gia đình và cộng đồng. Thông thường, khi phụ nữ bán dâm và phụ nữ chuyển giới được chẩn đoán nhiễm HIV, họ di cư đến các thành phố và địa phương khác vì xấu hổ, sợ bị kỳ thị và bị bạo hành. Nhiều người bộc bạch rằng, họ thích sử dụng các dịch vụ y tế ở các địa phương lân cận, chứ không phải ngay tại làng quê và cộng đồng của họ vì sợ bị phân biệt đối xử.

Chưa kể, các vấn đề sức khỏe tâm thần của họ, bao gồm cả phụ nữ trẻ và thanh, thiếu niên đã được đề cập như những nhu cầu mới nổi. Đó còn là sự kỳ thị đối với trẻ em nhiễm HIV và con của phụ nữ thuộc các nhóm trong môi trường học đường được coi là một trở ngại lớn đối với các bậc cha mẹ. Trong một số trường hợp, trẻ nhỏ không nhận thức được tình trạng nhiễm HIV của mình. Cha mẹ và ông bà cần được hỗ trợ để thông báo tình trạng nhiễm HIV cho con cái của họ. Tại các phòng khám ngoại trú thiếu cán bộ có trình độ và kỹ năng tư vấn. Điều đáng nói, một số phỏng vấn trong báo cáo cho thấy, trẻ em sống trong các cơ sở dành cho trẻ mồ côi có thể bị lạm dụng tình dục và dễ có hành vi sử dụng ma túy. Do đó, trẻ em lớn lên trong các cơ sở/trung tâm chăm sóc cần được dạy thêm các kỹ năng sống và hỗ trợ tâm lý để các em hòa nhập với xã hội khi các em đủ 18 tuổi.

Bên cạnh đó, chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cũng gặp nhiều thách thức, độ bao phủ điều trị HIV cho phụ nữ mang thai có HIV bị giảm sút kể từ năm 2020. Theo Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam, gần 50% phụ nữ độ tuổi 15 - 49 chưa có hiểu biết đúng và toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV, gần một phần tư phụ nữ chuyển giới cho biết bị kỳ thị trong cộng đồng vì liên quan đến tình trạng nhiễm HIV.

Cụ thể, việc lây truyền HIV qua đường tình dục chiếm hơn 80% tổng số ca nhiễm HIV mới được phát hiện trong năm 2021 - 2023, trong đó nhóm vợ, bạn tình của nam giới sống với HIV và nam giới có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV chiếm một tỷ trọng không nhỏ. Số người mới phát hiện nhiễm HIV đang trẻ hóa, với nhóm thanh, thiếu niên trong độ tuổi 16 - 29 chiếm khoảng 50%.

Theo PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), HIV/AIDS không chỉ là một vấn đề y tế toàn cầu, mà còn là một vấn đề xã hội và nhân đạo. Trên khắp thế giới, phụ nữ vẫn là nhóm dễ bị tổn thương nhiều nhất bởi dịch HIV/AIDS. Họ đối mặt với nhiều khó khăn và “rào cản” trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ tương xứng.

Ngoài ra, phụ nữ nhiễm HIV thường phải đối mặt với áp lực xã hội, kinh tế và gia đình, gây ra những tác động tiêu cực đến cuộc sống của họ. Chính vì vậy, chúng ta cần đồng lòng, hướng tới mục tiêu chung là tăng cường hỗ trợ cho phụ nữ nhiễm HIV. Đây không chỉ là một nhiệm vụ của cá nhân, mà là trách nhiệm của toàn xã hội.

Những thách thức cần được chia sẻ

Câu chuyện của những phụ nữ có H được chia sẻ nhân dịp Ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm 2023. (Ảnh: PV).

Câu chuyện của những phụ nữ có H được chia sẻ nhân dịp Ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm 2023. (Ảnh: PV).

“Ở chỗ mình có một cháu bé có HIV không được nhận vào trường tiểu học. Nhóm của mình đã hướng dẫn gia đình làm đơn gửi nhà trường và các ban, ngành liên quan để bảo vệ quyền được đi học của cháu. Kỳ thị liên quan đến HIV vẫn còn đó và chúng ta cần phải tiếp tục nâng cao nhận thức và kiến thức về HIV, không chỉ trong cơ sở y tế mà cả các trong các môi trường khác”, chị Vân (tên nhân vật đã thay đổi - PV) ở tỉnh Bắc Ninh cho biết.

Là một trong những người nhận được sự hỗ trợ tích cực từ VNW+, chị Mai Anh, một người nhiễm HIV từ năm 2010 cho biết, hành trình chống lại căn bệnh của chị và chồng (cũng nhiễm HIV) gặp nhiều thách thức. Ngày đó, khi biết tin cả hai vợ chồng đều nhiễm HIV, chị bàng hoàng, lo lắng lắm. Bên cạnh những nỗi lo về bệnh tật, nỗi lo lớn hơn của chị là sợ bản thân, gia đình bị kỳ thị. “Buồn tủi nhất là lúc mình đi sinh con. Khi bác sĩ biết tin mình mang bệnh, những lời lẽ không được dễ nghe đã trút lên đầu mình. Nhưng may mắn, bên cạnh mình vẫn còn có chị em cùng cảnh ngộ, có các bác sĩ tận tâm đã giúp cho mình được mẹ tròn, con vuông. Thật may mắn là bé không mang virus trong người”, chị Mai Anh tâm sự.

Cùng với đó, hành trình đi làm cũng không mấy dễ dàng, khi mỗi lần công ty định kỳ kiểm tra sức khỏe là một thách thức mới. Chị Mai Anh luôn lo lắng khi xét nghiệm máu sẽ phát hiện nhiễm HIV. Nếu bị phát hiện sẽ xấu hổ lắm và chắc chắn là mất cơ hội đi làm. Chính vì vậy, không có công ăn việc làm ổn định luôn là nỗi lo của nhiều người nhiễm HIV.

Nhiều phụ nữ sống chung với HIV phải vật lộn với sự kỳ thị, lề hóa và còn trở nên nghiêm trọng hơn do họ không có tài sản và quyền thừa kế. Phụ nữ sống chung và bị ảnh hưởng bởi HIV thường phải đảm đương phần lớn gánh nặng trong việc chăm sóc cho những người bị ốm bệnh hoặc chết vì AIDS, cũng như những trẻ mồ côi bị bỏ lại. Điều này có thể làm giảm khả năng được tiếp cận tới các cơ hội giáo dục và việc làm của họ. Tỷ lệ chấp nhận bạo lực giới của phụ nữ và nam giới từ 15 đến 49 tuổi. Có 23,5% phụ nữ chuyển giới bị kỳ thị trong cộng đồng do tình trạng nhiễm HIV của họ, 22,45% người bán dâm nhiễm HIV bị kỳ thị vì tình trạng nhiễm HIV và hoạt động mại dâm…

Vượt qua những khó khăn, kỳ thị trong cuộc sống, Mạng lưới Quốc gia Phụ nữ dễ bị tổn thương chính là mái nhà chung nơi chị em được chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ, chăm sóc, điều trị về HIV; tạo sinh kế và thu nhập bền vững; giảm kỳ thị, phân biệt đối xử cũng như tình trạng bạo lực giới.

Chị Mai Anh chia sẻ: Nơi đây, các chị san sẻ với nhau từng món đồ vật chất nhỏ như chiếc bỉm, hộp sữa cho con. Nhưng hơn hết là sự động viên tinh thần, cùng nhau vượt qua khó khăn.

Theo bà Phạm Thị Thanh Dung, Chuyên viên Chính Ban Gia đình và Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, hiện nay vấn đề bạo lực giới và chuẩn mực giới làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm HIV. Phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ bị cưỡng ép tình dục cao hơn nam giới bởi bất bình đẳng quyền lực khiến phụ nữ gặp khó khăn trong thương lượng tình dục an toàn. Những chuẩn mực giới cũng khiến phụ nữ ít cởi mở, ngại chủ động tìm kiếm trợ giúp, chăm sóc sức khỏe từ bên ngoài.

Theo đó, bà Dung khuyến nghị cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, xóa bỏ sự kỳ thị, phân biệt đối xử. Đồng thời tăng cường giáo dục về bình đẳng giới, quyền của phụ nữ, đặc biệt là quyền của phụ nữ sống chung với HIV, giúp họ tránh khỏi các hành vi bạo lực. Cần có hoạt động tập huấn kiến thức cho các cán bộ thực hiện nhiệm vụ tư vấn tâm lý, hỗ trợ pháp lý… cho những phụ nữ sống chung với HIV.

Để hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ sống chung với HIV, ông Lê Khắc Hệ, Đại diện Tổ chức Tài chính vi mô Tình thương (TYM) cho biết, TYM được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thành lập với mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống, tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế và xã hội. Hiện nay, TYM đang thực hiện dự án cung cấp dịch vụ tài chính vi mô nhằm tạo việc làm và cơ hội phát triển kinh tế cho những phụ nữ sống chung và chịu ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại 13 tỉnh, thành.

Chị Tòng Thị Thu Hà là thành viên Nhóm “Hoa hướng dương” - Điện Biên chia sẻ, bên cạnh hỗ trợ về vốn, chị mong muốn có thêm nhiều mô hình sinh kế hỗ trợ đào tạo nghề nâng cao kỹ năng, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; hỗ trợ tư vấn xây dựng kế hoạch kinh doanh, quản lý tài chính, giải quyết các khó khăn trong quá trình khởi nghiệp…

Bà Caroline T. Nyamayemombe - Quyền Trưởng đại diện của UN Women tại Việt Nam nhấn mạnh, ở Việt Nam, cứ 3 người nhiễm HIV/AIDS có 1 người là phụ nữ. Phụ nữ sống chung với HIV đang phải đối mặt với nhiều thách thức như họ vẫn bị kỳ thị, gặp khó khăn trong tiếp cận điều trị, việc làm.

Do vậy, việc triển khai các biện pháp phòng ngừa và cung cấp đầy đủ các dịch vụ cho người sống chung với HIV/AIDS. Đặc biệt là việc nhìn nhận những thách thức mà phụ nữ sống chung với HIV/AIDS đang gặp phải để bảo vệ họ, những thách thức cần được chia sẻ, chung tay để bảo đảm cần thiết phụ nữ sống chung với HIV. Đồng thời, cung cấp các gói chăm sóc dịch vụ y tế, gói chăm sóc, sinh kế để sống khỏe, đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam…

Nhiều câu chuyện về phụ nữ có HIV và phụ nữ chịu ảnh hưởng bởi HIV giúp đỡ lẫn nhau để sống khỏe hơn, sống tốt hơn đã được chia sẻ tại sự kiện kết nối các phụ nữ sống với HIV và phụ nữ chịu ảnh hưởng bởi HIV do UNAIDS và UN Women phối hợp hỗ trợ, nhân dịp Ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm 2023. Hơn 90 phụ nữ đại diện các tổ chức cộng đồng của các nhóm phụ nữ này đến từ tất cả các vùng miền của Việt Nam đã tham dự.

Đọc thêm