Trên 20.000 vụ phạm pháp hình sự
Báo cáo 6 tháng đầu năm cho biết, công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm trên cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực; các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện 25.850 vụ phạm pháp hình sự, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên diễn biến vẫn còn hết sức phức tạp, nổi lên là các hoạt động của băng nhóm tội phạm có tổ chức manh động, liều lĩnh, có sự gắn kết, đan xen giữa tội phạm hình sự với kinh tế, ma túy và núp bóng doanh nghiệp đe dọa lực lượng thi hành pháp luật.
Về lĩnh vực kinh tế, tội phạm kinh tế, tham nhũng xảy ra chủ yếu trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng với các hành vi tham ô, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, cố ý làm trái các quy định Nhà nước; lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vi phạm về các hoạt động cho vay trong tổ chức tín dụng; tội phạm mua bán, sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng để trốn thuế; sai phạm trong một số dự án BOT giao thông... Tội phạm sử dụng công nghệ cao nổi lên là hành vi trộm cắp thông tin tài khoản ngân hàng, thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của các chủ thẻ hoặc sử dụng thẻ ngân hàng giả để rút tiền tại các cây ATM; đánh bạc, tổ chức đánh bạc qua mạng, có vụ lên đến hàng tỷ đồng; huy động vốn trái phép và bán hàng đa cấp; “tin tặc” tấn công các loại vi rút, mã độc qua ứng dụng phần mềm...
Tội phạm về ma túy sử dụng vũ khí tiếp tục diễn biến phức tạp trên các tuyến, địa bàn trọng điểm; lượng ma túy từ Lào, Trung Quốc thẩm lậu vào nước ta rất lớn, vận chuyển ma túy qua đường hàng không, đường biển phức tạp, phát hiện một số vụ trung chuyển ma túy lớn qua Việt Nam để đi nước thứ 3 qua đường biển; tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp gia tăng trong lứa tuổi thanh thiếu niên (chiếm khoảng 48% tổng số người nghiện). Đặc biệt đã phát hiện một số vụ sản xuất ma túy tổng hợp ngay trong nước.
Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, trong nửa đầu năm 2017, cơ quan chức năng đã điều tra khám phá trên 20.000 vụ phạm pháp hình sự, bắt hơn 43.000 đối tượng, đạt tỷ lệ hơn 79% (cao hơn 1,2% so với cùng kỳ). Toà án nhân dân các cấp và toà án quân sự đã thụ lý trên 40.000 vụ với gần 70.000 bị cáo. Đã giải quyết, xét xử trên 25.000 vụ với gần 42.000 bị cáo, tổ chức nhiều phiên toà xét xử lưu động tại địa bàn trọng điểm.
Một số nơi còn để tội phạm lộng hành, công khai
Đánh giá về tình hình hình tội phạm, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, tội phạm tuy có giảm nhưng tình hình vẫn diễn biến khó lường; tội phạm xâm hại trẻ em xảy ra nhiều nơi, đang thách thức các chuẩn mực đạo đức và gây bức xúc trong nhân dân; tội phạm kinh tế, tham nhũng xảy ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực gây thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước… Bên cạnh đó, vẫn còn một số đối tượng lợi dụng tự do dân chủ để kích động người dân tụ tập, biểu tình, chống đối gây ra những vụ việc phức tạp… “Đây là những hành vi cần lên án và xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng chống tội phạm còn hạn chế, thiếu sót. Việc nắm tình hình và dự báo về tội phạm chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, còn bị động trong một số vụ việc, vẫn còn tình trạng người đứng đầu cơ quan chưa thực sự quan tâm đến công tác chỉ đạo phòng chống tội phạm, chưa dành thời gian thích đáng cho việc đối thoại và giải quyết những yêu cầu chính đáng của nhân dân, có trường hợp cán bộ làm sai, tham nhũng gây bức xúc trong dư luận, hiệu quả phòng ngừa tội phạm chưa cao, ý thức cảnh giác của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, một số bộ, ngành còn chậm phê duyệt các đề án của Chương trình phòng, chống tội phạm nên chưa bảo đảm tiến độ đề ra.
“Hiệu quả trong đấu tranh tội phạm có tổ chức, băng nhóm xã hội đen, ổ nhóm buôn lậu chưa cao, nhất là việc phát hiện phòng ngừa, điều tra, truy tố, xét xử cho được người cầm đầu đường dây, tổ chức tội phạm đó”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nêu rõ.
Cho rằng “một số nơi còn để tội phạm lộng hành, công khai”, Thượng tướng Lê Quý Vương đã thẳng thắn nêu một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do cấp ủy và chính quyền một số nơi chưa phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác phòng chống tội phạm; hoạt động của một số ban chỉ đạo địa phương còn mang tính hình thức, thiếu phân công trách nhiệm gắn với quy chế hoạt động của từng thành viên.
Ngoài ra, công tác phối hợp giữa các lực lượng và các ngành trong đấu tranh tội phạm, xử lý giải quyết các vấn đề nảy sinh, phức tạp còn lúng túng, chưa gắn kết; chất lượng cán bộ điều tra, trinh sát có lúc, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống tội phạm...