'Lời giải' nào cho xe cũ nát đang lưu hành?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mặc dù đã có nhiều phương án thu hồi, tiêu hủy, tái chế xe cũ nát được cân nhắc nhưng hiện vẫn có rất nhiều phương tiện giao thông như vậy đang lưu hành.
Nhiều xe máy cũ được “tân trang” để chở hàng hóa. (Ảnh: PV)
Nhiều xe máy cũ được “tân trang” để chở hàng hóa. (Ảnh: PV)

Vấn nạn xe cũ nát

Theo ghi nhận của phóng viên, trên địa bàn TP Hà Nội vẫn thường xuyên bắt gặp những chiếc xe cũ nát, lạc hậu, nhả khói đen kịt kèm theo tiếng động cơ đinh tai nhức óc đang lưu thông. Điểm chung của các xe này là đều có “tuổi thọ” vài chục năm, không biển số, không đèn chiếu sáng, đèn xi nhan, không gương... hay thậm chí còn trơ khung sắt rỉ sét. Không chỉ cũ nát, những chiếc xe này còn được người sử dụng chế thêm các giá sắt, móc treo, phuộc đôi, phuộc ba để chở hàng hoá hoặc chế thành xe kéo, xe ba gác chở hàng cồng kềnh.

Các phương tiện trên luôn là nỗi ám ảnh của người tham gia giao thông, bởi không bảo đảm an toàn kỹ thuật, gây nguy hiểm, mất trật tự an toàn giao thông. Không những vậy, việc nhiều phương tiện cá nhân không được bảo trì, bảo dưỡng đúng kỳ hạn đã dẫn đến lượng khí thải thải ra môi trường tăng cao, làm gia tăng mức độ độc hại.

Theo thống kê của Công an TP Hà Nội, hiện có hơn 44.000 xe máy vượt quá niên hạn 30 năm, hơn 10.500 xe vượt quá niên hạn 40 năm và gần 480 xe vượt quá niên hạn 50 năm trên địa bàn thành phố. Trong số này, có nhiều phương tiện đã cũ nát, nhưng người dân vẫn sử dụng bằng cách mua các thiết bị thay thế, lắp ghép phù hợp, hoặc sửa chữa lại để tiếp tục sử dụng. Tại TP Hồ Chí Minh cũng có gần 8 triệu xe máy đang lưu hành; trong đó, một nửa là các xe đã sử dụng lâu năm, thậm chí được sản xuất từ những năm 90 của thế kỷ XX.

Khó xử lý dứt điểm

Trong Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định vấn đề về đăng kiểm cần gắn với tiêu chuẩn, tiêu chí về khí phát thải. Ông lý giải việc sử dụng phương tiện quá cũ sẽ tác động đến vấn đề trật tự, an toàn giao thông đường bộ rất lớn, những phương tiện không đủ điều kiện vừa không an toàn, vừa gây phát thải nhà kính.

“Nếu không có tiêu chuẩn tiêu chí về khí phát thải, sẽ khó có lộ trình để thu đổi, loại bỏ dần những phương tiện đã quá cũ và lạc hậu, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa gây nguy cơ cao về an toàn giao thông, tác động đến kết cấu hạ tầng nói chung và đường bộ nói riêng”, ông Huệ nói.

Trên thực tế, câu chuyện loại bỏ xe cũ nát và lạc hậu, cùng việc kiểm soát khí thải từ phương tiện giao thông là một thách thức lớn đối với nhiều quốc gia trên thế giới, không chỉ riêng Việt Nam. Mặc dù đã có nhiều chính sách và chương trình như thu hồi, tái chế được triển khai, nhưng việc xử lý dứt điểm xe cũ nát lưu thông trên đường lại không đơn giản.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Thi - chuyên viên Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, có ba rào cản chính hiện nay. Thứ nhất, người sử dụng gặp khó khăn vì ô tô, xe máy là tài sản có giá trị lớn, quan trọng, đặc biệt là phương tiện mưu sinh của nhiều gia đình, do đó việc từ bỏ hoặc chuyển đổi rất khó khăn.

Thứ hai, nhiều phương tiện được mua đi bán lại nhiều lần, thách thức cho việc xác định chủ sở hữu hay chính chủ. Điều này cũng gây trở ngại cho việc quyết định chấm dứt việc sử dụng hoặc tiêu hủy phương tiện cũ nát.

Rào cản thứ ba là về chính sách quản lý ô tô, xe máy ở Việt Nam còn nhiều bất cập, trong đó thiếu các quy định về việc bắt buộc phải kết thúc việc lưu thông, thiếu quy định về thuế đánh vào phương tiện giao thông. Người mua ô tô, xe máy chỉ cần bỏ ra một khoản tiền (tương đối lớn) vào lúc mua là có thể sử dụng mà không bận tâm đến các nghĩa vụ tài chính trong quá trình sử dụng.

Ngoài 3 rào cản trên, có thể nói quá trình thu hồi và tái chế xe máy tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Đây cũng được xem là nguyên nhân khiến cho việc thu gom tái chế xe cũ nát chưa được như mong muốn. Nhiều ý kiến cho rằng, để cải thiện tình hình cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ, ngành công nghiệp tái chế và cộng đồng, đồng thời xây dựng chính sách phù hợp với thực tiễn, đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Đọc thêm