Bộ KH&ĐT phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tổ chức Hội thảo báo cáo tổng kết Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, trong khuôn khổ của Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối DN nhỏ và vừa (DNNVV) (LinkSME).
Nhiều DNNVV chưa được hưởng chính sách hỗ trợ theo Luật định. |
Chưa đến 800 nghìn doanh nghiệp
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông khẳng định, Luật Hỗ trợ DNNVV (năm 2017) và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 là hai trong số các chính sách quan trọng về phát triển DN giai đoạn 5 năm qua.
“Nghị quyết 35/NQ-CP được ban hành ngay từ đầu nhiệm kỳ của Chính phủ giai đoạn 2016-2020, đã phản ánh tinh thần đổi mới mạnh mẽ và hành động quyết liệt của Chính phủ mới, coi DN là động lực của phát triển kinh tế…” - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo Nghị quyết có 6 mục tiêu phải đạt được đến năm 2020 trong đó mục tiêu đầu tiên là 1 triệu DN hoạt động vào năm 2020 được kỳ vọng nhất đã không đạt được.
Báo cáo của Cục phát triển DN, Bộ KH&ĐT cho thấy, đến tháng 10/2020 cả nước mới có gần 759 nghìn DN. Trong giai đoạn 2016- 2020, tốc độ DN thành lập mới trung bình là 10,5%, tốc độ tăng bình quân số DN đang hoạt động đạt 14,4%. “Trong khi đó, muốn đạt được mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020, tốc độ tăng trưởng DN hoạt động bình quân cần đạt là 17,7%” - bà Trịnh Thị Hương, Trưởng phòng Tổng hợp Chính sách, Cục Phát triển DN, Bộ KH&ĐT, cho biết.
Nguyên nhân được chỉ ra là có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Nguyên nhân khác quan được kể đến là do tác động của dịch Covid-19, số DN tạm ngừng hoạt động tăng 82% so với cùng kỳ, số DN thành lập mới đạt thấp nhất trong 5 năm qua.
Cùng với đó, chính sách khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi sang DN chưa đủ hấp dẫn, kết quả chuyển đổi không như kỳ vọng khi xây dựng mục tiêu Nghị quyết 35/NQ-CP (Theo báo cáo của ADB, Vĩnh Phúc năm 2018 chỉ có 01 hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN; Phú Yên 02 DN chuyển đổi)
Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan chính là do việc thực hiện nhiệm vụ và giáp pháp hỗ trợ DN tại Nghị quyết 35 chưa hiệu quả, chủ yếu dừng ở việc ban hành các văn bản quy định; mức độ tiếp cận và hưởng chính sách của DN còn hạn chế, chủ yếu dừng ở việc ban hành các văn bản quy định; mức độ tiếp cận và hưởng chính sách của DN còn hạn chế.
"Lỗi hẹn" 50% mục tiêu trong khi 99% nhiệm vụ, giải pháp hoàn thành
Nghị quyết 35/NQ-CP đưa ra 6 mục tiêu cụ thể: 1 triệu DN hoạt động vào năm 2020; Khu vực tư nhân đóng góp 48-49% GDP; Khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp 30-35% GDP; Năng suất lao động tăng 5%/năm; Hàng năm có khoảng 30-35% DN Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo.
Nghị quyết cũng quy định cụ thể 05 nhóm nhiệm vụ và giải pháp nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Năm nhóm giải pháp được thiết kế tương ứng với các giai đoạn phát triển của DN, bao gồm: Cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN; Tạo dựng môi trường thuận lợi cho các DN sáng tạo và khởi nghiệp; Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh; Giảm chi phí kinh doanh; và Bảo vệ lợi ích và quyền lợi chính đáng của DN.
Cùng với đó, để hướng dẫn triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV, ngày 11/3/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV, hiện 5/5 Nghị định hướng dẫn Luật đã được ban hành đầy đủ.
“Có thể nói các chính sách về phát triển DN và hỗ trợ DNNVV giai đoạn vừa qua đã được ban hành khá đầy đủ, toàn diện và bước đầu đạt được một số kết quả đáng khích lệ: Tốc độ tăng DN bình quân giai đoạn 2016-2019 là 14,4%, tăng khoảng 80% so với bình quân giai đoạn 2011-2015; tỉ lệ đóng góp của khu vực kinh tế ngoài nhà nước trong tổng mức đầu tư toàn xã hội liên tục tăng lên: từ 36,7% năm 2015 lên 46% năm 2019…” - Thứ trưởng Đông đánh giá.
Báo cáo của Cục phát triển DN cũng cho thấy, đến nay, việc thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị định 39/2018/NĐ-CPđã được Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và Bộ LĐ-TB&XH cơ bản hoàn thành.
Kết quả tổng hợp về tình hình triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV và các văn bản hướng dẫn thi hành từ các địa phương cũng cho thấy, tính đến hết tháng 5/2020, trên toàn quốc đã có 55/63 địa phương ban hành các kế hoạch, chương trình, đề án hỗ trợ DNNVV.
“Qua đánh giá cho thấy, các kế hoạch, chương trình, đề án hỗ trợ DNNVV của địa phương rất phong phú, đa dạng. Hình thức phổ biến nhất mà các địa phương lựa chọn là xây dựng một kế hoạch, đề án, chương trình hỗ trợ DNNVV tổng thể, bao gồm hầu hết các nội dung đã được quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV và các văn bản hướng dẫn thi hành..”- đại diện Cục phát triển DN đánh giá.
Tuy nhiên, thực tế đến thời điểm hiện tại, 3/6 chỉ tiêu mà Nghị quyết 35/NQ-CP đã đặt ra đã không hoàn thành (Chỉ tiêu về số DN, đóng góp của khu vực tư nhân vào GDP và đóng góp vào đầu tư toàn xã hội). “Tại sao 50% mục tiêu của Nghị quyết 35/NQ-CP chưa đạt được mặc dù theo báo cáo của các Bộ, ngành và địa phương thì trên 99% các nhiệm vụ, giải pháp đã được hoàn thành? “- Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông băn khoắn.
Theo Thứ trưởng, đang có khoảng cách lớn giữa chính sách và thực tiễn triển khai mà Hội thảo này cần phải làm rõ.
Theo ông Nguyễn Trung Thực, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt- Đức, việc triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV cũng như Nghị quyết 35 đang theo mô hình tam giác ngược, tức là phía trên TW rất quyết liệt, thông thoáng nhưng càng xuất dưới địa phương các khó khăn. Ông đơn cứ như chính sách hỗ trợ DNNVV khó khăn vì dịch Covid-19 vừa rồi, trong Hiệp hội DNNVV Việt- Đức hầu như chưa có DN nào dược hưởng.
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến đóng góp xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 39/2018/NĐ-CP. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng cần xây dựng một Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 35/NQQ-CP của Chính phủ.
“Đây là vấn đề Bộ KH&ĐT đang cân nhắc. Có thể sau sau khi Ban Chấp hành TW Đảng công bố dự thảo các văn kiện Đại hội. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay vẫn là làm thế nào để rút ngắn khoảng cách giữa chính sách với thực thi…” - Thứ trưởng Đông trăn trở.