Tít bài BỘ Y TẾ CẤM GÂY TÊ TUỶ SỐNG TRONG MỔ LẤY THAI khiến không ít độc giả hoang mang. Vậy thực hư của sự việc này thế nào và liệu gây tê tuỷ sống có ảnh hưởng tới sức khoẻ hay không?
Mổ lấy thai là một trong những phương pháp sinh can thiệp bằng cách rạch tử cung qua đường bụng của thai phụ nhằm lấy thai nhi, bánh nhau và ối ra ngoài. Mổ lấy thai được chỉ định trong những trường hợp cuộc chuyển dạ không an toàn cho mẹ và thai nhi, hoặc cần chấm dứt thai kỳ trong những trường hợp cấp cứu mà chưa có chuyển dạ vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ mổ lấy thai trung bình chung trong giới hạn an toàn từ 15 – 20%. Tuy nhiên, ở Việt Nam tỷ lệ này lại tương đối cao. Các phương pháp vô cảm trong mổ lấy thai thường là gây mê nội khí quản hoặc gây mê tủy sống.
Theo công văn của Bộ Y tế, qua công tác theo dõi, giám sát và thẩm định tử vong mẹ tại các địa phương, cũng như ý kiến phản ánh của một số đơn vị, Bộ Y tế nhận thấy: trong một số trường hợp phẫu thuật lấy thai (mổ bắt con) bằng phương pháp gây tê tuỷ sống trên các sản phụ có rau tiền đạo thể trung tâm hoặc bán trung tâm, rau bong non, tiền sản giật, sản giật… có nguy cơ cao xảy ra một số tai biến như bệnh cảnh của tắc mạch ối, ngừng tim, rối loạn đông máu, suy đa tạng.
|
Công văn của Bộ Y tế. |
Bộ y tế đề nghị các đơn vị trực thuộc cần sử dụng phương pháp gây mê nội khí quản đối với các sản phụ có các tình trạng nêu trên, không thực hiện phương pháp gây tê tuỷ sống nhằm phòng tránh các tai biến nghiêm trọng có thể xảy ra đối với sản phụ.
Việc giật tít, đăng tải thông tin của một số cơ quan truyền thông đã gây sự hiểu lầm không đáng có. Bác sĩ Hồ Hoàng Hảo, bác sĩ gây mê hồi sức ở Vĩnh Long cho biết, chống chỉ định của gây tê tuỷ sống trong mổ lấy thai bao gồm:
- Sản phụ từ chối.
- Dị ứng thuốc tê.
- Rối loạn đông máu hoặc đang dùng kháng đông.
- Các trạng thái sốc.
- Bệnh tim mạch nặng.
- Nhiễm trùng toàn thân.
- Nhiễm trùng da nơi chọc kim.
- Bệnh lý hoặc di chứng bệnh thần kinh trung ương.
- Tiền sử đau lưng mạn tính, chấn thương cột sống.
- Biến dạng, gù vẹo cột sống.
- Các trường hợp cấp cứu sản khoa (nhau tiền đạo, nhau bong non, doạ vỡ hoặc vỡ tử cung, sản giật, tiền sản giật nặng, suy thai cấp).
So với phương pháp gây tê tuỷ sống, gây mê nội khí quản khó, trào ngược, mọi sản phụ đều xem dạ dày đầy, cho dù có nhịn ăn hay không (do dạ dày nằm ngang nên luôn tồn đọng một lượng thức ăn). Do đó phải khởi mê nhanh, không bóp bóp, đặt nội khí quản nhanh sẽ hạn chế được nguy cơ trào ngược. Các thuốc mê bây giờ qua nhau thai nhưng đào thải nhanh, nên không có ảnh hưởng nhiều đến chỉ số APGAR (chỉ số đánh giá sức khoẻ của trẻ sơ sinh ngay sau sinh).
Cũng theo bác sĩ Hồ Hoàng Hảo, ngoài các chống chỉ định trên, bác sĩ vẫn có thể gây tê tủy sống mổ lấy thai bình thường. Bởi mổ lấy thai bằng phương pháp gây tê tủy sống đem lại nhiều lợi ích:
1. Làm nghiệm pháp "Da kề da" rất tốt cho sức khỏe của bé.
2. Mẹ tỉnh táo nên được nhìn thấy con, được nghe con khóc chào đời. Một cảm xúc rất thiêng liêng của tình mẫu tử.
3. Chi phí rẻ hơn so với thuốc mê.
4. Hạn chế nguy cơ trào ngược dạ dày và hít sặc.
5. Mẹ có thể cho con bú sớm hơn so với gây mê.
6. Mẹ được ăn uống, vận động sớm hơn sau mổ.