Giờ đây, bờ biển Cửa Đại gần giống một khu đổ nát, hoang tàn với gạch đá, ngói vữa nằm ngổn ngang. Nhìn những hình ảnh như thế này chẳng ai dám nghĩ trước đây tại khu bờ biển tuyệt đẹp này từng là một khu vực hút khách du lịch của tỉnh Quảng Nam.
Đúng là biển cả có “lời nguyền”, thiên nhiên có “lời nguyền”.
Con người đã và đang “can thiệp” thô bạo vào tự nhiên nên tự nhiên đã “nổi giận”.
Chính vì thế Hội nghị COP22 ngày 17/11 vừa qua tiếp tục ra tuyên bố kêu gọi cam kết chính trị cao nhất và đoàn kết trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tuyên bố kết thúc hội nghị nêu rõ: “Chúng tôi kêu gọi cam kết chính trị cao nhất để đấu tranh chống biến đổi khí hậu, coi đây là một vấn đề ưu tiên khẩn cấp. Chúng tôi kêu gọi đoàn kết mạnh với những nước dễ bị tổn thương nhất trước các tác động của biến đổi khí hậu và nhấn mạnh nhu cầu hỗ trợ các nỗ lực nhằm tăng cường năng lực thích nghi, tăng cường khả năng chống chịu và giảm thiểu sự tổn thương của các nước này”. “Nhiệm vụ của chúng ta hiện nay là nhanh chóng dựa trên cái đà này để hướng tới mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và tăng cường các nỗ lực thích nghi, từ đó hưởng lợi từ Lịch trình Phát triển Bền vững 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững của nó”.
Câu chuyện tan hoang của khu nghỉ dưỡng cao cấp ở Cửa Đại (Quảng Nam) nói lên điều gì? Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển dài với hai đồng bằng châu thổ lớn là Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long. Việc nước biển dâng cao, bão, lũ lụt, hạn hán hay xói lở bờ biển và xâm nhập mặn là thảm họa nghiêm trọng đối với con người và phát triển kinh tế. Đó là một thực tế nhìn từ Cửa Đại hiện nay.
Chúng ta ngoài việc tham gia “cam kết chính trị” đã làm được những gì?
Chúng ta đã làm rất nhiều thứ. Trước hết là nhận thức, ban hành nghị quyết và đưa vào chiến lược phát triển. Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, Đảng ta chủ trương: phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt, “phát triển kinh tế - xã hội phải luôn coi trọng bảo vệ và cải thiện môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu”…Tuy nhiên, nói vẫn nhiều hơn làm.
Trong 10 năm tới, GDP của Việt Nam có thể tăng gấp đôi nhưng nếu “bỏ mặc” môi trường thì trung bình cứ GDP tăng 1%, thiệt hại sẽ là khoảng 3% GDP.
Câu chuyện lời nguyền biển cả ở Cửa Đại tiếp tục nhắc nhở!