Thời gian gần đây khá, nhiều kẻ gian kiếm tiền bằng trục lợi tấm lòng nhân ái, bao dung, thiện nguyện của những người chung quanh. Hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn xâm phạm nghiêm trọng đến lòng tin và đạo đức xã hội.
|
Đồng Phạm Nguyên - đối tượng đã lừa đảo hàng trăm triệu từ tình thương của những người bạn trên mạng. |
Lòng nhân ái đặt sai chỗ
Khi một trang mạng đăng lên bài viết về một chàng thanh niên bệnh tật, lang thang vì đói quá mà ngất đi giữa đường, để rồi người đi đường đã xúm lại, người sơ cứu, người giúp đỡ vật chất, tiền bạc, xe cộ... Một bức tranh đẹp về lòng nhân ái, bao bọc cưu mang giữa người và người. Hình ảnh chàng trai tật nguyền ngất vì đói được người đi đường cứu giúp còn được chia sẻ lên facebook cá nhân để kêu gọi sự đóng góp, giúp đỡ của cộng đồng mạng. Thế nhưng, đằng sau khung cảnh đẹp đẽ ấy là sự thật phũ phàng.
Ngay sau đó, bạn đọc trên cả nước liên tiếp liên lạc về toà soạn trang mạng kia, phản ánh về việc họ từng gặp cậu thanh niên đó, cũng từng rất nhiệt tình giúp đỡ, hỗ trợ nhưng ở một nơi hoàn toàn khác. Tổng hợp hàng loạt thông tin, người ta thấy, chàng thanh niên "đáng thương" nọ đã ngất đến hơn chục lần ở hơn chục địa điểm khác nhau, và nhận không ít tiền bạc, vật chất từ những người tốt bụng. Cộng đồng phẫn nộ vì đã đặt niềm tin không đúng chỗ, bị lừa đảo trên lòng thương người của mình.
Mới đây, trên một diễn đàn chuyên về gia đình nổi tiếng, một thành viên tên N.TH. đã đăng bài viết nhằm kêu gọi sự cảnh giác cho các thành viên khác. Nguyên do, chị đã dính "quả lừa" của chính thành viên trang mạng này.
Trước cảnh một phụ nữ khổ sở, bị chồng phụ bạc, phải một mình nuôi con nhỏ, bị bệnh hiểm nghèo, mẹ cũng đang lâm trọng bệnh... được phản ánh trong một bài viết, nhiều người đã nhiệt tình kêu gọi giúp đỡ người phụ nữ này. Chị và bạn bè trên mạng đã liên hệ người phụ nữ ấy để động viên tinh thần thường xuyên, chuyển tiền vào tài khoản để giúp người này qua cơn nguy khó. Thế nhưng một thời gian sau khi kết bạn, chị Th. nhận ra người này dường như có ý định lợi dụng, "đào mỏ".
Tìm hiểu thêm thì hoá ra, hoàn cảnh không chút nào giống với câu chuyện. Trong bài viết kêu gọi cảnh giác của mình, chị Th. và nhiều người khác đã vạch trần chiêu lừa của người này: Lên mạng xã hội, lập nick, thường xuyên chia sẻ tâm sự để lấy lòng tin, sau đó kể một câu chuyện đẫm nước mắt, rồi lập nhiều nick giả khác để bày tỏ thương cảm, xác thực cho câu chuyện, kêu gọi cộng đồng chung tay... Với "chiêu bài" này, kẻ lừa đảo đã nhận đến vài chục triệu đồng từ tay những người phụ nữ giàu nhân ái khác.
Điều đáng nói, theo cảnh báo của chị Th., thì hiện nay trên các mạng xã hội và diễn đàn có uy tín đang tràn lan hình thức lừa đảo này. Thậm chị, chị Th. còn đưa ra những ví dụ trực tiếp vạch trần các tình huống lừa đảo đang diễn ra ngay trên diễn đàn chị đang tham gia. Ngay sau đó, quản trị diễn đàn đã kiểm tra, thấy rằng nhiều nick giả đã được lập (cùng IP) để tung hứng, kêu gọi ủng hộ tiền bạc cho những nhân vật đã tung ra các câu chuyện nghe rất đáng thương...
Đặc biệt trên facebook, không hiếm người chia sẻ những bức ảnh thương tâm, những hoàn cảnh bi đát khiến cộng đồng sôi sục, liên tục chuyển khoản, giúp đỡ về tiền bạc, để rồi sau đó, "ăn quả đắng" vì phát hiện sự giả mạo...
Mới đây, vào tháng 11/2012, khi cảnh sát Hà Nội bắt giam Đồng Phạm Nguyên vì tội lừa đảo, nhiều người cũng ngã ngửa vì bất ngờ và thất vọng.
Trên mạng xã hội, Nguyên được khá nhiều người biết đến với câu chuyện là con lai, bố bỏ rơi từ nhỏ, vất vưởng ngoài đời nhưng đã vượt lên số phận, ăn học đàng hoàng, rồi làm giám đốc một công ty, nhận nuôi trẻ khuyết tật... Sau đó, với câu chuyện mắc bệnh u não không có khả năng tài chính để chữa trị, hiện đang chờ chết, Nguyên đã khiến rất nhiều người "bạn ảo" thương cảm, quyên góp ủng hộ anh ta số tiền trên 200 triệu đồng.
Nguyên bị bắt vì một cô gái "Mạnh thường quân" khi gặp gỡ đã nảy sinh nghi ngờ. Để rồi, qua giám định cho thấy, sức khoẻ Nguyên hoàn toàn bình thường, anh ta chỉ là một kẻ lang thang, đã có hai tiền án tiền sự vì tội lừa đảo.
Chị T.Q, ngụ Hà Đông, đã chia sẻ trên mạng xã hội, có thời gian, mỗi tháng lương chị làm đều gom góp để gửi giúp Nguyên nuôi trẻ khuyết tật, thậm chí chị khâm phục ngưỡng mộ và kể cả rung động trước Nguyên...
Khi niềm tin bị đánh cắp
Đã có không ít những vụ lừa đảo số lượng lớn đánh vào lòng thương người như thế, nhưng ngoài vụ việc của Đồng Phạm Nguyên ra, thì hầu như các vụ lừa đảo tương tự đều chưa bị đưa ra ánh sáng, kẻ lừa đảo vẫn ung dung tiếp tục những hành động phi pháp, phi đạo đức của mình. Lý do lớn là nhiều người bị lừa "cho qua" vì nghĩ đó chỉ là số tiền nhỏ, đồng thời khi làm việc thiện thì họ không muốn chuyện rầy rà.
Chưa có đơn tố cáo, số tiền không quá cao, không dễ lộ, khó tìm ra chân tướng thật, những kẻ lừa đảo nắm được tâm lý ấy nên kiếm tiền bằng cách lợi dụng lòng tin và sự trắc ẩn trở thành một cách mà nhiều kẻ lười lao động "vận dụng".
Điều đáng lo không chỉ là tình trạng vi phạm pháp luật dưới hình thức trên đang ngày càng phổ biến và ít bị xử lý, mà quan trọng là nó gây rạn nứt, mất lòng tin trong xã hội, khiến người đời trở nên chai sạn, cảnh giác và khép mình hơn với những hoàn cảnh đáng thương, vì người ta sợ khi mở lòng cũng là lúc những kẻ táng tận lương tâm tràn vào để lợi dụng lòng thương của họ.
Trong vụ việc của Đồng Phạm Nguyên, Trung tá Mạc Đình Thắng, Trưởng công an phường Dịch Vọng đã đưa ra lời cảnh báo : Lừa đảo bằng lòng thương đang là hình thức lừa đảo mới, do vậy, người dân có lòng hảo tâm giúp đỡ những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn thì nên thông qua các cơ quan, tổ chức có chức năng. Tránh việc đưa tiền từ thiện trực tiếp mà chưa xác minh rõ ràng như trường hợp của Đồng Phạm Nguyên.
Một Luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM thì nhận định, việc thời gian qua, các hình thức lừa đảo bằng cách lợi dụng lòng từ thiện ngày một phổ biến. Đây là hình thức lừa đảo mới mẻ, bản thân kẻ lừa đảo cất công xây dựng rất nhiều "chiêu thức", biết "tung hoả mù", lại đánh vào tâm lý hướng thiện của nhiều người.
Một vụ lừa đảo thường có nhiều nạn nhân và mỗi nạn nhân bị lừa một số tiền không quá lớn, nên họ chưa mạnh dạn tố cáo. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng chưa có sự quan tâm đúng mức tới hình thức tội phạm mới này để tuyên truyền, phổ biến cho người dân cảnh giác.
Còn Luật sư Huỳnh Phước Hiệp, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: Theo quy định của Bộ luật Hình sự, người nào dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên là có thể bị kết án tù về tội này. Khung hình phạt từ 6 tháng đến chung thân.
Tuy nhiên, để kết tội một người cần phải có chứng cứ rõ ràng. Vì vậy, khi gặp những thông tin về hoàn cảnh đáng thương, ta nên tự mình xác thực trước khi quyết định giúp đỡ. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, người dân nên báo cho cơ quan công an để được hướng dẫn cụ thể và tiếp tục theo dõi hành vi của những người này để có chứng cứ giải quyết.
Đặc biệt, cần tỉnh táo, tránh hiện tượng “tam sao thất bản” và “hội chứng tâm lý đám đông”, vì điều này sẽ giúp cho những kẻ lừa đảo có đất sống, còn những hoàn cảnh đáng thương phải lâm vào tình cảnh đáng thương hơn một khi những người hảo tâm bị mất lòng tin.
Ngọc Mai