Hành động đáng quý ấy đã góp phần cứu được biết bao bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại nhà qua cơn nguy kịch để chờ được can thiệp y tế. Những đội cung cấp oxy miễn phí đã toả khắp thành phố, lập trạm ứng cứu ở hầu hết các quận huyện, tiến hành mua, chiết nạp oxy liên tục để cứu người.
Tuy nhiên, cạnh những bệnh nhân thực sự cần đến bình oxy cứu mạng, có không ít những người “khôn lỏi”, trục lợi từ những người vượt đường xa đến cứu mình. Nhiều trường hợp, đội tình nguyện mang oxy chạy quãng đường dài, đến nơi mới biết bệnh nhân thực ra chưa khó thở, chưa cần đến bình oxy nhưng muốn gọi để... mượn bình dự trữ phòng hờ.
Các đội tình nguyện chia sẻ, có trường hợp người bệnh gọi “cầu may” nhiều đội cung cấp oxy, đến khi các đội đến cùng một nơi, bệnh nhân mới rối rít xin lỗi. Trong khi trước đó, các đội đã xác nhận rõ ràng với bệnh nhân là sẽ đến ứng cứu.
Cạnh đó, một trường hợp khác đang làm dấy lên sự bất bình trong dư luận, đó là tình trạng chiếm giữ vỏ bình oxy làm của riêng sau đó đem bán kiếm tiền của một số bệnh nhân và người nhà.
Anh Minh Dũng, thành viên một đội cung cấp oxy chia sẻ, ban đầu nhóm của anh rất nhiệt huyết, hễ thấy người kêu cứu lập tức lên đường đến trao bình oxy và hướng dẫn sử dụng cặn kẽ. Tuy nhiên, một thời gian sau nhiều bình oxy giao rồi không đòi lại được, sau đó mới biết có tình trạng nhiều người giả bệnh, gọi các đội giao oxy đến nhà rồi lấy bình đem bán.
Cái khổ là bình oxy bán ra thì rẻ, chứ đội tình nguyện muốn săn mua vỏ bình trong thời điểm này là đắt đỏ và khó khăn. Nhiều đội khi bệnh nhân cầu cứu còn phải vay mượn bình oxy các trạm khác vì cung ứng chưa kịp.
Hiện, hầu hết các đội cung cấp oxy đã thay đổi cách thức hoạt động, liên kết với các đội, trạm cấp cứu lưu động, dựa vào thăm khám từ xa và chỉ định của bác sĩ mới đến nhà bệnh nhân. Ông Hoàng Tuấn Anh, người đang thực hiện mô hình ATM oxy cũng chia sẻ bức xúc về việc nhiều người đòi bình oxy để trữ mà không có chỉ định của bác sĩ, không được tình nguyện viên đồng ý thì quay sang chửi bới. Có cả những trường hợp sau khi dùng bình oxy xong, tình nguyện viên yêu cầu trả lại vỏ bình thì mắng chửi, xúc phạm đội tình nguyện.
Một số trường hợp khác được ghi nhận từ các đội cấp cứu 0 đồng, cứu trợ thực phẩm cũng thế. Đã có những người, gọi hàng loạt xe cấp cứu miễn phí, khiến các đội chạy gấp rút đến ứng cứu nhưng rồi hụt hẫng ra về. Có những người liên hệ các đội cứu trợ yêu cầu giúp đỡ mình, nhưng khi đến tiếp tế thì phát hiện ra hoàn cảnh không khó khăn, và gọi rất nhiều nhóm giúp đỡ bản thân để trục lợi thực phẩm.
Thời điểm này, người dân khó khăn rất nhiều và các nhóm tình nguyện cũng đã nỗ lực hết mình để chia sẻ gánh nặng với xã hội, giúp đỡ mọi người. Những trường hợp người dân tham lam, trục lợi như thế, nhìn tưởng như chỉ chuyện nhỏ, khôn vặt, thực tế tác hại rất lớn. Nó làm mất niềm tin giữa người với người, khiến tình nguyện viên “mất lửa”. Không chỉ thế, nó còn khiến tước đi cơ hội của những trường hợp nguy cấp, khó khăn cần được trợ giúp thật sự. Những người ấy cần bị lên án, thậm chí bị xử lý theo pháp luật với những trường hợp trục lợi nghiêm trọng.