Gương sáng Pháp luật

Lớp học thầy giáo Di nơi cổng trời xứ Thanh

(PLVN) - Khi màn đêm buông xuống, các bản làng miền biên viễn xa xôi của huyện Mường Lát chìm dần trong bóng tối, cũng là lúc tiếng đọc bài của những học sinh đặc biệt có độ tuổi trải dài từ 20-50 tuổi ở bản Khằm II, xã Trung Lý vang lên tại điểm trường Tiểu học Khằm II. Đó là lớp học thầy giáo Di, một thầy giáo mang quân hàm xanh nơi cổng trời biên giới Việt- Lào xứ Thanh…
Thầy Di tận tình sửa từng con chữ cho bà con.
Thầy Di tận tình sửa từng con chữ cho bà con.

Hành trình gieo chữ gian nan của thầy giáo quân hàm xanh

Đồng bào Mông ở Thanh Hóa sinh sống chủ yếu ở các bản làng vùng sâu, vùng xa các huyện Quan Hoá, Quan Sơn và Mường Lát thuộc các xã giáp biên giới với nước bạn Lào. Nơi đây có nhiều đồng bào không biết chữ nhưng bằng sự nhiệt huyết của những cán bộ, đảng viên đi gieo chữ mà đời sống người dân đang dần thay đổi. Trong số những người đi gieo chữ cho đồng bào có thiếu tá Hơ Văn Di đang công tác tại Đồn Biên phòng Trung Lý, Mường Lát (Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa).

Thiếu tá Hơ Văn Di sinh năm 1978, là người Mông xã Pù Nhi (Mường Lát), trong gia đình nghèo có 6 anh em, bố mẹ mất sớm học hết trung học phổ thông, Di nhập ngũ vào BĐBP. Đến năm 2001, Di được cử đi học. Sau khi tốt nghiệp Trung cấp Biên phòng, năm 2006, anh được điều động về công tác tại Đồn Biên phòng Trung Lý.

Với nhiệm vụ là cán bộ vận động quần chúng, anh cùng cán bộ, chiến sĩ đơn vị khắc phục khó khăn, thực hiện “ba bám, bốn cùng”, gắn bó mật thiết với bà con các dân tộc; tích cực sát cánh, tham mưu cho chính quyền địa phương củng cố, xây dựng cơ sở chính trị. Đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Quá trình cắm bản, gắn bó với bà con, anh Di nhận thấy một trong những căn nguyên khiến bà con dân tộc mình lạc hậu, nghèo đói là do thiếu cái chữ. Anh tâm sự, mù chữ khiến cho người dân bị động và khó hòa nhập cộng đồng, không có kiến thức áp dụng vào trong đời sống, dẫn đến lạc hậu, đói nghèo. Chưa kể, bà con dễ bị các đối tượng xấu lừa gạt, lợi dụng, mua chuộc, lôi kéo làm những việc vi phạm pháp luật.

Tháng 8/2009, thiếu tá Di được lãnh đạo Đồn Biên phòng Trung Lý giao nhiệm vụ vào chốt biên phòng ở bản Tà Cóm phối hợp cùng Chi bộ bản Tà Cóm vận động, tuyên truyền bà con phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Song song đó là nắm địa bàn, ngăn chặn các phần tử xấu kích động, lôi kéo, chống phá Đảng, Nhà nước.

Lớp học xoá mù chữ của thầy Di được đông đảo đồng bào ở mọi lứa tuổi theo học. Ảnh NVCCLớp học xoá mù chữ của thầy Di được đông đảo đồng bào ở mọi lứa tuổi theo học. Ảnh NVCC

Thiếu tá Hơ Văn Di kể: Bản Tà Cóm, xã Trung Lý, huyện Mường Lát được xem là bản biệt lập với thế giới bên ngoài. Nơi đây được nhiều người ví như là “ tam giác vàng” của xứ Thanh bởi sự phức tạp của ma túy, đồng bào chìm trong đói nghèo, lạc hậu...

Trung Lý là địa bàn chủ yếu là người dân tộc Mông, giao thông hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, dân trí thấp, đời sống của bà con còn rất khó khăn, số hộ nghèo còn chiếm hơn 80%. Hơn chục năm trước, Tà Cóm là bản có nhiều cái không nhất của Thanh Hóa “không điện, không đường, không trường, không trạm y tế, không sóng điện thoại, tỉ lệ người không biết chữ rất cao”…

Thầy giáo quân hàm xanh Hơ Văn Di. (Ảnh NVCC)Thầy giáo quân hàm xanh Hơ Văn Di. (Ảnh NVCC)

Chia sẻ về những khó khăn thời gian đầu cùng đồng đội đi vận động bà con đến lớp học, thiếu tá Di cho biết: “Đa phần người dân không biết chữ ở các bản đều là lao động chính trong gia đình. Có không ít những câu trả lời rất vô tư, thật thà của bà con khiến anh day dứt, đại loại như: “Cái chữ có đổi được xe máy không? Có đổi được gạo không?”.

Cùng là người dân tộc Mông, anh Di thấu hiểu tâm tư của bà con. Anh nghiên cứu cho mình cách tuyên truyền gần gũi, dễ hiểu và sát thực tế: “Bây giờ, mọi nơi đều đổi mới rồi, đồng bào mình cũng cần phải biết cái chữ để không phải lo ăn từng ngày, để có điều kiện đủ ăn, đủ mặc, để trồng cây ngô, cây lúa không sâu bệnh, đạt năng suất cao, nuôi con trâu, con bò, con lợn nhanh lớn, để nuôi dạy con cái tốt. Biết chữ để không bị kẻ xấu lừa gạt”.

Đường vào bản thời điểm ấy cũng rất khó khăn, nếu đi bộ bằng đường núi thì phải đi từ sáng sớm đến chiều tối mới tới. Và nếu vượt sông Mã thì rất nguy hiểm vì nước chảy xiết, nhất là vào mùa lũ. “Đêm đầu tiên nhận nhiệm vụ, mưa rừng không ngớt, cả bản làng bao trùm bóng tối, không ánh đèn… Chứng kiến tình trạng đói nghèo, lạc hậu, nhiều hủ tục của bà con dân bản, tôi chỉ mong muốn làm sao để họ biết viết, biết đọc cái tên của mình, từ đó ít nhiều cũng giúp bà con biết cách làm ăn, tránh xa kẻ xấu kích động lẫn ma túy…”, thiếu tá Di bày tỏ.

Mặc dù là người lính, nhưng thiếu tá Hơ Văn Di lại có năng khiếu về sư phạm. Trước đó, đã có những lớp xóa mù được mở ra nhưng rất ít người học. Phần vì bà con người Mông còn e thẹn, xấu hổ, nhất là khi người đứng lớp lại là người Kinh, người dưới xuôi lên. Ngày ấy, chị Dế nói với trưởng bản Thào A Sự là rất muốn đi học. Học để biết đếm những con trâu, biết viết tên mình. Nhưng khi cán bộ đến lấy danh sách, vận động thì chị lại từ chối! Dế nói phải học với cán bộ người Mông và người đó là thiếu tá Di mới chịu. Bởi theo bà con, thầy Di dạy dễ hiểu. Có nhiều chị em không thạo tiếng phổ thông, thầy Di lại truyền đạt bằng tiếng Mông. Ngoài dạy chữ, thầy Di cũng thường hỏi han về cuộc sống, khuyên bà con xóa bỏ các hủ tục, nhất là vấn đề quản lý con em không để xảy ra tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết....

Và biết chữ để ấm no, không bị kẻ xấu lừa gạt

Thế rồi, lớp học đã thành phong trào. Ngày ngày, bà con lên nương rẫy, nhưng đúng 19 giờ 30 phút, họ lại í ới gọi nhau đến lớp học chữ. Đêm nào cũng vậy, khi cánh rừng đã chìm trong bóng tối cũng là lúc lớp học xóa mù chữ do Thiếu tá Hơ Văn Di đứng lớp tại điểm trường Tiểu học bản Pa Búa bắt đầu sáng đèn. Các học viên của lớp xóa mù chữ đa phần là phụ nữ bản Pa Búa, xã Trung Lý, họ ở nhiều lứa tuổi khác nhau, có người lên chức bà, địu cháu đi học, có những đứa bé ngồi bên bà ngủ gật và cũng có bé lắc lư cùng cái địu trên vai theo nhịp đánh vần của mẹ...

Thầy giáo quân hàm xanh Hơ Văn Di, với phong thái điềm đạm, đến bên cạnh từng học viên để giảng bài một cách tận tình, chi tiết. Vốn quanh năm chỉ quen cầm dao, cầm cuốc, bàn tay chai sần, thô ráp, nay cầm bút thấy gượng gạo, cố gắng uốn nắn theo từng nét chữ. Phải cầm vào những bàn tay chai sần vì lao động, hướng dẫn di theo từng nét chữ, nhắc đi nhắc lại nhiều lần, anh không chỉ dạy mà còn phải cùng đồng bào khắc phục cả sự ngượng ngùng, tự ti… Do vậy, dù rất hăng hái học tập nhưng mức độ tiếp nhận của mỗi người mỗi khác, nên các anh phải vô cùng nhẫn nại và linh hoạt với nhiều phương pháp giảng dạy thì mới xóa bỏ được tự ti để lớp học thực sự hiệu quả.

Bà con đến lớp học thầy giáo Di (Ảnh NVCC)

Bà con đến lớp học thầy giáo Di (Ảnh NVCC)

Chị Thào Thị Xay, học viên lớp xóa mù bản Khằm 2, xã Trung Lý, huyện Mường Lát cho biết: “Trước đây thì phụ nữ bản Khằm 2 chúng ta không biết chữ, được thầy Di biên phòng dạy cho chị em chúng ta biết chữ, biết viết tên mình, biết đi làm công ty kiếm tiền nuôi gia đình, cho các con đi học, không nghe theo cái xấu…”.

Bà Hoàng Thị Sơ (48 tuổi, học lớp xóa mù) kể: Bà theo gia đình từ phía Bắc vào Khằm II từ những năm 1985, giờ đã có cháu, có chắt mới đi học chữ. “Lúc đầu viết cái chữ khó lắm, không viết được tên mình nên buồn lắm, định bỏ học rồi nhưng thầy Di bảo cứ học đi, chưa biết thì mãi cũng biết”, bà Sơ nói.

Suốt gần 20 năm qua, những câu chuyện ý nghĩa, gần dân, thấu hiểu tâm tư của đồng bào, chia sẻ những khó khăn, cả những mất mát của đồng bào, trái tim của người lính ấy đã bao lần xúc động khi mỗi người viết được tên mình, đọc rõ một bài báo… Và hơn thế, thiếu tá Di cho biết: “Thông qua các lớp học xóa mù chữ, chúng tôi đã tổ chức tuyên truyền cho bà con nhân dân nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kiến thức khoa học kỹ thuật áp dụng trong sản xuất, phát triển kinh tế; xóa bỏ các tập tục lạc hậu như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và thực hiện việc cưới, việc tang theo nếp sống mới; tuyên truyền các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để người dân nắm chắc, hiểu sâu, không cổ xúy, tham gia hoạt động, tuyên truyền đạo trái pháp luật”…

Theo các thầy cô giáo xã Trung Lý, với tâm huyết đem tri thức đến với đồng bào dân tộc Mông vùng sâu, vùng xa biên giới, nhiều năm nay, thiếu tá Hơ Văn Di, luôn khắc phục khó khăn, miệt mài đưa cái chữ đến với đồng bào dân tộc Mông ở xã biên giới. Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Pa Búa Thào Thị Xênh, học viên lớp xóa mù chữ chia sẻ: “Được cán bộ Biên phòng cho đi thăm các bản bên, thấy chị em phụ nữ được học chữ với thầy Di nên đã biết cái chữ, biết làm kinh tế, được các công ty nhận vào làm việc, có thu nhập ổn định nên Ban quản lí bản đã mời thầy Di về dạy cho chị em trong bản biết cái chữ”.

Thiếu tá Hơ Văn Di tại Lễ Tuyên dương Chia sẻ cùng thầy cô năm 2024 của TƯ HộI LHTNVN- TƯ Đoàn. Ảnh Đăng HảiThiếu tá Hơ Văn Di tại Lễ Tuyên dương Chia sẻ cùng thầy cô năm 2024 của TƯ HộI LHTNVN- TƯ Đoàn. Ảnh Đăng Hải

Chỉ riêng từ năm 2019 đến nay, ngoài công việc chuyên môn của người lính cắm chốt nơi biên giới, thiếu tá Hơ Văn Di cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trung Lý tham mưu mở thành công 6 lớp xóa mù chữ với tổng cộng trên 250 học viên tại bản Khằm 1 và Khằm 2 và Pa Búa.

Năm 2023, thiếu tá Hơ Văn Di vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen về thành tích trong công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cho Nhân dân trên khu vực biên giới.

Những ngày tháng 11 vừa qua, thiếu tá Hơ Văn Di có dịp về Hà Nội trong Lễ tuyên dương Chia sẻ cùng thầy cô, nhận Bằng khen của Uỷ ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cùng 60 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu đang dạy học ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, huyện đảo, xã đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn…

Và như thế, nơi biên viễn xa xôi, cùng với các thầy cô giáo, những người thầy mang quân hàm xanh như thiếu tá Hơ Văn Di đang lặng thầm hy sinh, vượt muôn vàn gian khó, miệt mài mang cái chữ, sự hiểu biết pháp luật, chính sách của Đảng, Nhà nước tới bà con. Thiếu tá Hơ Văn Di hạnh phúc khi được góp một phần công sức vào sự ấm no, đổi thay, phát triển của dải đất nơi phên dậu Tổ quốc này…

Bí thư Huyện ủy huyện Mường Lát Hà Văn Ca chia sẻ: Đảng nhà nước, chính quyền địa phương luôn chăm lo đời sống người dân vùng biên nói chung và đồng bào người Mông nói riêng. Các lớp xóa mù chữ của thiếu tá Hơ Văn Di đã giúp nhiều người Mông biết đọc, biết viết, biết làm một số phép tính đơn giản. Việc làm của thiếu tá Hơ Văn Di góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, bảo vệ biên giới của Tổ quốc.

Đọc thêm